Người lao động oằn mình trước 'bão' giá

'Bao nhiêu tiền một mớ rau muống bà ơi?', người bán rau đã luống tuổi trả lời 'mười nghìn chị nhé', 'sao đắt thế?', 'xăng còn tăng giá nữa là mớ rau'. Câu chuyện giữa chị Trần Thị Hương, tổ 3, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai và người bán rau trong một buổi chợ sớm đã phần nào phản ánh giá cả thị trường thời gian gần đây. Bình thường bó rau muống có giá từ 5.000 đồng - 7.000 đồng thì nay đã tăng lên 10.000 đồng; nước mắm tăng 5.000 đồng/chai; bí xanh tăng 2.000 đồng/kg; rau cải tăng 3.000 đồng/kg…

Chị Trần Thị Hương chia sẻ: Giá cả gần đây tăng theo giá xăng khiến người nội trợ như chúng tôi gặp nhiều vấn đề trong chi tiêu. Mua thức ăn hằng ngày cũng đội chi phí khá nhiều. Để tiết kiệm, tôi thường đi chợ sớm hoặc chợ đêm mong mua được thực phẩm giá rẻ cho bữa ăn gia đình.

Chị Nguyễn Thị Bình sống ở phường Nam Cường (thành phố Lào Cai) đang lật cuốn sổ ghi chép các khoản phải chi tiêu hằng tháng. Tiền gửi cho con lớn học đại học 5 triệu đồng/tháng; tiền điện, nước 1,2 triệu đồng/tháng, tiền học cho con bé, tiền internet, tiền điện thoại… là những khoản cứng không thể thay đổi, chị đang tính toán xem có thể giảm chi tiêu ở khoản nào bởi lẽ mấy tháng nay gia đình chị đều tiêu âm so với thu nhập của hai vợ chồng.

Chị Bình là công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai, chồng chị làm việc tự do, mức thu nhập bình quân của hai vợ chồng được 12 triệu đồng/tháng. Công việc của chị Bình rất vất vả, buổi sáng bắt đầu thu gom, dọn dẹp rác từ 4 giờ, ngày làm việc kết thúc lúc 22 giờ. Chị và đồng nghiệp phụ trách vệ sinh một đoạn đường Hoàng Liên, Soi Tiền và An Dương Vương. Nếu một tháng không ốm đau, làm đủ 26 công thì chị Bình được trả lương 7,5 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Bình cho biết: Mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng đối với gia đình 4 người ở thành phố là không đủ. Gia đình tôi có hai cháu, cháu lớn học đại học mỗi tháng phải gửi 5 triệu đồng cho cháu, 7 triệu đồng còn lại chi tiêu cho 3 người. Cháu nhỏ đang học tiểu học, tôi không đủ điều kiện để cho cháu học thêm hoặc tham gia lớp năng khiếu. Gần đây, giá cả các mặt hàng tăng khiến chi tiêu của gia đình liên tục âm, vợ chồng tôi đang loay hoay tìm việc làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống.

Giá cả leo thang gây áp lực với nhiều lao động.

Giá cả leo thang gây áp lực với nhiều lao động.

Không chỉ ở thành phố, những người lao động nông thôn cũng đang oằn mình chống chọi với “bão” giá. Bà Lù Thị Xuân, 63 tuổi ở Phong Niên (huyện Bảo Thắng) đang chật vật với việc chi tiêu hằng ngày. Công việc chính của bà là bán rau ở chợ Cốc Lếu (thành phố Lào Cai). Buổi sáng, bà dậy từ 3 giờ, hái rau, bầu, mướp, ớt… chở ra chợ Cốc Lếu bán. Lý do bà đi chợ xa nhà là bởi ở thành phố bán được giá hơn. Công việc này mỗi ngày đem lại thu nhập 100.000 đồng, ngày nhiều nhất được 150.000 đồng.

Giá xăng, dầu tăng kéo theo các mặt hàng đều tăng giá.

Giá xăng, dầu tăng kéo theo các mặt hàng đều tăng giá.

Theo bà Lù Thị Xuân, mức thu nhập này thời điểm trước có thể tạm ổn, bà đóng góp thêm cho các con chi tiêu hằng ngày nhưng với tình hình tăng giá như hiện nay, cộng thêm công việc phát sinh hằng tháng thì mức thu nhập của bà không đủ tiêu nói gì đến góp thêm một khoản cho các con.

“Bão” giá đang gây áp lực đến cuộc sống của nhiều lao động nghèo mưu sinh ở thành phố, họ buộc phải tìm giải pháp tiết kiệm nhất có thể những mong tích cóp được chút ít gửi về quê cho các con ăn học. Chị Lý Thị Tình (quê Phú Thọ) đã lên thành phố Lào Cai được 5 năm. Công việc của chị là làm thuê, nấu cơm ở các công trình xây dựng, thu mua sắt vụn, chị Tình làm đủ mọi nghề miễn là kiếm tiền hợp pháp, bởi trên lưng chị đang phải gồng gánh cả gia đình với người chồng bệnh tật cùng hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

5 năm làm thuê ở Lào Cai, chưa dám ăn ngon một bữa, chị Tình chỉ chi tiêu ăn uống từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/tháng. Món ăn chính trong mỗi bữa cơm là đậu phụ, trứng, hoặc lạc rang. Dáng chị gầy gò vì ăn không đủ chất, lại lao động chân tay nặng nhọc nhưng chị Tình bảo vất vả mấy cũng chịu được chỉ lo không có tiền nộp học cho hai đứa nhỏ ở quê. Với tình hình giá cả leo thang, cuộc sống mưu sinh ở thành phố của chị Tình lại càng vất vả.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,17% so với tháng 4 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó tại Lào Cai, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 1,57% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng giá xăng, từ đầu năm 2022 đến nay đã có 15 kỳ điều chỉnh bao gồm 12 lần tăng, 3 lần giảm; qua 6 tháng tăng hơn 8.000 đồng/lít. Giá xăng tăng tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội, giá cả các mặt hàng đều tăng, tạo áp lực đối với cuộc sống của người dân, nhất là đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, không ổn định. Bên cạnh giải pháp tiết kiệm chi tiêu, ai cũng mong muốn Chính phủ có giải pháp hiệu quả trong kiềm chế lạm phát, tăng lương, giảm giá xăng, dầu...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358080-nguoi-lao-dong-oan-minh-truoc-bao-gia