Người Hàn Quốc ngoài 60 tuổi học catwalk, ước mơ làm người mẫu
Khi dân số Hàn Quốc già hóa, người lớn tuổi ở đây muốn mình trẻ, khỏe và có ích hơn khi tích cực tham gia lĩnh vực giải trí - nơi giới trẻ vốn chiếm đa số.
Giữa ánh đèn lấp lánh, đủ màu sắc của đèn LED quả cầu, hơn 100 người đàn ông, phụ nữ tóc bạc tập trung trên sân khấu và lắc lư theo những bản nhạc đang hot tại Hàn Quốc.
Đây là hoạt động của câu lạc bộ khiêu vũ dành cho những người trên 60 tuổi tại Seoul, diễn ra 2 lần mỗi tuần. Trong bữa tiệc náo nhiệt, mọi người còn đeo mặt nạ, đội tóc giả, khoác lên mình những bộ đồ sặc sỡ.
Tại Hàn Quốc, đất nước đang có tốc độ dân số già hóa nhanh chóng, chương trình này là một ví dụ cho những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm giữ cho dân số già nhưng khỏe mạnh và gắn kết với xã hội.
“Chúng tôi muốn đưa văn hóa khiêu vũ đến gần hơn với những người độ tuổi 70 và 80 bằng cách tái tạo một môi trường của những năm thiếu niên nổi loạn của họ”, Lee Do-sun, giám đốc trung tâm chăm sóc phúc lợi ở phía đông Seoul - nơi tổ chức chương trình khiêu vũ nổi tiếng - nói với ABC News.
Theo thống kê, năm 2018, người cao tuổi chiếm gần 15% dân số Hàn Quốc. Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và tăng tuổi thọ được coi là những yếu tố chính góp phần khiến dân số già hóa nhanh.
Dự báo đến năm 2067, gần một nửa dân số của xứ sở kim chi là những người trên 65 tuổi.
“Các hoạt động như khiêu vũ tự do giúp người lớn tuổi di chuyển các cơ bắp mà bình thường ít sử dụng đến và ngăn ngừa bệnh Alzheimer”, ông Lee nói.
Bà Cho Sun-bun, 75 tuổi, người nhảy múa cuồng nhiệt với chiếc bờm tóc chấm bi đỏ, cho biết tham gia những chương trình này khiến bà cảm thấy trẻ hơn 20 tuổi.
“Tôi thậm chí không thể mô tả chương trình này tuyệt vời như thế nào, cả về tinh thần và thể chất. Điều đó giúp tôi giảm bớt căng thẳng”, ông Byeon Jeong-ja, 78 tuổi, người thường xuyên lui tới vũ trường cao cấp, nói với ABC News.
Các chương trình dành cho người cao tuổi Hàn Quốc vượt ra ngoài những mong đợi của chính phủ.
Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc ước tính rằng thị trường phục vụ dân số già, được đặt tên là “nền kinh tế bạc”, có thể phát triển thành ngành công nghiệp trị giá 73 nghìn tỷ KRW (62,1 tỷ USD) vào năm 2020 trong 8 lĩnh vực, đặc biệt là giải trí.
Show Project là học viện đào tạo người mẫu nổi tiếng với các khóa học dành cho người cao tuổi. Giám đốc học viện Choe Yun cho biết những bài học về kỹ thuật catwalk và tạo dáng được thiết kế đặc biệt để phù hợp với học viên chủ yếu ở độ tuổi 50-60, có sức chịu đựng, sức mạnh cơ bắp, khả năng nhận thức và biểu cảm khác những người mẫu trẻ.
“Người già không có nhiều việc để làm sau khi nghỉ hưu. Thử thách bản thân để thực hiện ước mơ mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng và niềm vui”, ông Choi Soon-hwa, người theo học tại học viện và bắt đầu làm người mẫu chuyên nghiệp ở tuổi 77, nói.
Sau những bài học kéo dài hàng tháng, một số thực tập sinh đã hiện thực hóa ước mơ của họ khi sải bước trên sàn catwalk ở Tuần lễ thời trang Seoul.
Trong nhiều thập niên, ông Kim Chil-doo đã làm nhiều công việc khác nhau, từ bán quần áo, tạp hóa, nấu súp gạo... để kiếm sống trước khi tham gia lớp học người mẫu dành cho người cao niên.
Bây giờ, ở tuổi 65 khi hầu hết mọi người bước vào tuổi nghỉ hưu, ông Kim là người mẫu nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các sàn diễn, nhãn hiệu thời trang lớn. Mái tóc dài gợn sóng, bộ râu xám và những bước đi lôi cuốn trên sàn diễn đưa tên tuổi của mẫu nam ngoài 60 tuổi ngày càng nổi tiếng.
“Khi bạn già đi, bạn bị coi là vô dụng trong mắt nhiều người. Nhưng những chương trình như thế này giúp chúng tôi lấy lại sự tự tin rằng tuổi già cũng là một điều tuyệt vời”, thực tập sinh, người mẫu Lee Gil-woo nói.