Người mẹ mặc áo cử nhân ôm di ảnh, nhận bằng tốt nghiệp ĐH thay con trai

Trong buổi lễ tốt nghiệp đại học, có một người mẹ khoác áo cử nhân, đội mũ, ôm di ảnh thay con trai nhận bằng.

Trong ngày Lễ tốt nghiệp năm 2024 của ĐH Đông Á diễn ra ngày 8-9/6 vừa qua, 1.250 sinh viên đã được nhà trường vinh danh, trao bằng.

Buổi lễ đặc biệt khi có một người mẹ khoác áo cử nhân, đội mũ, ôm di ảnh nhận bằng kỹ sư danh dự thay con trai đã mất, khiến nhiều người xúc động. Đoạn video về người mẹ nhận bằng thay con hiện nhận hơn 3 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận trên mạng xã hội.

Chị Nguyễn Thị Phương Lan nhận bằng thay người con trai đã mất. Ảnh NVCC

Chị Nguyễn Thị Phương Lan nhận bằng thay người con trai đã mất. Ảnh NVCC

Người mẹ đó là chị Nguyễn Thị Phương Lan (SN 1968, trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng), phụ huynh của em Nguyễn Minh Châu, sinh viên ngành Công nghệ thông tin (CNTT).

Thay mặt con trai nhận bằng, chị Phương Lan xúc động chia sẻ, chị đã thay con hoàn thành tâm nguyện cuối cùng.

“Đó là một ngày rất đặc biệt đối với gia đình tôi. Minh Châu lính chì, cậu con trai 20 tuổi của tôi đã chính thức được trao bằng kỹ sư danh dự dù chỉ mới trải qua kỳ đầu tiên của khóa học”, chị nói.

Tấm bằng được trao cho sinh viên có nghị lực phi thường và nghĩa cử đầy tính nhân văn.

Cả gia đình cùng có mặt trong buổi lễ, thay Minh Châu nhận bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh NVCC

Cả gia đình cùng có mặt trong buổi lễ, thay Minh Châu nhận bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh NVCC

Minh Châu không may qua đời ngày 3/2, trong cơn suy hô hấp - di chứng của căn bệnh Loạn dưỡng cơ bẩm sinh, sau gần 20 năm kiên cường chống chọi. Nam sinh viên giàu nghị lực được mọi người yêu mến đặt tên gọi: "Chú lính chì dũng cảm". Ngoài việc luôn có thành tích cao trong học tập, Minh Châu sớm đã nuôi ý định tình nguyện hiến xác cho y học.

Chú lính chì dũng cảm

Minh Châu sinh năm 2004, là con thứ 2 trong gia đình, kém chị gái 8 tuổi.

Châu bị nhiễm trùng nước ối, 10 tháng chưa biết lẫy, đầu không mang nổi cổ, chân tay mềm oặt, lồng ngực lép.

Nguyễn Minh Châu cùng bố mẹ trong buổi Lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh NVCC

Nguyễn Minh Châu cùng bố mẹ trong buổi Lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh NVCC

Như một cơn ác mộng khi chị Lan nghe bác sĩ chẩn đoán Châu mắc bại não do sinh ngạt. Từ việc không chấp nhận, né tránh những tất cả những cái nhìn xung quanh, kể cả soi mói, ngạc nhiên, hay thương hại, chị bắt đầu đồng hành cùng con chiến đấu với căn bệnh bại não.

Ngày vào lớp 1, Châu ngồi trên chiếc xe lăn ở cuối lớp, bên cạnh luôn có người thân để lấy sách vở, giúp em uống nước, tiểu tiện.

Để chống lại sự co rút khớp xương và liệt cơ, hằng ngày Châu tập các bài tập vận động, tập đàn Organ. Những bài thể dục trên phím đàn đã giúp em có thể ghi chép mỗi khi đến lớp.

Năm 13 tuổi, do cột sống bị cong vẹo quá mức gây khó thở nên Minh Châu phải trải qua đại phẫu chỉnh vẹo cột sống với vết mổ dài 55cm dọc cột sống lưng.

Xen kẽ với thời gian đến lớp của Minh Châu là những chuyến đi chữa bệnh khắp ba miền, kéo dài nhiều ngày cùng mẹ. Nghe tin ở bất cứ đâu chữa được bệnh bại não là 2 mẹ con tìm đến.

Để việc chữa bệnh cho Châu được thuận tiện hơn, năm 2016 cả gia đình chị Lan đã chuyển từ Bình Định ra Đà Nẵng. Con xin học ở trường nào thì gia đình lại chuyển nhà đến gần cổng trường. Trong vòng 7 năm gia đình đã chuyển nhà 4 lần để Châu dễ dàng đến lớp.

Tuy khó khăn về vận động nhưng Châu rất ham học. 12 năm học, em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Trước ngày tốt nghiệp THPT, Châu đã có chứng chỉ tiếng Anh 5.5 IELTS.

Năm 17 tuổi, sau lần tham gia ghép tế bào gốc chữa bại não không thành công, các bác sĩ đã xét nghiệm và phát hiện ra Châu mắc bệnh Loạn dưỡng cơ bẩm sinh, một loại bệnh di truyền thuộc thể hiếm.

Căn bệnh hiếm này cùng nhóm với một số bệnh thần kinh cơ khác đều có chung đặc điểm là các cơ bắp sẽ suy yếu dần, ở giai đoạn cuối bệnh nhân sẽ qua đời vì suy tim hoặc suy hô hấp do cơ hoành suy yếu.

Bệnh của Châu đã ở giai đoạn cuối trong khi em chuẩn bị bước vào đại học với ước mơ trở thành kỹ sư thiết kế đồ họa, chuyên sản xuất phim, game trên nền tảng số.

“Xót xa, choáng váng! Chúng tôi nghĩ phải làm cách nào để con được trải nghiệm những giá trị sống tốt nhất trong thời gian ngắn ngủi”, chị Lan kể. Cả gia đình đã lên kế hoạch đăng ký hiến xác cho y học và thực hiện dự án tìm kiếm những thông tin hỗ trợ cho cộng đồng những người mắc bệnh Loạn dưỡng cơ, Suy cơ tủy ở Việt Nam.

Sau sự ra đi của Minh Châu, cả gia đình cùng nhau thực hiện tâm nguyện ấp ủ bấy lâu là hiến xác cho y học. Ảnh NVCC

Sau sự ra đi của Minh Châu, cả gia đình cùng nhau thực hiện tâm nguyện ấp ủ bấy lâu là hiến xác cho y học. Ảnh NVCC

Năm 2022, Châu trúng tuyển vào ĐH Đông Á Đà Nẵng, khoa CNTT, ngành Thiết kế Đồ họa. Chỉ sau 1 ngày đầu tiên trở thành sinh viên, có mặt tại giảng đường, Châu phải đi bệnh viện cấp cứu vì suy hô hấp và mất tròn 1 năm sống cùng các thiết bị trợ thở của khoa điều trị tích cực.

Tháng 9/2023, Minh Châu trở lại trường và bắt đầu viết tiếp ước mơ. Dù sống cuộc đời sinh viên vỏn vẹn tròn 3 tháng nhưng Châu đã được cháy hết mình. Em đã nỗ lực hoàn thành các học phần, tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường dù sức khỏe, đi lại chẳng hề dễ dàng.

Chị Lan tâm sự, trong tang lễ của Châu, cả gia đình đã cùng nhau thực hiện tâm nguyện ấp ủ bấy lâu là hiến xác cho y học. Thi hài của Minh Châu được đưa đến trường Đại học Phan Châu Trinh để bắt đầu hành trình mới phục vụ khoa học.

"Tôi sinh ra con nhưng chính con lại làm nên cuộc đời của tôi. Con đã sống thật hào sảng và giàu lòng nhân ái, là vị anh hùng trong trái tim tôi”, người mẹ chia sẻ.

Diệu Thùy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/me-mac-ao-cu-nhan-om-di-anh-nhan-bang-tot-nghiep-dh-thay-con-2292920.html