Người hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ nơi địa đầu Tổ quốc

Cách đây gần 60 năm, Bác Hồ kính yêu đã tới thăm Móng Cái, Quảng Ninh - vùng đất phên giậu nơi địa đầu Tổ quốc hai lần, vào tháng 2-1960 và tháng 5-1961, Người đã dành cho vùng đất phên giậu này những tình cảm không thể nào quên. Và trong số không nhiều nhân dân, cán bộ ngày ấy được vinh dự gặp Bác, ông Vũ Thế Kỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái là người có may mắn trọn vẹn khi hai lần được gặp Người, được nâng niu những chiếc kẹo của vị Cha già kính yêu dành cho trẻ em nơi biên viễn xa xôi vùng Đông Bắc đất nước.

Ông Vũ Thế Kỳ, người vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Ảnh: Thu Hằng

Ông Vũ Thế Kỳ, người vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Ảnh: Thu Hằng

Chúng tôi gặp ông Vũ Thế Kỳ, Trưởng ban đại diện người cao tuổi thành phố Móng Cái, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái vào một sớm mùa thu, nhằm ngày 21-7 âm lịch năm Kỷ Hợi, đúng ngày giỗ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bên biểu tượng nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của thành phố Móng Cái đặt sừng sững bên dòng sông Ka Long thơ mộng, gương mặt xương xương, khuôn miệng cười nhưng ánh mắt rưng rưng, ông Kỳ kể về câu chuyện hai lần được vinh dự gặp Bác Hồ khiến chúng tôi dâng trào xúc cảm. Câu chuyện về Bác kính yêu sao mà bình dị, thân thương quá đỗi!

Ông Vũ Thế Kỳ kể: Năm 1960, Bác Hồ ra thăm Quảng Ninh, lúc đó, ông Kỳ đi theo đoàn thanh thiếu nhi Bình Ngọc vào sân vận động (ở khu vực Trung tâm bồi dưỡng chính trị và Phòng Giáo dục thành phố hiện nay) dự cuộc mít tinh đón Bác. “Tôi đứng rất xa, nhìn thấy Bác đứng trên diễn đàn để nói với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nhân dân Hải Ninh. Cảm xúc rất sung sướng vì lần đầu tiên được dự cuộc mít tinh lớn mà Bác nói chuyện ở đó” - Đôi mắt ông Kỳ đăm chiêu nhưng bừng lên niềm vui khi hồi tưởng về câu chuyện mang tính lịch sử của cuộc đời mình.

Ông nhấn mạnh: Nhưng niềm vui sướng hơn cả là vào năm 1961, trong chuyến Bác Hồ đi thăm đồng bào ở đảo, ven biển miền Đông Bắc Tổ quốc, Bác Hồ đã tới thăm nhân dân Trà Cổ. Ông Kỳ hồi tưởng: Năm đó, tôi học lớp 7, trường cấp II Trà Cổ thì nhận được tin Bác Hồ đến, Bác đang ở nhà nghỉ (khu vực khách sạn Trà Cổ hiện nay). Cả lớp học chạy ùa ra, thầy giáo cũng chạy theo. Chạy qua con đường làng là đến nơi Bác Hồ đến. Chúng tôi được hướng dẫn đón Bác ở dưới khu vực cây phi lao. Bác nói chuyện với bà con trên đảo, thăm hỏi đồng bào có sản xuất tốt không, đánh bắt cá như thế nào... Rồi Bác Hồ hỏi chúng tôi: “Các cháu có học giỏi không?”... Sau đó, Bác cho kẹo các cháu, mỗi cháu 1-2 cái. Tôi giữ cái kẹo đấy suốt nhiều ngày và đem đi khoe khắp nơi. Cảm xúc vô cùng sung sướng, tự hào...

Câu chuyện hai lần gặp vị lãnh tụ của ông Vũ Thế Kỳ đã gieo vào lòng chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Quay ngược thời gian năm 1960-1961, Móng Cái là một “chấm nhỏ” trên bản đồ nơi biên cương, thuộc vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Nghèo nàn, lạc hậu về kinh tế, nhưng ý chí không nghèo, nhân dân vùng đất phên giậu này luôn đồng tâm hiệp lực, vượt qua cái đói, cái rét, cái dốt, cùng quân dân miền Bắc chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Thế hệ ông Kỳ cũng vậy. Được nuôi dưỡng trong cái nôi cách mạng và được hun đúc tình yêu thương, ý chí cách mạng có lẽ là kim chỉ nam, là động lực mãnh liệt để dòng máu cách mạng trong tim họ không ngừng dâng trào nhiệt huyết. Để mỗi người con Việt Nam nơi vùng Đông Bắc như ông Vũ Thế Kỳ quyết tâm học tập, lao động, sống và chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cậu thiếu niên Vũ Thế Kỳ ngày ấy khi tuổi đôi mươi đã xếp bút nghiên lên đường ra trận, thắng trận trở về, cùng đất nước cất bài ca khải hoàn, lại miệt mài cầm sách, cầm bút, phấn đấu trở thành cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, rồi Trưởng đài Phát thanh-Truyền hình Móng Cái, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái và nay, về với đời thường, vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ với công việc Trưởng ban đại diện người cao tuổi thành phố Móng Cái.

50 năm đã trôi qua, những thế hệ vinh dự may mắn được gặp Bác Hồ như ông Vũ Thế Kỳ, những thế hệ được nuôi dưỡng bằng truyền thống cách mạng, bằng ngọn lửa của ý chí, niềm tin quật cường về đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc đã và đang tiếp bước ông cha và truyền lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi trân trọng lịch sử, biết ơn quá khứ, nỗ lực hết mình cho hiện tại và quyết tâm dựng xây tương lai đổi mới.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-hai-lan-vinh-du-duoc-gap-bac-ho-noi-dia-dau-to-quoc/