Người lao động với nỗi lo giá điện tăng

Đồng Nai hiện có trên 450 ngàn người lao động (NLĐ) đang ở trọ. Trong đó, nhiều lao động đang ở các khu nhà trọ xuống cấp để tiết kiệm chi phí. Khi nghe tin giá điện tăng từ ngày 9-11, nhiều lao động không khỏi lo lắng bởi thời điểm này, thu nhập và việc làm đều giảm.

Gia đình công nhân sinh hoạt tại nhà trọ P.An Bình (TP.Biên Hòa) sau giờ tan ca. Ảnh: L.MAI

Gia đình công nhân sinh hoạt tại nhà trọ P.An Bình (TP.Biên Hòa) sau giờ tan ca. Ảnh: L.MAI

Nhiều lao động cho hay, giá điện tăng kéo theo nhiều mặt hàng tăng theo sẽ tạo thêm áp lực chi phí sinh hoạt khác. Trong khi cuộc sống xa quê còn thiếu thốn đủ thứ và mức lương tối thiểu chưa đảm bảo cuộc sống.

Thêm gánh nặng cho NLĐ

Năm nay, vợ chồng chị Đào Thị Hà (ở trọ tại P.An Bình, TP.Biên Hòa) đều bị giảm việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, chi phí tiền trọ, tiền học cho con hàng tháng vẫn phải đóng khiến chị luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Khi hay tin tăng giá điện, chị Hà thêm phần lo lắng vì các chi phí phát sinh hàng tháng quá nhiều. Mong muốn của chị lúc này là có việc làm đều, được tăng ca trở lại để cải thiện thu nhập và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo chị Hà, hiện gia đình chị có 2 con đang học tiểu học và chi phí gửi học thêm nhà cô khoảng 3 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nghề sửa chữa, lắp ráp cửa sắt nhưng đợt này ngành xây dựng cũng chững lại nên việc làm không đều. Thu nhập từ làm công nhân của chị là nguồn thu chính lo cho cả nhà.

Ngày 8-11, Bộ Công thương có Quyết định số 2941/QĐ-BCT quy định về giá bán điện. Theo quyết định, mức giá bán lẻ điện bình quân là hơn 2.006 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Đây là đợt thứ 2 trong năm điều chỉnh giá điện khiến nhiều NLĐ lo lắng vì năm nay, thu nhập và việc làm đều bị ảnh hưởng do doanh nghiệp không có đơn hàng.

“Mỗi tháng tiền thuê trọ, tiền điện, nước của vợ chồng tôi dao động từ 1,7-1,8 triệu đồng. Trong đó, tiền điện tháng nào cũng đóng khoảng 270 ngàn đồng. Tôi đang lo giá điện tăng thì lại thêm gánh nặng chi tiêu” - chị Hà chia sẻ.

Cùng dãy trọ với chị Hà là hoàn cảnh mẹ đơn thân Lê Thị May (quê tỉnh Kiên Giang). Chị May cho hay, mình đang đóng tiền điện với giá 3 ngàn đồng/kWh, trung bình một tháng, chị sử dụng khoảng 60kWh, tương đương 180 ngàn đồng. Những ngày qua, khi nghe tin giá điện tăng, chị phải tiết kiệm điện, tính toán chi tiêu mới đủ chi phí sinh hoạt trong 1 tháng cho 2 mẹ con.

Anh Lê Văn Thiết (ở trọ tại P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, những năm qua, chủ nhà trọ luôn chia sẻ với công nhân ở trọ và không tăng giá trọ. Năm nay tình hình việc làm khó khăn, chủ nhà hỗ trợ giảm giá cho những lao động mất việc. Song nếu tiền điện tăng thì phải tăng theo giá quy định nên lao động ở trọ lại mang thêm nhiều nỗi lo.

“Dù mỗi tháng NLĐ sẽ phải trả thêm vài chục ngàn đồng, tùy theo mức dùng điện nhưng mỗi thứ tăng giá lên một chút cũng tăng thêm gánh nặng chi phí sinh hoạt cho NLĐ” - anh Thiết bộc bạch.

Mức lương chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay thu nhập trung bình của NLĐ tính cả làm thêm giờ là trên 9 triệu đồng/người/tháng; nếu không làm thêm giờ thì thu nhập giảm xuống còn 7,8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, để đạt được mức thu nhập trên, bản thân NLĐ phải làm thêm giờ khá nhiều và các khoản trợ cấp, phụ cấp khác. Để duy trì cuộc sống, NLĐ phải chi tiêu nhiều khoản thiết yếu và rất ít lao động có nguồn tiết kiệm để ứng phó với các tình huống bất ngờ.

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, mức chi tiêu trung bình cho 4 người của hộ gia đình NLĐ là trên 10 triệu đồng/tháng (chủ yếu là các khoản chi cho việc thuê nhà trọ, điện, nước, sinh hoạt phí, việc gửi trẻ ở các trường mẫu giáo, tiền học cho con và các chi phí khác). Nếu NLĐ không tăng ca, thu nhập trung bình của 2 vợ chồng chỉ đủ được các khoản chi tiêu trong tháng. Đối với những lao động tích lũy được thì mức tiết kiệm hàng tháng cũng không cao, trung bình 1 hộ gia đình có 2 người đi làm tiết kiệm 1 tháng khoảng 2,6 triệu đồng.

Nhiều NLĐ do không đủ điều kiện mua nhà nên đang phải ở chen chúc trong các căn nhà trọ chật hẹp. Nhiều phòng trọ chỉ có diện tích từ 12-14m2 nhưng có tới 4-6 người ở. Về mức giá thuê trọ, hơn 80% NLĐ cho biết giá thuê phòng từ dưới 1-1,5 triệu đồng/phòng/tháng là phù hợp với khả năng tài chính của họ.

Trong đợt khảo sát tình hình đời sống, việc làm NLĐ trên địa bàn Đồng Nai của Viện Công nhân Công đoàn mới đây, nhiều công nhân cho biết, hiện mức lương tối thiểu vùng không đảm bảo cuộc sống xa quê. Chưa kể nhiều lao động bị giảm việc, thu nhập chỉ còn 2,4 triệu đồng/tháng. Mong mỏi của phần lớn công nhân là Nhà nước sớm có phương án tăng lương tối thiểu vùng để cải thiện đời sống NLĐ, giúp họ yên tâm sản xuất.

Công nhân Lê Thị Hằng làm việc tại Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Mong muốn của NLĐ những tháng cuối năm là doanh nghiệp có đơn hàng dồi dào để NLĐ đảm bảo thu nhập, đủ trang trải tiền trọ và các chi phí phát sinh".

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202311/nguoi-lao-dong-voi-noi-lo-gia-dien-tang-f843d63/