Người mù lòa bước sang 'trang mới' nhờ các nghĩa cử cao đẹp

Tại Việt Nam có hơn 30.000 người mù vì bệnh lý giác mạc, họ cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng, trở lại với cuộc sống bình thường...

Bệnh nhân được ghép giác mạc vỡ òa hạnh phúc trong ngày sinh nhật đã nhìn thấy ánh sáng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh nhân được ghép giác mạc vỡ òa hạnh phúc trong ngày sinh nhật đã nhìn thấy ánh sáng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thống kê của ngành y tế, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa và 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Qua điều tra, nguyên nhân gây mù chính hiện nay là đục thủy tinh thể (chiếm tới 66%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ... Đáng lưu ý khi tại Việt Nam có hơn 30.000 người mù vì bệnh lý giác mạc, họ cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng...

Gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng đã trở thành vấn đề xã hội và sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế... Đó là thách thức lớn không chỉ riêng đối với ngành mắt, y tế mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Vỡ òa sung sướng

Những ngày đầu tháng 10, bà N.T.T, 65 tuổi cho hay cuộc sống với bà như bước sang một trang mới, bà đã có thể nhìn lại được cuộc sống xung quanh nhờ có giác mạc hiến tặng của một người đã khuất.

Nữ bệnh nhân được ghép giác mạc mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc có tính chất di truyền, đã phải sống trong cảnh mù lòa hoàn toàn 2 mắt cả chục năm nay. Suốt 10 năm nay, bệnh nhân không nhìn thấy gì ngoài ánh sáng mờ ảo, mọi sinh hoạt, đi lại đều trở nên khó khăn.

Bà T. tâm sự nhiều năm nay bà không còn mường tượng được khuôn mặt của những người thân trong gia đình thay đổi ra sao. Trước hôm được thông báo có giác mạc hiến và bà được lựa chọn ghép, bà hồi hộp đến không ngủ được. Đến khi lên bàn mổ rồi vẫn cứ là mơ, khi đã chờ đợi vài nghìn ngày không có giác mạc dành cho mình.

Phó Giáo sư Hoàng Minh Châu - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết sau khi có được nguồn giác mạc hiến từ một người tại Bệnh viện Quân Y 103, ngày 27/9, các bác sỹ của bệnh viện đã tiến hành ghép giác mạc cho bệnh nhân. Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tại tình trạng người nhận ổn định, kết quả ban đầu khá khả quan, có thể nhìn và tự đi lại được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, thời gian tới cần phải theo dõi, tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sỹ. Đây cũng là ca ghép giác mạc đầu tiên từ người hiến tặng từ nguồn trong nước tại bệnh viện.

"Khi vừa tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, tôi thấy rất phấn chấn. Vài tiếng sau đó, bác sỹ bảo tôi mở mắt và nhìn thấy mọi người trước mặt, tôi vỡ òa sung sướng vì hơn 10 năm tôi chỉ thấy lờ mờ, không thấy hình người. Sau ghép và điều trị có 4 ngày, độ nét tăng lên rõ rệt. Tôi chỉ mong sớm được về quê nhìn lại người thân của mình,” bà T. cho hay.

 Các bác sỹ thực hiện ca ghép giác mạc cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ thực hiện ca ghép giác mạc cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lan tỏa nghĩa cử hiến mô, tạng, giác mạc

Trước đó, vào sáng sớm ngày 25/9, Ngân hàng Mô (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) nhận được điện thoại thông báo, người con trai muốn hiến giác mạc của mẹ để mang lại ánh sáng cho người bệnh mù lòa. Ngay lập tức, các ekip của Ngân hàng Mô khởi động, nhanh chóng di chuyển đến tận nơi để lấy giác mạc.

Người hiến giác mạc là cụ bà 75 tuổi, qua đời lúc 5h18 sáng 25/9. Người gọi điện đến Ngân hàng Mô, bày tỏ muốn hiến giác mạc của mẹ là bác sỹ quân y khoa mắt của Bệnh viện Quân y 103. Được biết, mẹ của bác sỹ là Đại úy nguyên nhân viên khoa dược tại Bệnh viện Quân y 103. Trước khi mất, bà đã bày tỏ di nguyện muốn hiến tặng giác mạc của mình để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa.

"Nhờ giác mạc hiến, tôi nhìn lại được vạn vật, điều đặc biệt hơn, sẽ nhìn lại được từng khuôn mặt người thân trong gia đình, sau suốt 10 năm không nhìn thấy. Chắc hẳn mọi người đều có nhiều đổi thay. Tôi chỉ mong ổn định sớm để nhanh chóng về quê, nhìn người thân trong gia đình cho thỏa nỗi nhớ. Tôi cứ nghĩ giấc mơ này cả đời không đạt được, vì tôi đã 65 tuổi. Tôi muốn bày tỏ sự biết ơn đến người hiến giác mạc, thân nhân người hiến giác mạc, đến các y bác sĩ đã ghép giác mạc cho tôi", nữ bệnh nhân chia sẻ.

Phó giáo sư Hoàng Minh Châu chia sẻ thêm hiện nay nguồn hiến tặng mô tạng nói chung, giác mạc nói riêng vẫn còn hạn chế, trong khi danh sách chờ được ghép tạng, trong đó có ghép giác mạc gia tăng. Riêng về giác mạc, một người chết não hiến tặng có thể đem lại ánh sáng cho 2 người mù lòa khác. Bởi vậy, các bác sỹ rất mong mọi người có thể lan tỏa nghĩa cử hiến mô, tạng, giác mạc cao đẹp để tiếp tục trao cơ hội cho những người đang chờ ghép mô, tạng, giác mạc.

 Phó giáo sư Hoàng Minh Châu khám và theo dõi tình trạng về mắt cho bệnh nhân sau ca ghép. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Hoàng Minh Châu khám và theo dõi tình trạng về mắt cho bệnh nhân sau ca ghép. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong 16 năm qua (2007-2023), cả nước có trên 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời của 20 tỉnh thành trong cả nước. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho khoảng 1.000 bệnh nhân bị mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng.

Theo các bác sỹ chuyên ngành mắt, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Giác mạc của người hiến tặng có thể lấy ở bất cứ đâu (nhà, bệnh viện hay nhà xác). Giác mạc có thể thu nhận khi người hiến tặng đã qua đời trong khoảng thời gian từ 6-8 tiếng.

Những cán bộ và cộng tác viên với ngân hàng mắt làm việc bất kể ngày đêm, trời rét hay lúc mưa gió, để nắm được thông tin về người hiến và thông báo cho ngân hàng mắt. Những cán bộ của Ngân hàng mắt thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào để thu nhận những món quà quý giá do người hiến và gia đình trao tặng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nguoi-mu-loa-buoc-sang-trang-moi-nho-cac-nghia-cu-cao-dep-post980852.vnp