Người nông dân Mường đa canh trên quê mới

Giữa vùng sâu Tân Lâm, một nông hộ đang tiến hành trồng trọt theo phương pháp đa canh, xen canh đa dạng trên cùng một diện tích đất. Và việc sẵn sàng thay đổi cây trồng, vật nuôi đã giúp người nông dân ấy trở thành nông dân sản xuất giỏi nhiều năm, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Anh Bùi Văn Thự bên cây dổi đang ra trái

Anh Bùi Văn Thự bên cây dổi đang ra trái

Anh Bùi Nam Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh giới thiệu về một thành viên trong chi hội rất đơn giản: “Anh Bùi Văn Thự là một nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Anh trồng đa dạng cây trồng, hầu hết là những cây giống mới, cao sản, cho năng suất và chất lượng ổn định”. Quả thật, ngắm vườn nhà anh Bùi Văn Thự để thấy cây trái trĩu cành, thu nhập ổn định.

Anh Thự cho biết, cũng như hầu hết bà con trong thôn, anh là người Mường ở Hòa Bình, theo bà con, gia đình di cư vào Tân Lâm từ năm 1993, lúc ấy nơi này còn rất hoang vu. Lật đá trồng cây, cũng như hầu hết người Di Linh, gia đình anh chọn cà phê làm cây trồng chính. “Rồi cà phê xuống giá dần, nông dân chăm sóc vất vả quanh năm nhưng thu nhập không cao. Nhà tôi tổng diện tích chỉ có 1,6 ha nên càng vất vả”- anh Thự tâm sự.

Để lo cho sinh hoạt hàng ngày, anh Thự trồng 3 sào dâu chuyên nuôi tằm. Tằm của anh nuôi theo phương pháp trực tiếp trên sàn nhà nên anh dành riêng một gian nhà để chăn tằm, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, bớt bệnh, bớt côn trùng gây hại bầy tằm. Mùa khô, dâu chỉ đủ nuôi 1 hộp, mùa mưa, vườn dâu đủ sức nuôi 2-3 hộp tằm. Tiền thu nhập từ kén tằm đủ để chi trả mọi sinh hoạt hàng ngày của gia đình, dâu lại ở ngay cạnh nhà nên chỉ cần người trong gia đình bớt thời gian ra hái nhanh là đủ. Cây dâu con tằm, dù diện tích không nhiều, nhưng đã giúp gia đình anh Thự đủ ăn đủ mặc.

Còn lại trên 1 ha đất vườn, anh Thự thực hiện chuyển đổi từ trồng thuần cà phê sang trồng xen canh. Vốn bà con Mường ở Tân Lâm có thói quen trồng cây dổi xanh, một loại cây lấy hạt truyền thống trong vườn, anh Thự cũng có 1-2 cây dổi lớn. Nhận thấy hiệu quả của cây dổi, anh Thự mua giống dổi về trồng. Giống chuẩn, được chăm sóc tốt, thay vì 6-7 năm mới ra trái như thông thường thì cây dổi của nhà anh Thự chỉ hơn 2 năm đã ra trái, thân cũng thấp xuống theo hướng xòe tán, không cao vút lên như dổi rừng. Giá hạt dổi hiện xấp xỉ 900 ngàn đồng/kg, chỉ vài năm nữa, mỗi cây dổi sẽ cho thu hoạch 2-3 triệu đồng/cây mà không phải chăm sóc nhiều.

Ngoài dổi, anh Bùi Văn Thự trồng xen mít Thái ruột đỏ, bơ 034 và sầu riêng ghép trong vườn. Mít ruột đỏ mới trồng 2 năm, cây mới cao 1,5 m cũng đã ra trái. Anh Thự cho biết, cây đậu trái khá nhiều nhưng anh chỉ giữ lại 1 trái, còn lại tỉa hết để cây giữ sức. Cây càng lớn sẽ để lại lượng trái càng nhiều, chất lượng trái càng ngon. Bơ 034 cũng đã lác đác có cây ra trái. Sầu riêng thì đang kỳ sinh trưởng, chưa đến tuổi kết quả nhưng phát triển rất khả quan, cây khỏe, không sâu bệnh.

Anh Bùi Văn Thự chia sẻ: “Vườn không quá nhiều nhưng tôi chọn trồng các loại cây phù hợp với nhau. Đây là vườn cà phê trồng xen cây ăn trái, vừa tốt cho cà phê, vừa có thu nhập từ trái cây”. Một năm, anh Thự thu được 4 tấn cà phê nhân, năm 2021 dự trù thu được vài tạ bơ, mít ruột đỏ. Mít ruột đỏ 10 ngàn đồng/kg, bơ 20 ngàn/ kg, dù số lượng ít nhưng cho thu nhập rất tốt. Kinh nghiệm của anh Thự là chọn giống phải thật chuẩn vì cây ăn trái trồng thời gian dài, giống chuẩn mới đảm bảo chất lượng trái. Ngoài ra, phải học kỹ thuật trồng và tuân thủ quy trình canh tác, đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Bùi Nam Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Thôn 7 cũng nhận xét, anh Thự là một nông dân rất tiến bộ, chịu khó tìm tòi giống cây trồng, vật nuôi mới cũng như áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Anh Thự xây được ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ, nuôi con cái ăn học, kinh tế gia đình vững vàng từ chính vườn ruộng, giữa quê mới Tân Lâm.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202105/nguoi-nong-dan-muong-da-canh-tren-que-moi-3055216/