Người phụ nữ bị tổn thương nội tạng vì một chất độc hạng nhất 'xâm nhập' vào mâm cơm: BS cảnh báo thêm 3 việc có thể gây ung thư rất nhanh

Thời gian gần đây, hàng loạt trang tin tức nổi tiếng nhất Trung Quốc đã đưa tin về vụ ngộ độc thực phẩm mốc ở Vân Nam, Trung Quốc.

Nạn nhân là một người phụ nữ họ Tạ, 59 tuổi. Sau khi ăn khoảng 350g đồ ăn mốc, bà Tạ cảm thấy tức bụng. Ban đầu bà nghĩ đó là triệu chứng của cảm cúm nên đã đến trạm y tế thôn để truyền nước, nhưng sau đó triệu chứng của bà không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn.

Sau khi bà bị ngất xỉu, gia đình đã đưa bà Tạ đến cấp cứu tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Vân Nam. Tại đây, bác sĩ thăm khám cho thấy chỉ số men gan của bà đã lên tới hơn 1.000 UI/L, trong khi chỉ số của người khỏe mạnh chỉ là 40-50 UI/L. Bà được chẩn đoán suy gan nặng, chức năng thận, cơ tim và chức năng đông máu cũng bị tổn thương. Hiện tại, bà Tạ đã được cấp cứu trong phòng hồi sức cấp cứu.

Bà Tạ được cấp cứu trong phòng hồi sức cấp cứu.

Theo ông Li Hongbo (trưởng khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện trực thuộc Đại học Vân Nam) cho biết, tiêu thụ thực phẩm mốc là nguyên nhân khiến bà Tạ nguy kịch. Đồ ăn mốc rất có thể chứa độc tố aflatoxin và vi khuẩn Pseudomonas vô cùng nguy hiểm. Trong đó, aflatoxin là nguy hiểm nhất vì nó có thể trực tiếp làm tổn thương gan, thận.

Chỉ 1mg cũng có thể gây ung thư, vì vậy hãy đề phòng aflatoxin ở xung quanh bạn

Theo bác sĩ Li, aflatoxin là một loại độc tố được tạo ra bởi 2 loại nấm mốc là Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus.

Aflatoxin được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1960. Độc tố này không màu, không mùi, ở nhiệt độ thường rất khó tiêu diệt, cần phải được nấu chín trên 280 độ C mới có thể thay đổi tính chất.

Năm 1993, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã liệt kê aflatoxin vào nhóm gây ung thư số 1.

Aflatoxin đã được chứng minh là có thể gây ung thư cực kỳ mạnh. Sau khi đi vào, aflatoxin sẽ được gan chuyển hóa và hấp thụ. Dưới sự chuyển hóa của các enzym cytochrom, nó có thể gây đột biến gen ức chế khối u và gây ung thư gan . Aflatoxin cực kỳ độc, gấp 68 lần asen và 10 lần so với kali xyanua. 1 mg có thể gây ung thư, và một lượng 20mg cũng có thể gây tử vong cho người.

Aflatoxin xuất hiện chủ yếu trong lạc mốc, các loại hạt, gạo, ngũ cốc và các loại thực phẩm khác. Ngoài ra, thực phẩm lên men tự chế biến như sữa lên men cũng dễ bị nhiễm độc tố aflatoxin.

Làm thế nào để chúng ta có thể tránh được aflatoxin?

Theo bác sĩ, để có thể tránh hấp thụ độc tố aflatoxin thì việc trước tiên cần làm đó là bảo quản thực phẩm ở nơi khô ráo, thoáng gió, nhiệt độ thấp.

Khi mua các loại ngũ cốc, hãy nhớ kiểm tra kỹ, nếu thấy đậu phộng, ngô, gạo... bị mốc thì tuyệt đối không mua. Cũng nên chú ý đến ngày sản xuất và thời hạn sử dụng, ngoài ra cần kiểm tra xem bao bì có bị hư hỏng hay không.

Điều quan trọng nhất là một khi đồ ăn ở nhà bị mốc thì nhất định phải vứt bỏ ngay.

Ngoài tiêu thụ đồ mốc, 3 sai lầm dưới đây cũng có thể dẫn đến ngộ độc, ung thư

Thực tế, đồ mốc chỉ là một trong những yếu tố có thể gây ung thư. Ngoài ra, 3 sai lầm trong ăn uống sau đây cũng có thể khiến bạn mắc bệnh:

1. Thường xuyên ăn thức ăn thừa

Nhiều người đã hình thành thói quen ăn thức ăn thừa hoặc thậm chí là thức ăn để qua đêm nhiều ngày trong tủ lạnh.

Theo ông Hua Haiqing (bác sĩ trưởng của Trung tâm Ung thư, thuộc Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân số 81, Trung Quốc), cho biết hàm lượng nitrit trong thức ăn thừa rất cao và nitrit đi vào cơ thể tạo ra nitrosamine, có thể kích thích niêm mạc của đường tiêu hóa, lâu ngày sẽ gia tăng nguy cơ ung thư thực quản, ung thư dạ dày .

2. Nấu ăn mà không mở máy hút mùi

Nhiều người không bật máy hút mùi khi nấu ăn, thậm chí không hề lắp máy hút mùi trong nhà bếp để tiết kiệm, mà không biết điều này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Nghiên cứu của Đại học Đồng Tế (Thượng Hải, Trung Quốc) cho thấy mỗi năm ở nước này chỉ có khoảng 18% bệnh nhân nữ mắc ung thư phổi là do hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc, số còn lại là hơn 80% trường hợp ung thư là do khói bếp. Cuộc khảo sát cho thấy, những người nấu ăn lâu trong bếp và tiếp xúc với khói dầu ở nhiệt độ cao có nguy cơ ung thư cao gấp 3 lần so với những phụ nữ khác.

Các chuyên gia cũng cho biết, khói dầu bếp chứa hơn 200 chất độc hại như benzopyrene, nếu tiếp xúc lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

3. Ăn nhiều nhưng không tập thể dục thường xuyên

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào năm 2018 cho thấy người lớn thiếu vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch và tiểu đường. Tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện chức năng tim phổi và kiểm soát cân nặng, đồng thời giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư.

Theo Nhịp Sống Việt

(Nguồn: QQ, Sohu, Sina)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/nguoi-phu-nu-bi-ton-thuong-noi-tang-vi-mot-chat-doc-hang-nhat-xam-nhap-vao-mam-com-bs-canh-bao-them-3-viec-co-the-gay-ung-thu-rat-nhanh-20210219114744111.htm