Người hòa giải viên năng động

Từ nhiều năm nay, ông Vương Văn Thanh đã quen với việc 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng'. Trong tổ dân phố hễ có vụ việc mâu thuẫn phát sinh, ông cùng các thành viên tổ hòa giải lại ngay lập tức lên đường... Nhờ đó mà bao mâu thuẫn được hóa giải, bao gia đình trở lại hòa thuận, vui vẻ.

Ông Vương Văn Thanh, SN 1952, là tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 26 phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông Thanh tham gia công tác hòa giải đã nhiều năm. Dù là công việc “vác tù và hàng tổng” nhưng cứ hễ có việc cần là ông sẵn sàng bỏ dở công việc chăm sóc vườn cây ăn quả của mình để cùng tham gia với tổ hòa giải. Đó là điều mà ông Thanh luôn được nhiều người dân trong tổ dân phố yêu mến, kính trọng và nể phục.

Ông Thanh say sưa kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hòa giải mà ông cùng tổ hòa giải tại địa phương đã làm bằng cả cái tâm của mình. Theo ông Thanh, trong thời gian làm công tác hòa giải, nếu thành công ngay từ lần đầu hòa giải thì đã mừng. Tuy nhiên, có những vụ việc dù đã gặp tới 4 - 5 lần, các bên đồng ý thỏa thuận nhưng hôm sau lại gây chuyện với nhau khiến cho tổ hòa giải lại phải tiếp tục khuyên nhủ. Có trường hợp một cặp vợ chồng đã đến bờ vực ly hôn do gia đình nhà chồng không ưa người vợ. Cô vợ có kêu cứu đến hội phụ nữ và tổ hòa giải. Tổ hòa giải phải chia ra từng cá nhân gặp riêng và phân tích về mặt tình cảm, hậu quả của việc chia tay, con cái chịu thiệt thòi nếu bố mẹ mỗi người một nơi…

Với uy tín tại địa phương, ông Vương Văn Thanh đã tích cực tham gia công tác hòa giải tại địa phương. Ảnh: N.Đăng

Với uy tín tại địa phương, ông Vương Văn Thanh đã tích cực tham gia công tác hòa giải tại địa phương. Ảnh: N.Đăng

“Cặp vợ chồng đó còn rất trẻ và đã có con với nhau. Trải qua gần hết đời người với bao sóng gió, tôi thấu hiểu về giá trị của hai chữ gia đình. Vợ chồng ăn ở với nhau dù một ngày cũng nên tình nên nghĩa. Khi có con thì cả hai phải gạt bỏ cái tôi để cùng nhau phấn đấu, thương yêu nhau vì tương lai của con cái. Con trẻ đâu có tội tình gì mà phải chịu thiệt thòi khi bố mẹ chia tay.

Tổ hòa giải chúng tôi phải thay phiên nhau tiếp cận, nói chuyện riêng với từng người. Sau một thời gian dài lắng nghe chia sẻ, hai vợ chồng lại về sống hòa thuận với nhau. Lúc đó chúng tôi cảm thấy mình vừa làm được một việc nghĩa, lòng càng thêm vui mừng”, ông Thanh tâm sự.

Không chỉ là chuyện mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn làng xóm còn phát sinh ở chuyện xây dựng, đất đai cũng được tổ hòa giải của ông Thanh hòa giải thành công. Ông Thanh kể, có một hộ gia đình tại địa phương xây nhà nhưng tầng 2 lại đòi đua ra ngoài ngõ đi chung tới 30cm. Lập tức mâu thuẫn nổ ra giữa gia đình này với các hộ còn lại ở trong ngõ. Vậy là tổ hòa giải đã phải mời tất cả các gia đình trong ngõ cùng gia đình này để phân tích trên cơ sở pháp luật về xây dựng và dưới góc độ tình làng nghĩa xóm. Một vài mét đất đâu có mua được tình cảm xóm giềng. Không nhẽ chỉ vì lòng tham muốn thêm vài chục phân đua tầng 2 ra mà mất đi tình cảm làng xóm thì cũng không hay. Tổ hòa giải đã kiên trì hòa giải, nắm bắt tâm tư tình cảm của các bên và cuối cùng, các gia đình đã đi đến thỏa thuận và đồng ý hòa giải. Gia đình kia quyết định không xây đua thêm tầng 2 ra 30cm nữa mà chấp nhận xây đúng phần đất của mình.

Mặc dù, luôn tất bật với công việc của một người chạy xe ôm để có thêm thu nhập cho gia đình nhưng khi có vụ việc mâu thuẫn phát sinh mà có người gọi điện, ông Thanh sẵn sàng bỏ cả công việc để đi làm công tác hòa giải. Gia đình ông Thanh hiểu rõ tâm huyết của ông với công tác hòa giải tại địa phương nên luôn ủng hộ ông tham gia công tác xã hội đầy ý nghĩa nhân văn này, giúp địa phương ổn định, làng xóm được yên vui.

Về kinh nghiệm làm công tác hòa giải của bản thân, ông Thanh chia sẻ, các tranh chấp chủ yếu trên lĩnh vực dân sự, đất đai. Nhiều vụ việc không đáng có nhưng từ nhận thức của một số hộ dân không đầy đủ nên gây ra mâu thuẫn ở địa phương. Có trường hợp tổ hòa giải còn phải mời cả trưởng họ ra để cùng phân tích hòa giải mới thành công.

Chia sẻ về công tác hòa giải tại phường Tứ Liên, ông Trần Văn Bách, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân đều được Đảng, chính quyền, các tổ hòa giải quan tâm ngay từ ban đầu. Sau khi vào cuộc tìm hiểu, từ mâu thuẫn lớn trở thành mâu thuẫn nhỏ, từ mâu thuẫn nhỏ thì thành không có. Nói về ông Thanh, ông Bách cho biết: “Hễ có việc cần là ông Thanh sẵn sàng bỏ công việc của mình để cùng tham gia với tổ hòa giải”.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-hoa-giai-vien-nang-dong-184394.html