Người luôn đam mê với những sáng kiến

Đến thăm Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (viết tắt là Công ty TDT) vào một ngày giữa tháng 9, chúng tôi được nghe nhiều lời ngợi khen dành cho anh Hà Đức Tuấn, sinh năm 1975, Phó Giám đốc Quản lý công nghệ và chất lượng. Anh là người có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật quan trọng, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Anh Hà Đức Tuấn (bên phải), Phó Giám đốc Quản lý công nghệ và chất lượng (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT) hướng dẫn công nhân sử dụng máy móc thiết bị may áo xuất khẩu.

Anh Hà Đức Tuấn (bên phải), Phó Giám đốc Quản lý công nghệ và chất lượng (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT) hướng dẫn công nhân sử dụng máy móc thiết bị may áo xuất khẩu.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật may thời trang 1 (Gia Lâm, Hà Nội), năm 1988, anh Hà Đức Tuấn về công tác tại bộ phận kỹ thuật giải chuyền của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG). Đến năm 2011, với mong muốn được mở hướng phát triển riêng, anh và một vài người bạn làm cùng Công ty TNG quyết định xin nghỉ việc tại đây để thành lập Công ty TDT, có trụ sở tại xã Điềm Thụy (Phú Bình), chuyên may hàng xuất khẩu. Tại đơn vị mới, anh Tuấn đảm nhận vị trí Phó phòng Kỹ thuật, chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật giải chuyền.

Anh Tuấn chia sẻ: Khi Công ty TDT mới thành lập, khó khăn nhất đối với chúng tôi trong việc đưa sản xuất đi vào ổn định là nhiều công nhân chưa biết việc, do đó Công ty phải đào tạo từ đầu cho anh chị em về kỹ thuật may cũng như các khâu vận hành máy móc, thiết bị. Cũng do mới thành lập nên hệ thống máy móc thiết bị của Công ty còn chưa đầy đủ, đồng bộ, cần nhiều thao tác của công nhân. Về số lượng công nhân có trình độ tay nghề cao còn ít nên phần lớn những người mới vào làm cũng ít được học hỏi kinh nghiệm từ chính các đồng nghiệp đi trước. Trước thực tế đó, được Ban Giám đốc Công ty khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, bản thân tôi luôn nỗ lực sáng tạo và áp dụng thử nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình vào sản xuất nhằm góp phần giảm nhân công và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống máy móc thiết bị...

Đến năm 2014, khi phần lớn công nhân đã có tay nghề vững vàng, đơn hàng của Công ty ngày càng dày lên thì những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh Tuấn càng được áp dụng nhiều hơn và phát huy hiệu quả cao. Kỹ thuật đầu tiên được anh Tuấn triển khai là áp dụng cữ gá trong quá trình may quần áo, nhờ đó đã giảm từ 3 công nhân tay nghề cao xuống còn 1 công nhân sử dụng máy móc thiết bị trong công đoạn này (không cần tay nghề cao) và tăng 30% số lượng sản phẩm được hoàn thành. Qua đó, Công ty tiết kiệm được nhân công, thu nhập của người lao động cũng được nâng lên. Anh Hà Mậu Quang, một công nhân ở Tổ lập trình cho biết: Bản thân tôi vào làm việc tại Công ty từ năm 2013. Trước đây, hầu hết các công đoạn may phải làm bằng tay, để may được chỉ dọc của 1 chiếc áo phao thì cần đến 3 công nhân và mất khoảng 6-7 phút mới hoàn thành 1 sản phẩm (mỗi ngày, 3 người chỉ may được gần 400 sản phẩm). Tuy nhiên, từ năm 2015, khi máy may bán tự động do anh Tuấn cùng đồng nghiệp nghiên cứu cải tiến được đưa vào sản xuất, việc may chỉ dọc của áo phao được làm hoàn toàn bằng máy, do vậy đã tiết kiệm được một nửa thời gian và giảm 2 lao động trong cùng một công đoạn. Chỉ cần một mình tôi đứng máy cũng có thể hoàn thành trên 600 sản phẩm/ngày. Nhờ đó, lương của tôi đã tăng hơn 2 triệu đồng/tháng so với năm 2014…

Một trong những sáng kiến cải tiến kỹ thuật nổi bật của anh Tuấn được áp dụng vào sản xuất là sáng kiến sử dụng máy lập trình vừa tra khóa vừa may cơi túi áo trên cùng một lần máy chạy. Sáng kiến của anh được áp dụng trong quá trình may các sản phẩm áo 1 lớp, áo 2 lớp, áo có túi 1 cơi hoặc 2 cơi. Nhờ sáng kiến đó mà công đoạn tra khóa và may cơi túi áo giảm được 2 lao động có tay nghề cao (trước đó cần 3 người, hiện nay chỉ cần 1 người), đồng thời góp phần đẩy mạnh tự động hóa trong các khâu sản xuất, tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tính từ năm 2014 đến nay, anh Tuấn cùng các đồng nghiệp ở Phòng Kỹ thuật đã có trên 50 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, với tổng giá trị làm lợi cho Công ty lên đến hàng tỷ đồng. Ghi nhận những thành tích của anh Tuấn trong việc nghiên cứu, triển khai hiệu quả nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện nhu nhập cho người lao động, năm 2018, anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Cũng trong năm 2018, anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen “Lao động sáng tạo”. Được tập thể cán bộ, công nhân Công ty TDT tín nhiệm cao, từ đầu tháng 72019, anh Tuấn được đề bạt làm Phó Giám đốc Quản lý công nghệ và chất lượng của Công ty. Công sức đóng góp của anh cũng góp phần giúp cho Công ty TDT ngày càng khẳng định được vị thế trên thương trường. Qua 8 tháng của năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Công ty đạt trên 13,16 triệu USD, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân của trên 1.800 lao động trong Công ty đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng.

Nhận xét về anh Tuấn, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TDT cho biết: Là người đồng hành với quá trình phát triển của Công ty kể từ khi thành lập đến nay, anh Tuấn luôn nhiệt tình với các đồng nghiệp và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Anh là người có trình độ chuyên môn rất tốt, được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ may. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh không những giúp Công ty giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống máy móc thiết bị mà còn giảm nhân công, từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động. Là người luôn đam mê với những sáng kiến, anh Tuấn trở thành một tấm gương sáng để các cán bộ, công nhân trong Công ty học tập, noi theo…

Nam Hà - Việt Dũng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/nguoi-luon-dam-me-voi-nhung-sang-kien-266427-113.html