Người nuôi tôm thiếu nước mặn giữa mùa hạn

Trong mùa hạn, mặn nhưng nhiều địa phương vùng U Minh Thượng và huyện Gò Quao (Kiên Giang) vẫn chưa có nước mặn để thả vụ tôm mới. Ngành chuyên môn tỉnh cũng khẩn trương tính toán, tìm nhiều giải pháp để gỡ khó cho nông dân.

CHẬM THẢ GIỐNG, CHỜ NƯỚC MẶN

Khác với những năm trước, câu chuyện của nông dân vùng Miệt Thứ khi gặp nhau không phải là năm nay thả giống tôm gì, thả dày hay thả thưa mà là câu chuyện thiếu nước mặn nuôi tôm. Theo tập quán sản xuất của người dân nơi đây, sau khi thu hoạch lúa trên nền đất tôm, qua tết, nông dân bắt đầu cải tạo ao vuông, thả giống tôm.

Năm nay, do thời tiết bất lợi, từ sau Tết Nguyên đán năm 2023 đến nay, độ mặn tại các kênh nội đồng chỉ ở mức 1-2‰. Không chỉ độ mặn thấp, so cùng kỳ năm 2022, nước mặn về trễ hơn từ 15-20 ngày. Với độ mặn này nông dân chưa dám thả giống tôm, nhiều hộ vẫn chờ đến con nước lớn cuối tháng được dự báo độ mặn sẽ tăng lên mới tiến hành bơm vào ao. Một số hộ nóng lòng, sợ trễ lịch thời vụ đã bơm nước vào ao, tiến hành tạt vôi, xử lý nước để kịp thả giống.

Ghi nhận tại xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, sáng 16-2, độ mặn tại sông Cái Lớn ở mức 2,8‰, tăng 1‰ so với cách đây 10 ngày, thấp hơn cùng kỳ 7,1‰. Tại các kênh nội đồng, độ mặn đo ở mức 1-2‰.

Ông Nguyễn Văn Rạng, ngụ ấp Vĩnh Tân, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng cho biết: “Hổm rày tôi đang chờ nước mặn lên khoảng 5-7‰ để bơm vào ao chuẩn bị nước cho vụ tôm mới. Nhưng chờ mãi chưa thấy nước mặn, nước dưới kênh đo độ mặn chỉ 1-2‰ nên tôi quyết đánh liều bơm nước vào rồi xử lý nước, sau đó đợi con nước lớn, độ mặn cao hơn sẽ tiếp tục bơm bổ sung".

Theo ông Rạng, ở U Minh Thượng, nông dân chủ yếu nuôi tôm càng xanh xen tôm thẻ, tôm sú. Với độ mặn thấp, nông dân vẫn có thể xử lý được nhờ các kỹ thuật gây màu nước, xử lý độ kiềm, độ pH thích hợp để con tôm có thể phát triển trong môi trường độ mặn thấp.

Nông dân ấp Phước An, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao tạt vôi xử lý nước trước khi thả tôm.

Nông dân ấp Phước An, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao tạt vôi xử lý nước trước khi thả tôm.

Đối với các hộ thả nuôi tôm quảng canh cải tiến như ông Đỗ Văn Đề, ngụ ấp Phước An, xã Thủy Liễu vẫn chưa dám thả giống tôm. “Do sản xuất chuyên tôm, không làm lúa nên một năm tôi có thể nuôi từ 3-4 vụ. Độ mặn hiện tại còn quá thấp, tôi đã xử lý phơi ao đầm, đang chờ độ mặn thích hợp để lấy nước vào tiến hành xử lý môi trường để thả giống. Con tôm thẻ cần độ mặn cao, để đạt hiệu quả, hạn chế hao hụt, tôi quyết định chậm thả giống lại”, ông Đề nói.

NGUYÊN NHÂN NƯỚC MẶN VỀ TRỄ

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nước mặn năm 2023 về trễ, độ mặn thấp. Tháng 1-2023, do dòng chảy thượng nguồn đổ về đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc tăng (cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 27%, cao hơn trung bình nhiều năm 7%), kết hợp mưa trái mùa rất lớn ở khu vực các huyện Gò Quao, Giồng Riềng làm độ mặn trên sông Cái Lớn, Cái Bé giảm mạnh. Đến nửa đầu tháng 2-2023, độ mặn vẫn ở mức thấp, mặn chưa xâm nhập sâu vào nội đồng.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan từ diễn biến thời tiết, đối với các khu vực ven biển An Biên, An Minh, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng xong 17 cống dọc tuyến đê biển An Biên, An Minh. Tuy nhiên, hệ thống cống đã hoàn thành chưa được đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia để đưa vào vận hành ảnh hưởng đến việc lấy nước phục vụ sản xuất tôm - lúa của người dân các khu vực này.

GIẢI PHÁP TRƯỚC MẮT

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhận định trong tháng 2 sẽ có những đợt độ mặn tăng cao đột biến do ảnh hưởng của nước biến dâng, giảm xả của thủy điện thượng nguồn. Mặn sẽ bắt đầu xâm nhập sâu vào nội đồng trong nửa cuối tháng 2-2023.

Độ mặn cao nhất xuất hiện vào chu kỳ thủy triều cuối tháng 3, đầu tháng 4-2023. Đây là thời điểm thuận lợi để nông dân có thể tranh thủ đón con nước thủy triều lớn để đưa nước vào ao nuôi. Do đó, các địa phương cần thường xuyên theo dõi tình hình dự báo độ mặn, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động trong sản xuất.

Mô hình tôm - lúa của vùng U Minh Thượng được xem là mô hình sản xuất hiệu quả nhất của tỉnh Kiên Giang. Trước những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, nguồn nước, mô hình này không thể thay đổi một sớm một chiều. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang kiến nghị đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nghiên cứu, có phương án vận hành cống phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

Đối với hệ thống 17 cống dọc tuyến đê biển An Biên, An Minh, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khẩn trương tiến hành đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ công tác vận hành cống, phục vụ sản xuất tôm - lúa của người dân.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, năm 2022 là năm được nhận định là lũ nhỏ, ở giai đoạn cuối mùa lũ mực nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn cao hơn năm 2021 từ 40-50cm. Vì vậy, hiện các khu vực nội đồng vẫn còn nền nước ngọt, vùng ảnh hưởng của thủy triều Biển Tây biên độ nhật triều rất nhỏ, rất khó để đẩy nước mặn vào nội đồng. Với phương án vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé để nhồi nước mặn vào sâu là không khả thi. Do đó, năm nay giải pháp trước mắt vẫn là tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất tôm - lúa lấy nước mặn theo triều.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/nguoi-nuoi-tom-thieu-nuoc-man-giua-mua-han-12798.html