Người phụ nữ hơn 10 năm chôn cất hàng chục nghìn thai nhi bị bỏ rơi

Đã mười năm nay, mỗi buổi sáng cô Nguyễn Thị Nhiệm - thôn Đồi Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội lại đến từng phòng khám tư trên địa bàn để xin xác thai nhi bị bỏ rơi về chôn cất và chăm sóc.

10 năm chôn cất các thai nhi bị bỏ rơi

Người phụ nữ đã ngoài 50 với mái tóc điểm bạc, khuôn mặt hiền lành và phúc hậu nhưng đôi mắt luôn luôn đượm buồn chất chứa một nỗi niềm riêng. Nỗi buồn muôn mác đó đã gắn liền với cô hơn 10 năm nay kể từ ngày cô cặm cụi và ròng rã đến các phòng khám thai tư để hỏi xin xác các thai nhi bị cha mẹ phá bỏ để về chôn cất và chăm nom.

Nói về việc làm mà nhiều người cho là “dở hơi” trong suốt chục năm qua, cô Nguyễn Thị Nhiệm tâm sự: “Công việc cô và gia đình làm xuất phát một phần từ tấm lòng của người công giáo sống tốt đời đẹp đạo, một phần cũng vì ước muốn để các cháu không may được làm người có chốn yên nghỉ. Công việc này gia đình làm đến nay đã được mười năm”.

Trong câu chuyện của cô, không khó để nhận ra một nỗi buồn chất chứa trong từng lời kể mà ít ai thấu hiểu. Bởi với cô Nhiệm, sau những lần đi đón các thai nhi cũng là chừng ấy lần trái tim cô nhói đau thêm. “Mình không đành lòng nhìn các thai nhi đã bị cha mẹ chúng dứt ruột bỏ đi không có chỗ chôn cất, cho nên ngày nào cũng phải đến các phòng khám để đón các cháu. Công việc chỉ trừ những ngày mùng 1 mùng 2 mùng 3 tết âm lịch, thậm chí là mùng 3 tết đã đi rồi”, cô Nhiệm chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Nhiệm kể lại câu chuyện 10 năm chôn cất các thai nhi bị bỏ rơi

Cô Nguyễn Thị Nhiệm kể lại câu chuyện 10 năm chôn cất các thai nhi bị bỏ rơi

Được biết, trước đây cô phải làm công việc này một mình nhưng nay bất kể thời tiết nắng mưa, mùa đông hay mùa hè cô lại cùng chồng miệt mài làm công việc không được một đồng lương đó. Hình ảnh cô chú làm công việc hàng ngày này quen thuộc đến nỗi người trong làng mỗi lần thấy hai vợ chồng cô ngồi trên chiếc xe máy cũ là họ đã biết cô chú lại đi đón những thai nhi bị bỏ rơi để về chôn cất.

Theo lời kể của cô Nhiệm thì thai nhi chủ yếu được cô lấy từ khắp các phòng khám nhưng chủ yếu vẫn là từ các phòng khám thai tư thuộc khu vực huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh (Hà Nội), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

“Ngày nào cũng phải đi hai lần, sáng phải dậy sớm đi từ 4 sáng giờ còn chiều 5 giờ đi mà chỉ đi trong vòng một tiếng thì về. Mới đầu đến các phòng khám hỏi xin các thai nhi bị cha mẹ phá bỏ các bác sĩ nghi ngờ mình lấy thai nhi về để làm gì. Cũng có một số các cháu khác đi làm công việc xin thai nhi sau đó mang về đây chôn cất. Các cháu chia sẻ phải đợi các bác sĩ nghỉ mới ra thùng rác để bới, lấy thai nhi đem bọc cẩn thận để mang về nghĩa trang chôn cất”, cô Nhiệm chia sẻ thêm.

Nghĩa địa nơi cô chôn cất các thai nhi nay đã kín mít những ngôi mộ

Nghĩa địa nơi cô chôn cất các thai nhi nay đã kín mít những ngôi mộ

Để làm công việc này bao nhiêu năm qua, thời gian đầu khi chỉ có một mình cô Nhiệm phải bắt ô tô đi lại cho tiện nhưng sau đó được sự trọ giúp của chồng nên hàng ngày cô chú lại đèo nhau đi bằng xe máy cho thuận tiện. Theo lời kể của cô Nhiệm thì trung bình ngày ít cô chú cũng phải xin được 10 thai nhi, ngày nhiều vài chục thai nhi, có khi lên tới 30 thai nhi. Ngày thứ 7 và chủ nhật số lượng thai nhi bị phá bỏ lại tăng cao hơn những ngày thường.

Vất vả nhất là những vụ mùa, công việc đồng áng cấy hái bận bịu nhưng gia đình cô vẫn thu xếp công việc để đi đến các phòng khám.

“Bố (chồng cô – PV) ốm hoặc có việc bận thì con trai lại chở mình đi, không thì con dâu, con rể, con gái thay nhau đèo. Khi các phòng khám biết công việc của mình làm, nhiều hôm họ điện cho mình phải đi lên lấy luôn”, cô Nhiệm cho biết.

Khi được hỏi về những việc làm của cô Nhiệm và gia đình trong suốt 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Chi - hàng xóm của cô Nhiệm xúc động: “Dân làng ai cũng xúc động và cảm phục trước tấm lòng nhân ái của cô Nhiệm. Hằng ngày không quản bất kể thời tiết thế nào cô đều làm công việc này”.

Ông Nguyễn Văn Trượng - Trưởng thôn Đồi Cốc cũng tâm sự thêm về việc làm thầm lặng nhưng ý nghĩa và đầy nhân đạo của cô Nhiệm: “Ngày lễ, ngày tết mọi người nghỉ ngơi nhưng cô Nhiệm vẫn làm công việc hằng ngày là chôn cất các thai nhi”.

"Cô chỉ mong những buổi cô đi không có thai nhi nào bị cha mẹ chúng phá bỏ"

Đã 10 năm nay cô Nhiệm làm công việc mà nhiều người xa lánh hay không dám làm nhưng với cô thì công việc đó đã thành thói quen và cô coi đó như là niềm vui khi cô có thể giúp đỡ được những hài nhi xấu số. Tuy vậy, đã 10 năm nay người phụ nữ nhân hậu đó chưa bao giờ hết buồn.

“Nhiều hôm đón các thai nhi từ tay bác sĩ cô không thể cầm được nước mắt, người như chết lặng đi, đau xót trước những thai nhi chỉ còn vài tuần nữa là sinh. Đón các cháu trên tay mà mình không nói được nên lời”, cô Nhiệm nghẹn ngào.

Khi được hỏi về số thai nhi đã được cô chôn cất, chăm sóc suốt những năm qua cô Nhiệm không nhớ chính xác vì cô cũng chẳng bao giờ kiểm đếm hay ghi lại nhưng cô chỉ nhớ rằng con số đó là quá lớn lên đến hơn vài chục nghìn.

“Bao giờ còn khỏe mạnh thì cô vẫn còn tiếp tục làm công việc này nhưng cô chỉ mong muốn những buổi cô đi không có thai nhi nào bị cha mẹ chúng phá bỏ”, cô Nhiệm buồn rầu.

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/nguoi-phu-nu-hon-10-nam-chon-cat-hang-chuc-nghin-thai-nhi-bi-bo-roi-d115974.html