Người phụ nữ 56 tuổi bị tăm tre dài 3cm đâm thủng ruột
Kíp bác sĩ Khoa Thăm dò chức năng tiến hành nội soi kiểm tra và phát hiện dị vật là tăm tre nhọn, một đầu cắm xuyên niêm mạc ruột, một đầu tự do, xung quanh có dịch mủ chảy...
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, các bác sĩ Khoa Thăm dò chức năng của đơn vị vừa thực hiện thành công việc lấy chiếc tăm tre nhọn dài khoảng 3cm xuyên thủng tá tràng cho bà T.T.H (56 tuổi, trú tại xã Quảng Long, huyện Hải Hà).
Theo gia đình bệnh nhân cho biết, từ ngày 30 Tết, bà H. thấy đau bụng âm ỉ, đau nhiều khi vận động; tuy nhiên do vào đúng dịp nghỉ Tết nên bà không đi khám ngay. Trước tình trạng đau ngày càng tăng, ăn uống kém, bệnh nhân được đưa đến khám tại Trung tâm Y tế tuyến dưới khăm thám với chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, bà H. được chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh dị vật hình que dài khoảng 30mm nằm ở đoạn D2 tá tràng; sau đó bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày tá tràng gây mê lấy dị vật.
Kíp bác sĩ Khoa Thăm dò chức năng tiến hành nội soi kiểm tra và phát hiện dị vật là tăm tre nhọn, một đầu cắm xuyên niêm mạc ruột, một đầu tự do, xung quanh có dịch mủ chảy. Quá trình nội soi lấy dị vật gặp khó khăn do nhu động ruột bị kích thích, co thắt liên tục khiến đầu tăm di động và có xu hướng cắm hết qua thành ruột vào ổ bụng.
Sau gần 1h nỗ lực, chiếc tăm nhọn dài hơn 3cm đã được lấy ra thành công. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, đỡ đau bụng, được chuyển về Khoa Ngoại tiếp tục theo dõi, điều trị kháng sinh chống viêm.
Theo đại diện Khoa Thăm dò chức năng: Trường hợp bệnh nhân H. bị tăm nhọn cắm thủng ruột không phải hiếm gặp; tuy nhiên đây là ca khó, bởi bệnh nhân đau bụng gần 1 tuần mới vào viện khám, khi đó dị vật đã xuyên sâu vào niêm mạc ruột gây viêm và sắp lọt vào ổ bụng, đầu tăm phía trong chỉ còn chừng 2-3mm.
Trong khi đó, dị vật này lại nằm ở vị trí có nhiều nếp gấp niêm mạc, nhu động ruột co bóp, di động liên tục khiến việc tiếp cận đầu tăm nhỏ càng thêm khó khăn. Thậm chí, có thời điểm kíp nội soi không thấy được dị vật, tưởng tăm nhọn đã lọt ổ bụng, nguy cơ phải chuyển mổ nội soi để lấy dị vật.
Trước sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo: Mọi người nên bỏ thói quen ngậm tăm sau ăn, vì có thể bất cẩn, vô ý nuốt phải. Ngoài tăm nhọn, nguy cơ dị vật trong quá trình ăn uống như: xương cá, răng giả… rất dễ gặp phải, thường xảy ra ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ.
Khi phát hiện nuốt hoặc hóc dị vật, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và xử trí kịp thời. Trong trường hợp đau bụng âm ỉ kéo dài không rõ nguyên nhân, cần đến cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân chính xác, điều trị tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra về sau.