Người lao động thắng kiện vì doanh nghiệp trả lương ngừng việc sai quy định

Sau nhiều ngày nghị án kéo dài, ngày 12-11, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa vụ án lao động tranh chấp tiền lương ngừng việc ra tuyên án là chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của người lao động (NLĐ); buộc phía doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả bằng cách chi trả tiền lương ngừng việc còn thiếu cho NLĐ theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Lê Tấn Tý (phải) chia sẻ niềm vui tại phiên tòa cùng ông Huỳnh Lê Dũng. Ảnh: N.An

Luật sư Lê Tấn Tý (phải) chia sẻ niềm vui tại phiên tòa cùng ông Huỳnh Lê Dũng. Ảnh: N.An

Hơn 2 năm kiên trì đòi quyền lợi, cuối cùng vụ việc của ông Huỳnh Lê Dũng (ngụ TP.Hồ Chí Minh, từng là công nhân của Công ty cổ phần Hòa Việt, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cũng được Tòa án nhân dân tỉnh phân xử một cách thấu tình, đạt lý.

* Kiên trì đòi quyền lợi

Ông Dũng cho biết, từ tháng 11-1989 (thời điểm đó ông là công nhân viên nhà nước) được Công ty cổ phần Hòa Việt nhận vào làm việc. Đến năm 1995, khi Bộ luật Lao động có hiệu lực, ông được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn nhưng không được giao 1 bản lưu trữ. Ngày 1-6-2016, công ty có ký lại HĐLĐ không xác định thời hạn, sau đó giữa hai bên ký tiếp phụ lục HĐLĐ; công việc là công nhân vận hành dây chuyền chế biến thuốc lá với mức lương trên 7 triệu đồng/tháng.

Từ ngày 29-6-2016 đến 1-9-2017, công ty bố trí cho ông Dũng ngừng việc với tổng cộng 105 ngày, trong đó 10 ngày của năm 2016 và 95 ngày của năm 2017. Tuy nhiên, công ty chỉ trả tiền lương ngừng việc cho ông bằng với mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định từng năm (năm 2016 là 3.500.000 đồng/tháng và năm 2017 là 3.750.000 đồng/tháng) mà không thỏa thuận với NLĐ. Trong khi, mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ (có hiệu lực từ ngày 1-6-2016) trên 6,8 triệu đồng/tháng và mức lương thỏa thuận trong phụ lục HĐLĐ (có hiệu lực từ ngày 1-11-2016 đến nay) trên 7 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy, việc công ty trả tiền lương ngừng việc cho ông bằng mức lương tối thiểu vùng mà không thỏa thuận là trái với quy định của pháp luật, nên ông Dũng đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Sau đó, Thanh tra Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội đều có kết luận nội dung đơn khiếu nại của ông Dũng là đúng và yêu cầu công ty phải chấm dứt việc trả lương ngừng việc sai quy định; đồng thời yêu cầu công ty phải trả thêm cho ông Dũng tiền lương ngừng việc còn thiếu của năm 2016, 2017 theo quy định. Vì vậy, ông Dũng đã làm đơn khởi kiện công ty ra tòa để đòi quyền lợi cho mình.

Ngày 6-11-2018, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đưa vụ án tranh chấp tiền lương ngừng việc ra xét xử sơ thẩm và bác toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của ông Dũng. Tòa cho rằng, việc công ty giải quyết tiền lương ngừng việc cho NLĐ là đúng quy định nên không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Dũng. Ông Dũng không đồng ý kết quả bản án sơ thẩm và đã nhờ luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) hỗ trợ làm đơn kháng cáo gửi tòa án cấp phúc thẩm để can thiệp.

* Vụ việc được làm sáng tỏ

Ngày 7-11-2019, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại đây, các bên đã đưa ra những cơ sở, lập luận để bảo vệ quan điểm cho mình. Đại diện phía công ty cho rằng, do tác động của thị trường nên công ty gặp khó khăn về kinh tế và thu hẹp quy mô sản xuất, doanh số hằng năm giảm nhiều, nhưng công ty vẫn duy trì số lượng lao động. Trong thời gian ngừng việc công ty vẫn thực hiện trả lương cho NLĐ theo mức lương tối thiểu vùng. Việc trả lương ngừng việc được áp dụng theo quy chế tiền lương của công ty ban hành năm 2016 (được thông qua Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở) và cũng đã thông qua bản thỏa ước lao động tập thể... Vì vậy, công ty không đồng ý các yêu cầu đơn kiện của ông Dũng.

Tuy nhiên, luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Dũng) cho rằng, trường hợp ngừng việc của ông Dũng là do lỗi của người sử dụng lao động, nên công ty phải trả đủ lương cho NLĐ theo HĐLĐ được quy định tại Khoản 1, Điều 98 của Bộ luật Lao động. Nếu công ty cho rằng, do khó khăn về kinh tế nên vận dụng Khoản 3, Điều 98 của Bộ luật Lao động để trả lương ngừng việc theo mức lương tối thiểu vùng thì phải thỏa thuận với NLĐ. Đằng này, công ty không có thỏa thuận với ông Dũng mà thỏa thuận với Công đoàn cơ sở thông qua Quy chế tiền lương năm 2016 là không phù hợp với quy định pháp luật.

“Bộ luật Lao động không có quy định cho phép công ty thỏa thuận với Công đoàn cơ sở thay cho việc thỏa thuận với NLĐ. Bởi tiền lương được xem như “máu thịt” của NLĐ, liên quan trực tiếp lợi ích của NLĐ thì phải thỏa thuận với NLĐ là ông Dũng, chứ không thể thông qua Công đoàn được” - luật sư Lê Tấn Tý phân tích.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng cho rằng, nội dung đơn khởi kiện của NLĐ là có căn cứ pháp luật nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và chấp nhận yêu cầu của ông Dũng.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, theo dõi phần tranh luận tại tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội đồng xét xử nhận định, việc công ty chi trả tiền lương cho ông Dũng bằng mức lương tối thiểu vùng mà không thỏa thuận với NLĐ là chưa đúng luật định. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, kháng cáo của ông Dũng; sửa bản án cấp sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa; đồng thời buộc công ty phải trả cho ông Dũng khoản tiền lương ngừng việc còn thiếu của năm 2016, 2017 là 13.413.000 đồng.

Không chỉ riêng ông Huỳnh Lê Dũng mà còn có khoảng 57 NLĐ cũng gửi đơn khởi kiện Công ty cổ phần Hòa Việt ra tòa để đòi tiền lương ngừng việc còn thiếu và đóng tiền bảo hiểm xã hội không đầy đủ. Đa số vụ kiện của họ đang được Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý và sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm trong thời gian tới. Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm đã bác bỏ toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của NLĐ.

Nhân An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201911/nguoi-lao-dong-thang-kien-vi-doanh-nghiep-tra-luong-ngung-viec-sai-quy-dinh-2973738/