Người nuôi tôm Hà Tĩnh khẩn trương cải tạo ao hồ, xử lý môi trường thả giống vụ mới

Thời điểm hiện tại, người nuôi tôm tại Hà Tĩnh đang khẩn trương xử lý môi trường, cải tạo ao hồ sau trận lũ lịch sử để sớm khôi phục sản xuất, chuẩn bị thả giống vụ đông.

Người nuôi tôm Thạch Long thuê nhân công xử lý ao nuôi để chuẩn bị thả giống trong thời gian tới.

Những ngày này, các hộ nuôi tôm tại vùng Hà Lầm (thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long, Thạch Hà) đang tranh thủ tối đa thời gian, tập trung cải tạo hơn 10 ha ao đầm để nuôi vụ mới.

Ông Nguyễn Trung Hoa cho biết: “Nuôi tôm vụ đông (vụ 3) thường có rủi ro lớn nhưng tôi vẫn cố gắng đầu tư vì nếu thành công sẽ cho lợi nhuận lớn bởi giá bán cao hơn 2 - 3 lần so với tôm chính vụ, hy vọng “gỡ” lại được phần nào thiệt hại do trận lũ vừa qua. Dự kiến, vụ này tôi sẽ thả nuôi từ khoảng 120 vạn con giống trên diện tích hơn 1 ha. Cái khó nhất của người nuôi tôm bây giờ là nguồn vốn để tái đầu tư cải tạo lại ao hồ và mua con giống”.

Để đảm bảo điều kiện môi trường, người dân vệ sinh bằng hóa chất và các biện pháp theo quy trình.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Trung Mỹ cũng đang tham gia lau dọn và theo dõi nguồn nước cấp vào hồ.

“Sau trận lũ vừa qua, ao hồ bị hư hỏng nhiều nên công tác xử lý, sửa chữa cũng mất thời gian hơn những năm trước. Ban đầu, tôi phải bơm hết nước, sau đó xúc hết lớp bùn đất trong hồ ra, tiếp đó, sẽ phơi nắng khoảng 1 tuần, rồi rải vôi bột để xử lý môi trường. Khi nguồn nước mặn phù hợp, tôi sẽ lấy nước vào và “đánh” thuốc Cloramin B để diệt vi khuẩn có hại và mua tôm giống về thả” - ông Mỹ cho hay.

Ao nuôi được cải tạo, sửa chữa để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Theo Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Huỳnh Thị Ánh Diệu: “Thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành cấp 10 tấn hóa chất xử lý môi trường thủy sản về các xã để phát cho người dân. Huyện cũng khuyến cáo, đối với vụ đông chỉ nên tập trung ở vùng nuôi trên cát và các ao đất đủ điều kiện nhằm tránh thiệt hại có thể xẩy ra”.

Ở huyện Cẩm Xuyên, nhiều người dân cũng đang mạo hiểm đầu tư nuôi vụ đông với hy vọng lấy lại được phần nào đó thiệt hại trong trận lũ vừa qua.

Anh Hoàng Kinh Dũng (xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Môi trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề, nuôi vụ đông lại càng khó khăn nên cần phải thực hiện khâu chuẩn bị thật tốt để hạn chế mầm bệnh phát sinh và đảm bảo thắng lợi, thu được kết quả tốt. Hoàn thành công tác vệ sinh và xem xét môi trường, tôi định sẽ thả nuôi vào cuối tháng 11 này”.

Người nuôi tôm Cẩm Xuyên tranh thủ dọn dẹp và vệ sinh ao hồ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Anh Nguyễn Hữu Minh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên thông tin: “Huyện đang phối hợp với chính quyền các địa phương tổng hợp tình hình thiệt hại cụ thể để đề nghị hỗ trợ cho người dân nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng trong đợt lũ vừa qua. Đối với tôm vụ đông, huyện định hướng nuôi tại các vùng có truyền thống, chủ yếu là trên cát và đã có văn bản hướng dẫn kỹ thuật, các vấn đề liên quan”.

Được biết, dự kiến năm nay, toàn tỉnh sẽ có gần 694 ha diện tích thả nuôi vụ đông, nằm tập trung tại ở các địa phương có thế mạnh như: TP Hà Tĩnh 150 ha, huyện Kỳ Anh 150 ha, TX Kỳ Anh 124 ha, Nghi Xuân hơn 110 ha, Thạch Hà 83 ha, Lộc Hà 40 ha, Cẩm Xuyên gần 37 ha. Hiện nay, người nuôi tôm đang cố gắng hoàn thành xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi và chờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn để xuống giống.

Nguồn giống cần được đảm bảo và mua ở các cơ sở giống có uy tín để cho vụ nuôi thắng lợi.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lưu Quang Cần, sau mưa lũ, ngành chuyên môn đã hướng dẫn các cơ sở tu sửa ao đầm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chuẩn bị đầy đủ điều kiện đầu vào, thả giống khi điều kiện thời tiết và môi trường cho phép; tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản và kịp thời khuyến cáo các cơ sở nuôi.

“Thời gian nuôi tôm vụ đông thường kéo dài từ 4 - 5 tháng do thời tiết lạnh, tôm khó phát triển, dễ bị nhiễm bệnh nhưng thành công có thể mang lại giá trị cao hơn nhiều lần so với nuôi chính vụ. Ngành chuyên môn chỉ khuyến khích nuôi tôm vụ đông ở những vùng có điều kiện phù hợp, tránh được mưa lũ, được đầu tư bài bản theo hình thức thâm canh, công nghệ cao trên cát để có thể đem lại hiệu quả cao về kinh tế. Đặc biệt, các hộ dân phải chú trọng đến chất lượng con giống, quan tâm đến yếu tố kỹ thuật và phải báo ngay với đơn vị chuyên môn nếu tôm xuất hiện dịch bệnh” – ông Cần cho biết thêm.

Thái Oanh – Ngọc Loan

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/nguoi-nuoi-tom-ha-tinh-khan-truong-cai-tao-ao-ho-xu-ly-moi-truong-tha-giong-vu-moi/201811.htm