Người Hà Nội sành chơi hoa Tết

Người Hà Nội xưa nay vốn lịch lãm trong cách sống, cách chơi. Bởi vậy, cái thú chơi hoa của người Hà Nội cũng rất đặc biệt - vừa ung dung, thư thái lại vừa chậm rãi, từng trải, nhất là mỗi dịp Tết đến.

Lâu nay, Tết với người Hà Nội không thể thiếu đào và quất. Hoa đào có ý nghĩa mang xuân vào nhà, còn cây quất có ý nghĩa mang lộc về trong năm mới.

Với hoa đào, người Hà Nội thường cắm cành hoa vào lọ lục bình hoặc trồng trong chậu, đặt lên ghế đôn để trong phòng khách. Tùy theo sở thích và tâm ý của từng người, có thể chơi đào phai, đào thắm hoặc đào thế.

Ông Tuấn là người có thú chơi hoa thủy tiên của người Hà Nội cổ.

Ông Tuấn là người có thú chơi hoa thủy tiên của người Hà Nội cổ.

Người Hà Nội chơi đào cũng rất cầu kỳ. Ngay từ tháng chạp, nhiều người đã lên tận Nhật Tân và các khu vực lân cận để lựa một cây đào ưng ý rồi nhờ chủ vườn chăm sóc, đến giáp Tết mới đem về nhà trưng bày. Với người chơi đào thế, thì việc lựa chọn hoặc cắt tỉa cây đào là một thú vui quanh năm chứ không chỉ ngày Tết.

Chơi quất cũng rất cầu kỳ. Phải chọn cây quất có đủ quả xanh, quả chín, có lá non nhú lên trên cành, gọi là lộc quất. Cũng có thể chọn thế cây quất có tầng, có tán theo sở thích để bày.

Ngoài đào và quất là hai loài hoa chủ đạo nhất thì Tết của người Hà Nội xưa không thể thiếu hoa thủy tiên. Người Hà Nội xưa chơi hoa thủy tiên rất kỹ tính. Người có kinh nghiệm thường tỉa những củ hoa thủy tiên sao cho đúng đêm giao thừa hoa mới nở và tin rằng hoa nở đúng đêm giao thừa thì năm đó sẽ may mắn, có nhiều phúc lộc đến nhà.

Cụ Hạnh đang chăm sóc cây Lan hoàng hậu để đón Tết Bính Thân 2016.

Cụ Hạnh đang chăm sóc cây Lan hoàng hậu để đón Tết Bính Thân 2016.

Còn một thú chơi hoa rất thanh tao của người Hà Nội cổ đó là tạo những bát hoa để bàn. Người ta mua một chiếc bát thủy tinh miệng rộng, đổ nước vào, ngắt những cánh hoa đủ mầu sắc, đủ loại, thả vào cho nổi bập bềnh trên mặt nước và đặt cạnh bàn trà.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (91 phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) - một người dân phố cổ chơi hoa lâu năm - chia sẻ: “Chơi hoa nếu muốn tươi lâu thì tối mang ra ngoài cho hút sương. Hoa đào khi mang về thì hơ lửa ở chỗ cắt cành để giữ cho đào tươi lâu hơn. Còn với những loại hoa cắm bình thì trước khi cắm phải bấm gốc của cành hoa để cho thân cành hút nước lên”.

Nói về thú chơi hoa Tết của người Hà Nội, ông Tuấn nói thêm: “Những loài hoa có màu sắc tươi sáng, rực rỡ như vàng, đỏ… thường là lựa chọn cho ngày Tết, vì những gam màu này mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống, sự may mắn…, hơn thế nữa, nó còn tạo cảm giác ấm áp sum vầy”.

Ngày nay, trải qua thời gian, nếp sinh hoạt thay đổi và trên thị trường du nhập nhiều loại hoa mới, nhưng người Hà Nội vẫn giữ được thú chơi hoa cổ xưa. Ngoài những loài hoa truyền thống như đào, quất, thủy tiên, hiện người Hà Nội thích chơi hoa địa lan, tiên ông, tulip và một số loại hoa nhập ngoại khác.

Ảnh: AM

Ảnh: AM

Có câu “vua chơi lan, quan chơi trà” để chỉ hoa lan là loài hoa cao quý, chỉ dành riêng cho các bậc đế vương. Ngày nay, hoa lan vẫn được xem là nữ hoàng của các loài hoa, nhưng số người thưởng thức nó đa dạng hơn, từ người già đến người trẻ, từ người giàu cho đến kẻ nghèo.

Cụ Nguyễn Hạnh (tổ 10, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) - một người chơi lan lâu năm cho biết: “Địa lan chỉ khoe sắc vào thời điểm trước và sau Tết một tháng. Vì thế, suốt những tháng còn lại, người mê hoa lan chơi lá. Không phải loài lan nào cũng có hương và được ưa chuộng. Một số loại có sắc đẹp, nhưng không có hương; một số khác có hương, nhưng hoa ngắn thấp lẫn vào lá, hoặc một số loại lá lại quá to, thân cây thô cứng, nhưng mỗi loài một nét đẹp riêng”.

Nói đến thú chơi hoa Tết của người Hà Nội ngày nay, không thể không nhắc tới một loài hoa có nguồn gốc từ châu Âu là hoa tulip. Ở Châu Âu, đây là loại hoa tượng trưng cho sự sang trọng và quý phái. Người ta tin rằng tulip dành riêng cho những thiên thần bé nhỏ và các bà tiên - những người thường quây quần dưới những cây hoa và ca hát.

Hoa tulip có thể được trồng theo phương pháp thủy dưỡng. Tuy nhiên, cây được trồng trong đất vẫn được ưa chuộng hơn, bởi lá hoa sẽ mập mạp, đẹp màu hơn. Do khí hậu trước Tết nóng ấm, nên nhiều người chơi hoa được đón “tết sớm”.

Vài năm trở lại đây, có thêm một loài hoa được khá nhiều người chuộng, bày chơi Tết là hoa tiên ông, bởi nó hội đủ các yếu tố của một loài hoa trưng bày trên bàn trà, đó là hương và sắc. Khoảng đầu tháng Chạp, các chợ hoa ở Hà Nội đã bán khá nhiều tiên ông phục vụ người chơi hoa sớm. Người chơi mua về, bày hoa trong bóng tối để nụ hoa vươn dài, rồi chờ hoa bung hương, xòe cánh. Cũng có thể bày luôn những mầm hoa xanh mướt trên bàn trà, bàn ăn để thưởng thức vẻ đẹp mơn mởn của lộc xuân sớm…

Từ vài năm nay, người Hà Nội cũng bắt đầu chơi hoa mai - loài hoa tượng trưng cho hương vị Tết ở miền Nam, giống như hoa đào miền Bắc. Tuy nhiên, do khí hậu Hà Nội lạnh, nên người chơi mai phải chăm bón cẩn thận thì hoa mới nở được vào đúng dịp Tết. Đa phần cây mai sẽ chỉ chúm chím nụ và chỉ nở vài bông vào ngày Tết trong cái rét căm căm của thời tiết Hà Nội, nhưng điều đó lại khiến hoa mai mang một nét đẹp bình dị, e ấp…

Với người Hà Nôi, chơi hoa không chỉ là để thưởng thức hoa, mang hương sắc thiên nhiên vào nhà, mà còn là cách để rèn tính kiên nhẫn, ngẫm ngợi những triết lý sâu xa của người xưa để lại qua cách chơi…

Phạm Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-ha-noi-sanh-choi-hoa-tet-32731.html