Người hơn thế kỷ giữ hồn làng

Xuân này, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Phấn, thôn Giáp Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô bước sang tuổi 105. Trong suốt cuộc đời của mình, cụ luôn tâm huyết, dành trọn tình cảm với những làn điệu trống quân truyền thống của quê hương. Không chỉ biết nhiều, hát hay mà cụ còn say mê truyền cảm hứng cho thế hệ sau những gì tinh túy nhất của loại hình nghệ thuật trình diễn cổ xưa này.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Phấn, thôn Giáp Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô tận tình truyền dạy làn điệu trống quân Đức Bác cho các thế hệ con, cháu. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Phấn, thôn Giáp Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô tận tình truyền dạy làn điệu trống quân Đức Bác cho các thế hệ con, cháu. Ảnh: Nguyễn Lượng

Về làng quê Đức Bác vào dịp cuối năm, chúng tôi may mắn được tham dự buổi sinh hoạt văn nghệ của CLB hát trống quân Đức Bác. Đã từ lâu, ngôi nhà của vị giáo già Nguyễn Văn Phấn đã trở thành địa chỉ quen thuộc để mọi người tề tựu, trong đó có cả những cháu nhỏ mới chỉ 6 - 7 tuổi.

Mặc dù đã cao tuổi, giọng hát không còn được cao và trong như trước nhưng bằng cả trái tim và niềm đam mê với làn điệu trống quân độc đáo, cụ Phấn vừa đánh trống, vừa nhiệt tình ngân lên những ca từ vang danh:

“Đi đâu từ sớm đến giờ

Để cho anh đợi, anh chờ, anh mong

Bên em còn dở hội chùa

Cho nên em phải sang trưa thế này”...

Từng ca từ mộc mạc, giản dị và cực kỳ sâu lắng dù đã qua gần 1 thế kỷ nhưng vẫn được cụ Phấn nhớ như in, khi cất lên cuốn hút người nghe. Sau gần 1 giờ đồng hồ nhiệt tình chỉ dẫn cho các thành viên CLB về những âm luật, cách thức biểu diễn, tranh thủ lúc giải lao, cụ Phấn kể cho tôi nghe về cuộc đời mình: Từ khi còn nhỏ tuổi, mỗi khi ở làng có hội, cụ đã được theo chân ông nội ra đình xem hát.

Những lời ca, làn điệu trống quân như có sức hút đặc biệt và ăn sâu vào máu thịt cụ lúc nào không hay. Cho đến lúc 5 tuổi, cụ đã thuộc lòng, hát trôi chảy nhiều trích đoạn trong các bài giao duyên hát trống quân, hát mó cá, hát đúm, xin hoa đố chữ. Khi đã là một chàng trai, cụ trở thành kép hát cự phách không thể thiếu của làng.

Cụ được bậc cha ông truyền lại rằng, điệu hát trống quân có lịch sử rất lâu đời, truyền miệng qua nhiều thế hệ và trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân Đức Bác.

Vào ngày mùng 1/1 (âm lịch) hằng năm, trong ngày hội làng, các chàng trai Đức Bác (kép) đầu buộc khăn đỏ, đai lưng đỏ, mặc quần áo trắng sẽ đeo trống ra bến quán đón những cô gái (đào) từ Phù Ninh, Phú Thọ chèo đò sang.

Lễ rước đón diễn ra bằng các làn điệu dân ca mà người ta vẫn gọi là hát trống quân Đức Bác. Hai đoàn, chia thành từng tốp, mỗi tốp thường có 3 kép Đức Bác và 3 đào Phù Ninh đứng đối diện nhau, di chuyển chậm chạp theo những khúc hát đưa đẩy, diễn ra suốt từ bến sông cho đến khi lên đến đền Thượng (nơi khởi xướng điệu hát trống quân) và vào tới đình làng.

Khi giặc Pháp đô hộ nước ta, chúng tràn qua vùng này, phá hủy làng mạc, trong đó có đình Đức Bác; người dân bị bắt đi lao dịch. Cũng kể từ đó, hát trống quân mất đi không gian tổ chức và dần bị mai một.

Cho đến nay, ở trong xã, người am hiểu và hát được làn điệu trống quân không còn nhiều. Mong muốn khôi phục nét văn hóa truyền thống, từ năm 2010, khi còn khỏe mạnh, minh mẫn, cụ Phấn đã mở lớp dạy làn điệu trống quân cho các thế hệ con cháu trong xã.

Được cụ truyền cảm hứng, chỉ bảo tận tình, nhiều cháu nhỏ có thể hát, biểu diễn, đánh trống thành thạo như cháu Nguyễn Lê Gia Bảo (8 tuổi), Nguyễn Lê Hà Vy (5 tuổi)... Nhiều học trò ý thức được “quỹ thời gian” của cụ không còn nhiều nên ra sức học tập bài bản, gìn giữ những hiện vật một cách cẩn thận và ghi chép tỉ mỉ từng lời bài hát vừa để ôn luyện, vừa để phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử sau này.

Trong câu chuyện của chúng tôi, nhiều lần, giọng cụ trầm đục khi nói về không gian của đình làng - nơi được dùng để dạy hát trống quân cho các cháu ở những năm 60 của thế kỷ trước.

Theo thời gian, cùng quá trình đô thị hóa đã không còn nguyên vẹn. Do vậy, ước mong duy nhất của cụ Phấn là được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng lại đình làng theo đúng lối xưa để có không gian biểu diễn, làn điệu trống quân sớm được phục dựng, lưu truyền.

Theo vần những câu hát, chúng tôi tìm về bến đò bên dòng Lô giang hiền hòa. Những dấu chân của kép đào hát giờ đây chỉ còn là hồi ức. Trên mặt sông, ánh đèn khi tỏ khi mờ của những chuyến đò, xà lan xuôi ngược như phản chiếu, thấp thoáng đâu đó hình bóng những cô đào áo đỏ. Một năm mới sắp đến, với dự cảm tốt lành, mong sao ước nguyện của cụ Phấn sớm trở thành hiện thực!

Lê Minh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/73371/nguoi-hon-the-ky-giu-hon-lang.html