Người phụ nữ đặc biệt
Một người phụ nữ không lành lặn nhưng luôn muốn những người phụ nữ khác trở nên đẹp đẽ hơn.
Đó là tâm nguyện của chị Nguyễn Thị Lương (sinh năm 1969) ở thôn Ngọc Lâu, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng), một trong những nhà thiết kế (NTK) áo dài xuất sắc được nhiều người biết đến và là 1 trong 14 Ủy viên Ban Chấp hành Câu lạc bộ áo dài Việt Nam.
Vượt qua những nỗi đau
"Mẹ sinh ra mình tròn trịa, lành lặn nhưng cuộc sống không cho mình được như thế", chị Lương mở đầu câu chuyện khi tiếp chúng tôi tại cửa hàng áo dài của mình. Chị Lương là con thứ 5 trong gia đình có 6 chị em gái ở thôn Phú Quân, xã Định Sơn (xã Cẩm Định cũ). Khi mới được 6 tháng tuổi, chị Lương bị sốt dẫn đến bại liệt, chân phải bị teo không thể phát triển bình thường.
Từ khi con phát bệnh, bố mẹ đã đưa chị Lương đi chạy chữa khắp nơi. Nghe đâu có thầy giỏi, thuốc hay là đưa con tới thăm khám với hy vọng một ngày con gái sẽ bình phục. Chân trái yếu nên mãi tới năm 3 tuổi chị Lương mới chập chững biết đi, bước cao bước thấp. Càng lớn chị Lương càng xinh đẹp, mái tóc đen dày, nước da trắng hồng, đôi môi đỏ.
"Còn nhớ khi mới 5 tuổi, tôi được chị gái cõng đi học mẫu giáo. Ai gặp tôi cũng tỏ ra thương cảm. "Con bé xinh xắn thế kia mà... Câu nói bỏ lửng ấy khiến tôi bị ám ảnh", chị Lương xúc động nhớ lại. Nhưng thay vì sống ủ dột, buồn phiền, chị Lương luôn khích lệ bản thân phải sống sao cho thật tốt để không ai phải thương hại mình nữa.
Khiếm khuyết ở chân nhưng chị Lương rất thích đi học, thành tích học tập ở bậc tiểu học, THCS luôn đạt kết quả khá tốt. Lau vội giọt nước mắt lăn trên gò má, chị Lương ngập ngừng nói: "Có lẽ do trường học xa nhà, bản thân tôi sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nên bố mẹ muốn con có một công việc có thể tự nuôi sống bản thân hơn là theo đuổi những thứ không phù hợp".
15 tuổi chị Lương phải gác lại giấc mơ được đi học giống các bạn cùng trang lứa. Chị vẫn nhớ như in cảm giác tự ti khi gặp các bạn. Nhiều khi vì xấu hổ, chị nép mình bên thân trâu để các bạn khỏi nhìn thấy. Rồi chị Lương cũng được mẹ xin cho theo học nghề may của một người gần nhà. Vốn thông minh và quyết tâm nên chị Lương tiếp thu rất nhanh. Nhờ thế chỉ sau đúng 2 tháng theo học, chị đã có thể làm nghề.
Cầu thị và ham học hỏi nên tay nghề của chị Lương lên khá nhanh. Chỉ cần nhìn một mẫu quần áo là chị Lương có thể đưa ra công thức may thành phẩm, thậm chí còn đẹp hơn cả mẫu. Năm 17 tuổi, chị đã có những học trò đầu tiên theo học nghề.
Những người phụ nữ khuyết tật hay những chị em có hoàn cảnh khó khăn giống như chị đều được miễn, giảm học phí. Đến giờ chị Lương cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã dạy nghề cho bao nhiêu người.
Tiếng lành đồn xa, khách hàng từ khắp nơi tìm đến cửa hàng may nhỏ của chị. Năm 1998, sau khi có chút vốn chị Lương vay mượn thêm tiền để mua miếng đất nhỏ ngoài mặt đường khu chợ Phí (xã Cẩm Hoàng) để mở cửa hàng. Vay mượn nhiều nên chị Lương càng quyết tâm làm việc để trả nợ.
Hạnh phúc mỉm cười
Dù khiếm khuyết chân, nhưng chị Lương vẫn là cô gái xinh đẹp, giỏi giang và có tấm lòng nhân hậu. Vì thế không ít chàng trai khi ấy sẵn sàng dang rộng vòng tay, làm điểm tựa cho chị. Nhưng chỉ duy nhất một người khiến trái tim khép kín của chị Lương mở cửa.
6 năm thanh xuân chị Lương cùng bạn trai vun đắp mối tình đẹp nổi tiếng cả vùng khi ấy. Song gia đình của người bạn trai không đồng ý, họ tìm mọi cách ngăn cản tình yêu của họ. Không thể vượt qua rào cản, chuyện tình đẹp của chị kết thúc.
Mãi cho tới năm 32 tuổi, chị Lương mới gặp được anh Triệu Đình Trình - người chồng hiện tại. Người vợ đầu mất sớm để lại cho anh Trình hai bé gái, đứa lớn 9 tuổi, đứa bé mới được 14 tháng tuổi. Thấy anh là người hiền lành, thương hai đứa trẻ sớm chịu cảnh mồ côi mẹ, chị Lương đồng ý về làm vợ anh Trình. Ngày mọi người biết chuyện, nhà anh không đồng ý.
Đồ "chấm phẩy", "chân rưỡi" là những từ ngữ có người đang tâm gọi chị. Có người còn nói anh có mù mới lấy chị... Những lời nói ấy làm chị tổn thương. Nhưng nhờ tình yêu chân thành của anh Trình đã giúp chị mạnh mẽ, vượt qua định kiến.
Ngày theo anh về thôn Ngọc Lâu, xã Cẩm Hoàng làm dâu cũng là ngày chị trở thành mẹ. Biết mình không thể nào thay thế được mẹ đẻ nhưng chị luôn yêu thương và bù đắp thiệt thòi cho các con.
Năm 2002, niềm hạnh phúc lớn lao đến với chị Lương khi chị có bầu rồi sinh cậu con trai út trong nhà. Từ đó, tiếng cười càng vang rộn trong ngôi nhà nhỏ của anh chị. Người đời lại nghĩ rằng chị Lương sẽ chẳng thể công bằng, rồi sẽ lộ rõ cảnh dì ghẻ - con chồng.
Trong suốt 10 năm (từ 2007 đến 2016), do sức khỏe yếu, anh chị cũng muốn dành toàn tâm toàn ý chăm lo cho các con nên chị Lương tạm dừng làm nghề. Cuộc sống gia đình lúc này dựa vào khoản lương công chức xã của chồng.
Dù khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng chăm lo cho các con. Vốn là người sống tự lập, biết kiếm tiền, nay phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng khiến không ít lần chị Lương cảm thấy tự ti, mặc cảm. Nhưng qua những ngày âm u, ánh nắng ấm áp lại soi rọi ngôi nhà nhỏ của anh chị.
Điều chị Lương thấy hài lòng nhất chính là các con luôn sẵn sàng sẻ chia cùng mẹ mọi điều trong cuộc sống. Cô con gái lớn đã xây dựng gia đình, ra ở riêng. Cô con gái thứ hai đang theo học Khoa Thiết kế thời trang của Trường Đại học dân lập Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) đúng với niềm đam mê. Cậu con trai út hiện đang là học sinh lớp 12.
“Chúng em được lớn lên trong tình yêu thương ấm áp của mẹ. Mẹ đã dạy dỗ và nuôi nấng chúng em nên người, chúng em rất tự hào về mẹ”, Trịnh Việt Hằng, con gái lớn xúc động nói về mẹ Lương.
Suốt 18 năm theo chồng về làm dâu, từ một người phụ nữ bị mọi người nhìn bằng ánh mắt kỳ thị, giờ đi tới đâu mọi người đều thể hiện tình cảm quý mến với chị.
Sống cùng đam mê
Trong suốt 10 năm tạm nghỉ nghề may, chị Lương luôn khao khát được quay lại với đam mê của mình. Năm 2016, khi con cái đã lớn khôn, không thể "ăn bám" chồng mãi nên chị Lương quay lại làm nghề. Chị nhận lời làm thợ cho người cháu có xưởng may nhỏ ở gần nhà, vừa đỡ nhớ nghề lại có thêm thu nhập.
Nhiều người biết tay nghề của chị Lương nên tỏ ra tiếc nuối, động viên chị mở lại cửa hàng. Lúc này, anh Trình cũng hiểu nỗi lòng nên động viên vợ thuê mặt bằng mở lại cửa hàng. Giữa năm đó, chị Lương thuê căn nhà nhỏ ngay mặt đường thôn mở hàng trở lại. Cửa hiệu tuy nhỏ nhưng khá đông khách.
Một đêm không ngủ được, chị Lương vào mạng xã hội vô tình biết tới trang Facebook của NTK áo dài nổi tiếng Đỗ Trịnh Hoài Nam thông báo tuyển học viên. Tìm hiểu thêm về NTK này, chị Lương biết đây là người nổi tiếng với khát khao mang áo dài ra thế giới. Từ đó chị thấy mình say mê áo dài một cách kỳ lạ. Chị quyết tâm tìm thầy giỏi để học nghề.
Tháng 7.2018, chị Lương đăng ký tham gia khóa học may áo dài. Gần 50 tuổi mới đi học, chị Lương gần như là học viên cao tuổi nhất của khóa học năm đó.
Đã có sẵn kỹ năng may đo, thiết kế quần áo nên chị Lương học nghề rất nhanh. Chị là một trong những học viên xuất sắc của khóa đào tạo đó. Sau khi tốt nghiệp, chị Lương được cấp chứng chỉ NTK áo dài Hiền Lương. Mỗi chiếc áo dài được trao tới tay khách hàng là kết quả lao động nhiệt tình của chị Lương.
Mỗi khi khách diện chiếc áo dài thương hiệu Hiền Lương lên người đều rất hài lòng. Vì thế khách hàng của chị đã vượt ra ngoài huyện Cẩm Giàng. Nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… cũng biết tới thương hiệu áo dài Hiền Lương và đến tận nơi đặt chị may.
Thương hiệu áo dài Hiền Lương đã có mặt trên nhiều sàn diễn như Hội chợ triển lãm văn hóa Việt - Nhật, Hội chợ các sản phẩm làng nghề tỉnh Hải Dương (năm 2018), Hội chợ áo dài Việt Nam VIFF 2018. Thương hiệu áo dài Hiền Lương còn là nhà tài trợ trang phục cho nhiều thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp như Miss Thăng Long 2018, Người đẹp Kinh Bắc…
Chị Lương đã mở cửa hàng bán và cho thuê áo dài tại đường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) để giới thiệu thương hiệu. Chị Lương chủ yếu phụ trách phần thiết kế và cắt. Chị kết nối cùng người cháu mở xưởng may, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động nữ.
Dường như chiếc áo dài là một điều gì đó rất thiêng liêng trong lòng chị bởi khi chúng tôi hỏi về áo dài, chị có thể nói chuyện hàng tiếng đồng hồ mà không chán. Mong muốn lớn nhất của chị Lương hiện tại là phục dựng lại đúng mẫu áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam xưa.
"Áo dài của mình thật sự rất đẹp, không một quốc gia nào trên thế giới có bộ trang phục tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ như áo dài Việt Nam. Tôi khát khao được tự mình đưa áo dài vượt ra khỏi lãnh thổ đất nước", chị Lương nói.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nguoi-phu-nu-dac-biet-129968