Người mẹ đi qua hai cuộc chiến

Nửa thế kỷ trôi qua, người vợ, người mẹ ấy vẫn đau khi nhớ về chồng, về con đã ngã xuống trong lửa đạn. Và mỗi năm, đến ngày kỷ niệm đất nước thống nhất, lòng bà bừng lên cảm xúc đặc biệt. “Chồng con mình hy sinh, cũng như chồng con của bao nhiêu người khác mãi mãi không trở về nhưng quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất, con cháu mình được sống trong hòa bình. Mình thấy mừng cho quê hương đất nước”, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trà thổ lộ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trà bên di ảnh chồng - liệt sĩ Mai Hắc Chánh. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Trong căn nhà giản dị ở thôn Nho Lâm (xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa), Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trà sống an vui bên con cháu. 92 tuổi, mẹ vẫn minh mẫn, vẫn nhớ như in quãng đời tuổi trẻ và những biến cố trong chiến tranh.

Ngày đó, gia đình mẹ sống ở xã Lộc Tụ (huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên, nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế). 16 tuổi, cô gái Lê Thị Trà trở thành cơ sở của cách mạng. Tài liệu chuyển cho những người kháng chiến, cô giấu dưới đáy thúng, bên trên để khô cá và các loại mắm rồi đem đến một điểm hẹn trong chợ.

“Lần nớ, đi ngang đồn giặc Pháp, hắn kêu lại, bảo để thúng xuống. Khi nớ tui rất lo, sợ hắn phát hiện. Ráng giữ bình tĩnh, tui nói tui đi chợ bán mắm. Hắn kêu tui xuống ruộng lùa bò, trâu của đồng bào đang thả, xong rồi cho đi. Đến chợ, tui để cái thúng ở chỗ đã hẹn, người của cách mạng đến lấy”, mẹ bỏm bẻm nhai trầu và kể.

Tham gia hoạt động tại địa phương, cô gái trẻ gặp anh du kích Mai Hắc Chánh, quê ở Đại Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), con của một gia đình tham gia kháng chiến. Người đàn ông này lớn hơn cô 10 tuổi, ăn nói nhẹ nhàng. Hai người đem lòng yêu thương. Năm cô Trà 19 tuổi, họ nên vợ nên chồng.

Biến cố đến khi ông Chánh bị quân Pháp bắt giam 7 ngày 7 đêm. Sau đó chúng giải ông trở về làng, bảo chỉ hầm bí mật. Đi ngang qua một điểm nấu dầu tràm, thấy bên trong có mấy người bỏ chạy, chúng nghi ngờ bèn đuổi theo.

Nhân lúc lộn xộn đó, ông Chánh thoát thân, chạy về nhà lúc nửa đêm báo tin cho gia đình biết rồi náu mình trên núi Đá Kẹp. Sáng hôm sau, địch giả làm người của kháng chiến, đến nhà dò hỏi mấy người em của ông Chánh: “Anh mi về rồi đi đâu? Kêu anh ra với tao chứ không tụi nó bắt nữa”. Mấy người em thừa biết mưu mô này, thủng thẳng trả lời: “Anh bị bắt lên đồn, đã về mô!”.

Thấy tình hình không ổn, ngay trong ngày hôm đó, cả gia đình dọn đi, ở tạm nhà người khác trong xóm. Lính Pháp đến mai phục trong nhà, đợi ông Chánh về để bắt. Phục đến 3 ngày, vẫn không thấy ông về, chúng đốt nhà.

Sau biến cố này, ông Chánh vào Quảng Ngãi, rồi mẹ Trà cũng theo chồng vào đó. Buổi đầu khó khăn, hai vợ chồng ở nhờ nhà một người bạn. Con đầu lòng của họ chào đời trong căn nhà này.

Tại Quảng Ngãi, ông Chánh gặp một số người từ Phú Yên ra học văn hóa. Qua câu chuyện của họ, vợ chồng ông biết rằng Phú Yên là đất lành. Đắn đo cân nhắc, hai vợ chồng quyết định vào Phú Yên lập nghiệp. Họ dừng chân ở xã Hòa Quang. Ông Chánh làm thợ mộc và tiếp tục làm cơ sở cho cách mạng. Lính địa phương ở đây được ông cảm hóa. Họ lén lấy đạn, mang đến nhà ông. Và đạn được chuyển lên căn cứ cho những người đang tham gia kháng chiến chống Mỹ.

*

* *

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Những người yêu nước tiếp tục thoát ly, tham gia kháng chiến. Ông Chánh lên căn cứ. Ở nhà, mẹ Trà làm ruộng, ra chợ buôn bán nuôi con và thay chồng làm cơ sở. Lính vẫn bí mật mang đạn đến nhà. Mẹ để đạn trong thúng, bên trên vun đầy phân bò, gánh ra đám ruộng gần chân núi. Đi qua chốt gác, mẹ nghe đám lính nói: Trưa tròn bóng mà gánh phân đi vãi!

Con cháu quây quần bên Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trà. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Đầu năm 1968, ông Chánh - khi đó là đội trưởng đội công tác - cùng hai người nữa về làng công tác. Họ bước vào một ngôi nhà ở Nho Lâm, không ngờ lính đã bao vây chung quanh. Súng nổ. Một người thoát khỏi vòng vây, trở về căn cứ; ông Chánh và một người nữa hy sinh. Sáng hôm sau, tin dữ bay tới nhà. Mẹ chết điếng. Khi đó, con út của ông bà mới một tuổi.

Nhìn con, lòng mẹ càng quặn thắt. Rồi mẹ nghĩ: Đất nước có chiến tranh, chồng mình tham gia kháng chiến. Làm cách mạng vô cùng nguy hiểm, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. Chồng mình đã hy sinh cho đất nước, mình ráng nuôi dạy 8 đứa con nên người.

Cuối năm 1968, anh Mai Văn Lâm - con thứ năm của mẹ - tiếp bước cha thoát ly, tham gia cách mạng. Anh trở thành một xã đội trưởng mưu trí, dũng cảm, lập được nhiều chiến công. Đêm 28/1/1971, anh Lâm bảo vệ đoàn công tác trở về căn cứ. Đến Gò Đình (thôn Phú Thạnh, xã Hòa Quang) lúc rạng sáng, họ rơi vào ổ phục kích của địch. Gò Đình chứng kiến những người con của quê hương kiên cường chiến đấu. Nhưng đây là trận đánh không cân sức. Anh Lâm đã hy sinh và đoàn công tác trở về căn cứ an toàn.

Sáng hôm sau, người mẹ ra chợ Hòa Quang bán hàng như thường lệ. Bà bàng hoàng thấy lính khiêng thi thể đầy thương tích của con trai mình bỏ tại chợ Hòa Quang. Bà mẹ nhào đến nhưng tụi lính gạt ra. Không ai được tới gần! Đó là con tui. Trời ơi, con tui! Bà mẹ nhào tới, nhưng bất lực trước tụi lính. Bà mẹ quỵ xuống. Con trai bà nằm đó, mình đầy thương tích, đầu cũng đầy thương tích, có lẽ bị đánh bằng báng súng. Con trai bà nằm đó, giữa ngã ba chợ, dưới trời nắng. Đến trưa. Đến chiều. Đau như cắt từng khúc ruột. Đau thấu trời xanh. Đau đến chết đi sống lại!

17 giờ chiều, lính rút đi. Nhờ sự giúp đỡ của bà con xóm làng, thi thể anh Lâm được an táng tại Gò Quýt (thôn Nho Lâm).

*

* *

Giữa năm 1971, chị Mai Thị Hạnh - con gái thứ sáu của mẹ Trà - thoát ly tham gia kháng chiến. Trên căn cứ, chị làm bí thư xã đoàn, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt và từng mang thương tích trên người. Sau giải phóng, chị đi học và làm việc tại huyện Tuy Hòa cho đến khi nghỉ hưu. Con đầu của ông bà - anh Mai Văn Thắng - cũng khá đặc biệt.

Năm 1972, khi đang học đại học tại Sài Gòn, anh bị bắt quân dịch. Dưới chế độ cũ, anh Thắng mang lon thiếu úy nhưng kỳ thực anh làm nội tuyến cho cách mạng tại Quảng Ngãi. Trước ngày 30/4/1975, anh Thắng được Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Ngãi chứng nhận là quần chúng cách mạng. Sau 30/4/1975, về Phú Yên, anh tiếp tục được chứng nhận là quần chúng cách mạng và làm giáo viên Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) cho đến khi nghỉ hưu.

Những người con khác của liệt sĩ Mai Hắc Chánh đều đã sống xứng đáng với truyền thống của gia đình.

Ông Mai Hắc Lợi (con thứ tám của mẹ Trà, hiện là Phó Giám đốc Sở Tư pháp) kể: “Ba tôi hy sinh, các anh chị tôi tiếp tục tham gia kháng chiến. Mẹ tôi tiếp tục phục vụ kháng chiến. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, hành động đó xuất phát từ truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc, các thế hệ nối tiếp nhau theo Đảng và Bác Hồ đấu tranh để “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tôi luôn tự hào về truyền thống ấy”. Còn thượng tá Đoàn Minh Trung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Hòa, kể: “Hồi đó, trong lúc cùng bạn bè đi chăn bò ở vùng giáp ranh và cung cấp thông tin cho cách mạng, tôi gặp chú Chánh tại Đồng Lãnh. Chú Chánh nói: Mấy con ơi, sau này đất nước mình hòa bình, sẽ có trường học, các con sẽ được học hành, cuộc sống của các con sẽ tốt đẹp. Lúc đó tôi còn nhỏ, chưa hiểu gì về cách mạng nhưng thấy quê hương bị bom cày đạn xới, tôi ghi tạc trong lòng câu nói đó”.

Nửa thế kỷ trôi qua, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trà vẫn đau khi nhớ về chồng, về con đã ngã xuống trong lửa đạn. Và mỗi năm, đến ngày kỷ niệm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, lòng mẹ bừng lên cảm xúc đặc biệt: “Chồng con mình hy sinh, cũng như chồng con của bao nhiêu người khác mãi mãi không trở về nhưng quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất, con cháu mình được sống trong hòa bình. Mình thấy mừng cho quê hương đất nước”.

Đất nước có chiến tranh, chồng mình tham gia kháng chiến. Làm cách mạng vô cùng nguy hiểm, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. Chồng mình đã hy sinh cho đất nước, mình ráng nuôi dạy 8 đứa con nên người.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trà

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/255133/nguoi-me-di-qua-hai-cuoc-chien.html