Người mẫu ảo được các thương hiệu ưa chuộng

Theo các chuyên gia, những thần tượng ảo có tỷ lệ tương tác cao gấp ba lần so với người mẫu thông thường.

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, ngành công nghiệp thời trang đối mặt với thời điểm phải lựa chọn những phương án an toàn, tiết kiệm hơn. Khi các thương hiệu xa xỉ định hình lại cơ chế quảng bá, cách tiếp cận ảnh hưởng và mức độ tương tác của họ phải thay đổi theo từng bước.

Bước vào thế hệ mới, những nhân vật AI có ảnh hưởng phi thực tế do con người tạo ra ngày càng tăng và phát triển. Các thần tượng ảo đang chiếm lĩnh vị trí vốn có của KOL.

 Các thương hiệu xa xỉ như Alexander McQueen, Dior và Prada đang ưa chuộng người có ảnh hưởng ảo. Ảnh: SCMP.

Các thương hiệu xa xỉ như Alexander McQueen, Dior và Prada đang ưa chuộng người có ảnh hưởng ảo. Ảnh: SCMP.

Ở Trung Quốc, người mẫu ảo thu hút lượng truy cập cao và doanh thu kỷ lục. Theo Newsijie, ngành công nghiệp thần tượng ảo của nước này trị giá chưa đến 15,5 triệu USD vào năm 2018. Tuy nhiên, với sự đầu tư tăng lên, dự kiến thị trường này sẽ đạt 235 triệu USD vào năm 2023.

Hiện tượng này ngày càng tăng bắt nguồn từ nền văn hóa anime của Nhật Bản. Hatsune Miku (Nhật Bản) và Luo Tianyi (Trung Quốc) là hai thần tượng ảo thu hút hàng triệu người hâm mộ. Họ đã tổ chức các buổi hòa nhạc theo phong cách ba chiều và hầu hết sự kiện đều được bán "cháy vé".

Hatsune Miku và Luo Tianyi được sản xuất dựa trên công nghệ AI đời đầu. Ảnh: Aminoapps, Wallhere.

Hatsune Miku và Luo Tianyi được sản xuất dựa trên công nghệ AI đời đầu. Ảnh: Aminoapps, Wallhere.

Phát triển từ âm nhạc sang thời trang, thần tượng ảo đang mở đường cho các sáng kiến thực tế, hấp dẫn người tiêu dùng trẻ tuổi. Trong đó, nhiều nền tảng bán hàng trực tuyến của Trung Quốc đều tận dụng Miku và Luo để tăng cường hoạt động mua sắm và sự kiện phát trực tiếp của họ.

Theo các chuyên gia, những thần tượng ảo có tỷ lệ tương tác cao gấp 3 lần so với con người. Mei Chen, người đứng đầu mảng thời trang và đồ xa xỉ của Tập đoàn Alibaba, giải thích: "Thần tượng ảo có sức ảnh hưởng tới những người hâm mộ trẻ tuổi và đặc biệt là người tiêu dùng GenZ. Họ luôn tò mò muốn thử nghiệm nhiều điều mới".

Chen khẳng định: "Làm việc với thần tượng ảo cho phép các thương hiệu kết nối với khán giả theo cách mới và thú vị, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội hơn để tương tác với người hâm mộ".

 Angela 3.0, thần tượng ảo dựa trên Angelababy. Ảnh: Dior.

Angela 3.0, thần tượng ảo dựa trên Angelababy. Ảnh: Dior.

Trong buổi trình diễn Thu Đông 2021 tại Tuần lễ thời trang Thượng Hải, Dior tạo ra nhân vật ảo Angela 3.0 dựa trên hình mẫu của Angelababy.

Sự xuất hiện bất ngờ của Angela 3.0 đã tạo ra hơn 90.000 lượt tương tác trên mạng xã hội trong vòng hai giờ kể từ khi đăng bài và khiến cô trở thành thần tượng ảo đầu tiên tham gia vào buổi trình diễn thời trang của Dior ở Trung Quốc. Theo thương hiệu, sự hợp tác này làm phong phú thêm khái niệm về chương trình trực tuyến, mang lại cảm giác mới cho khán giả.

Việc Dior tạo ra phiên bản ảo của Angelababy giúp thương hiệu tiết kiệm được chi phí. Ngoài ra, KOLs ảo có thể làm việc suốt ngày đêm mà không phàn nàn hay mệt mỏi.

Thêm nữa, ngành công nghiệp giải trí hiện vướng nhiều tranh cãi do đời tư bê bối của nghệ sĩ. Trong khi đó, các nhân vật ảo cũng không có nguy cơ bị khai quật quá khứ tai tiếng bởi họ chịu sự kiểm soát từ con người.

Tuy nhiên, những nhân vật kỹ thuật số hư cấu này có thể bị coi là không chân thực và thiếu kết nối cảm xúc. Mei khẳng định: "Điều quan trọng hơn là phải chọn lọc và làm việc với những người ảnh hưởng ảo phù hợp với giá trị thương hiệu và kết nối với đối tượng mục tiêu mà bạn mong muốn".

Ling - người ảnh hưởng ảo AI đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Xmov, Breaking Asia.

Ling - người ảnh hưởng ảo AI đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Xmov, Breaking Asia.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-mau-ao-duoc-cac-thuong-hieu-ua-chuong-post1272867.html