Người giữ lửa tổ ấm

'Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm', đến ngày nay, câu nói ấy vẫn còn giữ nguyên giá trị. Bằng sự dịu dàng, tinh tế và chu đáo của mình, phụ nữ (PN) đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình và giáo dục con.

Hạnh phúc giản dị

Ở độ tuổi xế chiều, niềm vui lớn nhất của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiệp và bà Nguyễn Thị Kim Oanh (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) là thành công và hạnh phúc của con. Bà Oanh kể, ông bà kết hôn năm 1995, khi ông vừa xuất ngũ và cả 2 chẳng có gì trong tay. Hai vợ chồng đưa nhau từ vùng đất giáp biên giới Campuchia về huyện Tân Trụ quê ông sinh sống. Không có đất sản xuất, ông bà làm nghề buôn bán. Mỗi ngày, vợ chồng bà thức dậy từ 2 giờ hoặc có khi sớm hơn để đi thu mua gà, vịt từ các hộ gia đình và bán lại ở chợ đầu mối tại TP.HCM.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp, bà Nguyễn Thị Kim Oanh đầm ấm trong bữa cơm

Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp, bà Nguyễn Thị Kim Oanh đầm ấm trong bữa cơm

Vì hoàn cảnh khó khăn, bà Oanh tiết kiệm từng chút trong chi tiêu, dành dụm cho tương lai. Bà Oanh kể, biết rõ một phần quan trọng khi gìn giữ hạnh phúc gia đình chính là kinh tế nên bà hết lòng cùng chồng gầy dựng sự nghiệp. Chắt chiu, lo lắng cho gia đình trở thành thói quen của bà từ mấy chục năm nay. Nhờ vậy, đến nay, vợ chồng bà có dãy nhà trọ cho thuê, một ít đất nông nghiệp và căn nhà nhỏ.

Nhắc tới vợ mình, ông Hiệp nói: “Tôi thương và quý nhất ở bà ấy tính cần, kiệm và lo cho gia đình. Làm được bao nhiêu tiền, tôi đều đưa vợ giữ. Bà ấy chỉ lo nghĩ cho gia đình, không hoang phí một đồng nào. Nhiều lúc chiếc áo mặc lâu ngày sờn cũ cũng không dám mua, thế nhưng, khi lo cho chồng, con thì bà ấy lại chẳng tiếc thứ gì. Tôi cứ nghĩ những điều đó mà thương mãi!”.

Với bà Oanh, được lo cho chồng, con là một hạnh phúc và bà vui vẻ cảm nhận niềm hạnh phúc ấy từ những ngày còn vất vả cho tới hôm nay. Bà Oanh nói: “Ông nhà tôi rất yêu gia đình, thương con. Gia cảnh chúng tôi có thể chẳng bằng ai nhưng chúng tôi luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con và con chính là niềm tự hào của chúng tôi. Bây giờ, con gái tôi đi làm rồi và cũng rất yêu thương cha mẹ. Với tôi, chẳng có gì hạnh phúc hơn điều đó”.

Vì thương người PN hết lòng vì gia đình, ông Hiệp cũng luôn quan tâm, chia sẻ với vợ mọi điều. Bữa cơm nhà bao năm nay ông vẫn luôn cùng bà chuẩn bị. Lúc bất hòa, ông sẵn sàng nhường nhịn. Vì hiểu tính nhau nên cả ông và bà luôn sẵn sàng “xuống nước”, bớt lời khi người kia đang giận. Điều đó tạo nên sự hòa thuận và ấm cúng, khiến gia đình trở thành tổ ấm và niềm tự hào của con gái ông bà.

Có dịp trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (con của ông bà) mới thấy chị rất hãnh diện về gia đình mình. Chị Hằng nói: “Luôn được cha mẹ yêu thương, ủng hộ, tôi có thêm can đảm và động lực khi làm bất cứ điều gì. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được làm con của cha mẹ!”. Học được ở đấng sinh thành cách yêu thương, quan tâm người khác, nhường nhịn và chăm sóc gia đình, chị Hằng cũng dành những điều tốt đẹp và luôn cố gắng đem đến niềm vui cho cha mẹ.

Phụ nữ - phần không thể thiếu của gia đình

Khi nói đến vai trò của người mẹ, Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Người mẹ có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành sự quan tâm đến người khác giới ở con trai và sự hình thành nữ tính ở con gái. Tính hiền hậu; tấm lòng nhân ái; lời ăn tiếng nói ngọt ngào, cách cư xử dịu dàng, tế nhị; cách ăn mặc lịch sự; tính tự trọng; sự quan tâm chăm sóc chồng con hết mực của người mẹ sẽ là hình mẫu, có tác dụng giáo dục nữ tính rất tốt cho con gái. Có thể nói, người mẹ có vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho con gái trở thành người vợ, người mẹ tốt trong tương lai”.

Thật vậy, dù trong xã hội hiện đại, vai trò “xây tổ ấm” của PN chưa bao giờ “lỗi thời”. Sự dịu dàng của PN sẽ tạo ra “bến đỗ bình yên” cho người chồng và chỗ dựa vững vàng cho những đứa trẻ trong gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “cơm mẹ nấu” trở nên thịnh hành trong giới trẻ và luôn được dùng với ý nghĩa là món ăn tình cảm, đáng trân trọng nhất. Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của PN trong việc xây dựng một gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Nhà thực hành chuyên nghiệp về Trí tuệ cảm xúc cho gia đình, trẻ nhỏ và Chẩn đoán, trị liệu cho cha mẹ có hội chứng kiệt sức - Lê Thanh Tâm cho biết, vai trò của người mẹ trong việc giáo dục các con là rất quan trọng. Bà khẳng định, một người mẹ hạnh phúc sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ hạnh phúc. Vì cha mẹ sẽ là những người thầy đầu tiên của con, cũng là tấm gương gần gũi và thiết thực nhất của con nên việc những đứa trẻ có xu hướng học theo và “thần tượng” cha mẹ mình là điều dễ hiểu.

“Muốn con trở thành người thế nào, trước tiên cha mẹ phải là người thế ấy” - bà Lê Thanh Tâm khẳng định./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-giu-lua-to-am-a150994.html