Người lính 'quân hàm xanh' tự hào mang họ Bác Hồ

Trong những lần tác nghiệp ở vùng biên phía Tây Quảng Trị, tới tận những bản làng xa xôi, chúng tôi nhận ra nhiều người dân nơi đây luôn dành tình cảm đặc biệt đối với các chiến sĩ biên phòng như một 'chỗ dựa' tin cậy. Trong muôn vàn câu chuyện hay về người lính biên phòng, bà con không quên nhắc đến hai anh Hồ Văn Hữu và Hồ Văn Thủ như một niềm tự hào về những người con mang họ Bác Hồ với những nỗ lực mang lại cuộc sống bình yên, no ấm cho đồng bào mình.

Với vai trò Phó Bí thư chi đoàn thanh niên, Thượng úy Hồ Văn Thủ (ngoài cùng bìa phải) duy trì hiệu quả mô hình “Ổ bánh mì nơi biên giới” -Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Với vai trò Phó Bí thư chi đoàn thanh niên, Thượng úy Hồ Văn Thủ (ngoài cùng bìa phải) duy trì hiệu quả mô hình “Ổ bánh mì nơi biên giới” -Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Gieo chữ” cho đồng bào vùng biên

Tôi biết Đại úy Hồ Văn Hữu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Tầng trong một lần tác nghiệp tại thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa. Trò chuyện, Đại úy Hữu tâm sự, anh là con thứ 4 trong một gia đình đồng bào Vân Kiều ở thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó, huyện Đakrông.

Tiếp nối truyền thống gia đình cách mạng, bằng nỗ lực học tập, năm 2016, anh tốt nghiệp Học viện Biên phòng và được điều động công tác tại Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế theo diện tăng cường. Đến năm 2020, anh chuyển về công tác tại Đồn Biên phòng Ba Tầng cho đến nay.

Là người Vân Kiều, hơn ai hết, anh Hữu hiểu những khó khăn, vất vả và thiếu thốn của đồng bào mình. Qua đi cơ sở, anh nhận thấy số lượng người chưa biết chữ khá nhiều, nhất là phụ nữ người Lào lấy chồng mới nhập quốc tịch Việt Nam ở các thôn thuộc xã A Dơi.

Cuối năm 2021, Đại úy Hữu mạnh dạn tham mưu chỉ huy đồn về kế hoạch phối hợp hội LHPN các xã mở lớp học xóa mù chữ cho bà con. Để vận động, Đại úy Hữu cùng hội phụ nữ xã đi từng nhà để tuyên truyền, phân tích những thiệt thòi khi không biết chữ để chị em có quyết tâm đi học. Với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, Đại úy Hữu đã vận động được 30 “học sinh đặc biệt” cho lớp học xóa mù chữ đầu tiên tại xã A Dơi.

“Để đảm bảo điều kiện học, tôi phải mượn phòng tại Trường TH và THCS A Dơi, kêu gọi hỗ trợ sách vở, phấn bảng, đồ dùng học tập cho lớp. Khi mới học, nhiều chị vì có tuổi nên e ngại, mặc cảm. Cho nên, tôi trực tiếp đứng lớp, sử dụng tiếng mẹ đẻ và bắt tay từng người để rèn từng nét chữ nên càng học, chị em càng hăng say, phấn khởi vì mọi người dần nhận diện được mặt chữ, con số và các phép tính”, Đại úy Hữu chia sẻ.

Lớp học xóa mù chữ do Đại úy Hồ Văn Hữu vận động, thu hút hàng chục chị em phụ nữ thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa đến học -Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Lớp học xóa mù chữ do Đại úy Hồ Văn Hữu vận động, thu hút hàng chục chị em phụ nữ thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa đến học -Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Khi tôi nghe Đại úy Hữu chia sẻ về câu chuyện “gieo chữ” cho bà con vùng biên cũng là lúc mà nỗ lực đó được đền đáp với 7 lớp xóa mù chữ cho 228 học viên do anh tham mưu và giảng dạy được mở. Sau mỗi khóa học 6 tháng, lại có thêm nhiều người Vân Kiều nơi biên cương biết đọc, viết và làm các phép tính cơ bản.

Đó chính là nỗ lực của cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng, các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương và đặc biệt là tâm huyết, tình cảm của “người thầy mang quân hàm xanh” Hồ Văn Hữu. Tiếp nối những kết quả khả quan từ ý tưởng của Đại úy Hữu, mô hình được địa phương nhân rộng và tiếp tục cho đến nay.

Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, Thượng tá Đinh Quang Duyên chia sẻ, bằng tình cảm của người con Vân Kiều, trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, Đại úy Hồ Văn Hữu đã tích cực phối hợp với địa phương bằng nhiều hình thức, cách làm để vận động con trẻ trong độ tuổi đến trường; tổ chức hàng chục “Tiết học biên giới”. Anh như một người thầy, người cha luôn gần gũi, chăm sóc các “Con nuôi đồn biên phòng” do đơn vị nhận nuôi. Nhờ đó, các cháu luôn đạt học lực khá, giỏi, có một cháu thi đỗ đại học và 2 cháu đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh.

Là một bí thư chi bộ địa bàn kiêm phó bí thư chi đoàn thanh niên năng động, nhiệt huyết, Đại úy Hữu tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở được người dân ghi nhận, tin yêu. Trong các hội thi, hội thao, Đại úy Hữu luôn là thành viên nòng cốt tham gia và đoạt nhiều giải cao. Tiêu biểu là Giải thưởng Vừ A Dính của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 2022; bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP và nhiều giấy khen, danh hiệu thi đua khác.

Vì sự ấm no của bản làng

Đến tác nghiệp tại các xã A Bung và A Ngo, huyện Đakrông, nhắc đến Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay, Thượng úy Hồ Văn Thủ không ai là không biết. Với người dân nơi đây, Thượng úy Thủ có nhiều đóng góp giúp đời sống của bà con ổn định và no đủ hơn.

Trên đường đưa tôi đi thăm mô hình kinh tế ở thôn A Đeng, xã A Ngo, Thượng úy Thủ bộc bạch, anh xuất thân từ một gia đình dân tộc Pa Kô ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa. Vượt lên những khó khăn, anh đã nỗ lực để tốt nghiệp Học viện Biên phòng theo dạng cử tuyển và về công tác tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động.

Tháng 12/2020 đến nay, anh được điều động về Đồn Biên phòng CKQT La Lay. Quá trình công tác, nhận thấy bà con còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế nên Thượng úy Thủ đã tham mưu đơn vị triển khai nhiều mô hình để hỗ trợ, đồng hành với người dân.

Bà con vùng biên huyện Đakrông phấn khởi vì nhận được hỗ trợ từ mô hình “Dê giống khởi nghiệp” của Đồn Biên phòng CKQT La Lay - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Bà con vùng biên huyện Đakrông phấn khởi vì nhận được hỗ trợ từ mô hình “Dê giống khởi nghiệp” của Đồn Biên phòng CKQT La Lay - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Đến thăm gia đình anh Hồ Văn Thủa, tôi mới thấy hết niềm phấn khởi của 2 vợ chồng. Từ một hộ nghèo, sau khi nhận được cặp dê giống hỗ trợ của Đồn Biên phòng CKQT La Lay, đến nay gia đình anh Thủa đã có đàn dê hơn 25 con. Anh Thủa chia sẻ, không những tặng dê giống, các anh biên phòng, nhất là Thượng úy Thủ còn luôn thăm hỏi, hướng dẫn cách nuôi để dê phát triển, sinh sản tốt.

Đặc biệt, anh Thủ là người Pa Kô nên việc truyền đạt cùng ngôn ngữ giúp gia đình anh dễ hiểu và tiếp thu nhanh hơn. Từ mô hình tạo ra nguồn thu nhập ổn định nên gia đình đã thoát nghèo. Thượng úy Thủ thông tin, gia đình anh Thủa là hộ đầu tiên nhận hỗ trợ từ mô hình “Dê giống khởi nghiệp” được chi đoàn thanh niên đơn vị triển khai từ tháng 6/2020. Từ kinh phí 12 triệu đồng do cán bộ, đoàn viên, thanh niên của đồn đóng góp đã hỗ trợ 2 cặp dê giống đầu tiên cho các gia đình khó khăn. Đến nay, sau gần 4 năm, mô hình đã có 7 gia đình được thụ hưởng với tổng đàn dê 32 con.

Đặc biệt mới đây, qua nắm bắt nguyện vọng của nhiều hộ dân mong muốn được chăn nuôi lợn bản nhưng không có nguồn vốn, vào tháng 7/2024, Thượng úy Hồ Văn Thủ mạnh dạn đề xuất mô hình “Heo bản xoay vòng”. Mô hình nhằm hỗ trợ các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm để phát triển chăn nuôi lợn bản.

“Hiện, từ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, chúng tôi đã trao 6 con lợn bản giống cho 2 hộ gia đình ở xã A Ngo trị giá 9 triệu đồng. Sau khi các hộ này phát triển đàn sẽ tiếp tục quay vòng trao lợn giống cho các hộ khó khăn khác để nuôi”, Thượng úy Thủ chia sẻ.

Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT La Lay, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh cho biết: “Là đội trưởng đội vận động quần chúng và phó bí thư đoàn cơ sở, Thượng úy Thủ đã cùng với chỉ huy đồn triển khai các hoạt động an sinh thiết thực như: xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình “Ổ bánh mì nơi biên giới”, “Tay kéo biên phòng”, “Tiết học biên giới”; đầu tư 2 hệ thống điện chiếu sáng “Ánh sáng vùng biên”; trao tặng hàng chục “Mái ấm biên cương”; duy trì mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” gần 4 năm nay tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông cơ sở 2...

Từ những mô hình của đơn vị, sự chung tay, đóng góp của Thượng úy Hồ Văn Thủ đã phần nào giúp người dân có thêm thu nhập, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống, tin tưởng và chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, gìn giữ mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nguoi-linh-quan-ham-xanh-tu-hao-mang-ho-bac-ho-188407.htm