Người Mường Tân Lâm trồng giổi làm giàu

Giữa đất Tân Lâm, Di Linh bạt ngàn cà phê, có những cây giổi xanh đang vươn mình che nắng gió. Những cây giổi ấy cũng cho người nông dân thu nhập cao, với những hạt giổi được bà con quý như 'vàng đen' của núi rừng.

Cây giổi trong vườn của nông dân Tân Lâm, Di Linh

Cây giổi trong vườn của nông dân Tân Lâm, Di Linh

Chị Trần Thị Bính, khuyến nông viên xã Tân Lâm, huyện Di Linh đưa khách tới gặp anh Bùi Duy Hùng, Thôn 7, xã Tân Lâm. Anh Hùng là một trong những hộ đang trồng giổi xen giữa vườn cà phê. Những cây giổi có đường kính trên 50 cm, cao đến 22 m, thân thẳng, tán xanh đẹp, cân đối. Hiện tại trên cây đang có búp hoa, hoa, trái non và một số trái của vụ hoa trước. Anh Hùng là dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình vào lập nghiệp ở Di Linh - Lâm Đồng từ năm 1991. Anh cho biết: “Năm 2004, tôi được một người bạn ở Hòa Bình cho 10 cây giổi. Tôi trồng 6 cây trong vườn nhà. Bây giờ 6 cây giổi đang cho thu hoạch quả. Cây giổi dễ trồng và không có sâu bệnh gì. Hàng năm tôi thu được khoảng 40 kg hạt bán với giá 900 ngàn/ kg hạt khô, bán cho mọi người xung quanh và gửi về Hòa Bình để bán”. Với giá bán tốt, đây là nguồn thu nhập thêm cho gia đình. Anh cho biết thêm, trong số 10 cây giổi đầu tiên trồng ở Tân Lâm có một cây của nhà anh Bùi Văn Khiết, cùng Thôn 7 sản lượng đặc biệt cao, khoảng 90 kg hạt khô/năm mà sản lượng của 6 cây nhà anh trồng cũng không bằng cây đó.

Di Linh vừa xuống giống 255 ha giổi xanh trên diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp quyền sử dụng đất cho các đơn vị chủ rừng nhưng bị người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tại các diện tích đất lâm nghiệp nhưng đang canh tác nông nghiệp, Di Linh đã giao giống giổi xanh cho các đơn vị chủ rừng trồng xen với cà phê và các cây hoa màu khác, mật độ 123 cây/ha. Nông dân sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cũng như hưởng thụ lợi ích từ giổi xanh mang lại. Di Linh trồng giổi xanh với mục tiêu khôi phục rừng trên diện tích đất bị xâm lấn theo hướng vừa bảo vệ môi trường, vừa cải thiện sinh kế cho người dân. Tổng dự án trồng giổi xanh là trên 2,1 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 70%, người dân đối ứng 30%.

Không chỉ có anh Hùng, nhiều hộ gia đình ở Tân Lâm cũng đang sở hữu những cây giổi bạc triệu trong vườn nhà. Ông Hoàng Công Trọng, Trưởng Thôn 7 cho biết: “Thôn 7 chúng tôi có rất đông bà con người Mường Hòa Bình vào Di Linh sinh sống. Khi rời quê vào vùng đất mới, bà con chúng tôi thường mang theo một số loài cây trồng đặc trưng của đồng bào, có nguồn gốc từ rừng như: rau rừng, cây rừng để gieo trồng, vừa để phục vụ đời sống ở vùng đất mới, cũng vừa để bà con nhớ về nguồn cội quê hương. Trong đó, đặc biệt là cây giổi để lấy quả, hạt làm gia vị nấu ăn”. Thị trường tiêu thụ hạt giổi được mở rộng, bà con có thêm một nguồn thu.

Từ năm 2015, nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây giổi, trong xã Tân Lâm đã có nhiều người dân học tập nhân rộng. Cây giống được mua từ tỉnh Hòa Bình, có cây thực sinh và cây ghép. Nhà ít thì vài cây, nhà nhiều như hộ anh Bùi Văn Cảnh Thôn 7 trồng trên 100 cây. Anh Cảnh cho biết: “Trước đây mỗi nhà chỉ trồng chơi vài cây, sau này thấy trồng cây giổi có hiệu quả kinh tế thì mới trồng nhiều. Cây giổi ít sâu bệnh hại, cây hạt trồng 6-8 năm bắt đầu có trái bói; cây ghép trồng 3 năm có trái. Nhà tôi trồng xen cây giổi trong vườn cà phê, khi cây giổi chưa cho thu hoạch, vẫn có thu nhập từ cà phê; sau này góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng độ che phủ đất bảo vệ môi trường; cây trên 20 năm tuổi cho thu hoạch gỗ”. Hay một điều là do thời tiết thuận lợi, đất đai màu mỡ ở vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng, thời điểm cây giổi ra hoa kết trái ở Lâm Đồng thường sớm hơn so với các tỉnh phía Bắc. Ở Lâm Đồng, bước vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, là cây giổi chuẩn bị ra hoa, đến khoảng tháng 6, tháng 7 thì cho thu hoạch; còn ở phía Bắc khoảng tháng 9, tháng 10 quả giổi mới chín và cho thu hoạch. Thu hoạch rất dễ, chỉ cần nhặt quả quanh gốc hoặc dùng sào dài, chọc quả trên cành rụng.

Ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đánh giá, giổi xanh là cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, trồng giổi ăn hạt còn góp phần tạo hệ sinh thái ổn định, bền vững, vừa chống xói mòn, giữ được nguồn nước và bảo vệ độ màu mỡ của đất, tăng độ che phủ đất. Hiện giổi Lâm Đồng đang phát triển và cần được hỗ trợ để vừa phát triển rừng, bảo đảm sinh kế cho người nông dân sống gần rừng.

DIỆP QUỲNH - N.V.D

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/nguoi-muong-tan-lam-trong-gioi-lam-giau-3040398/