Người phụ nữ 'thương người như thể thương thân'

Chưa kịp hỏi chuyện, chị đã dặn phóng viên, viết ít, đơn giản. Bởi chị cho rằng, những việc làm của chị đã thấm vào đâu bởi ngoài xã hội còn bao hoàn cảnh khó khăn, neo đơn cần giúp đỡ. Với chị, việc từ thiện cũng giống như gieo duyên, làm theo giáo lý của nhà Phật, 'thương người như thể thương thân'.

Vô tình gặp chị Chu Thị Hưng (sinh năm 1966) khi đang tác nghiệp tại xóm chạy thận ở Lê Thanh Nghị. Hôm ấy, chị cùng chồng là anh Nguyễn Công Vinh đang nhanh nhẹn xếp những bao gạo để trao tặng cho 130 bệnh nhân trong xóm. Qua câu chuyện của những bệnh nhân chạy thận, được biết hôm ấy cũng là 49 ngày mất của cụ thân sinh ra anh Vinh, việc trao tặng gạo cũng là hành động gieo phước để mong tích đức cho gia đình, con cháu và nhất là để mong ông siêu thoát.

Nhắc lại câu chuyện ngày hôm ấy, chị Hưng cho biết, vốn trong vòng 1 năm qua nhà chị có tới hai cái tang. Mẹ chồng chị mất năm trước, bà mất được 6 tháng thì ông vì quá thương nhớ bà nên cũng đổ bệnh. Chạy chữa, chăm cho ông ngót 6 tháng thì ông cũng theo bà đi mất. Hai cái tang cách nhau chỉ vẻn vẹn có 1 năm, lại vào thời gian trước Tết. “Đáng lẽ lúc ấy đã tính mang đến ít quà, bánh cho bà con trong xóm chạy thận rồi, nhưng bởi nhà có tang nên cũng chẳng thể chuẩn bị kịp”- chị Hưng nói.

Chị Chu Thị Hưng (bên phải) trao những bao gạo ân tình cho bệnh nhân xóm chạy thận. Ảnh: N.D

Chị Chu Thị Hưng (bên phải) trao những bao gạo ân tình cho bệnh nhân xóm chạy thận. Ảnh: N.D

Ra Giêng ngày rộng tháng dài, cũng nhanh chóng đến 49 ngày của ông. Theo như thông lệ thì 49 ngày người ta tổ chức rình rang lắm, mâm cao cỗ đầy, ban đầu, chị Hưng cũng tính gia đình làm theo thông lệ. Nhưng rồi sau một hồi suy nghĩ, chị mạnh dạn bày tỏ quan điểm với chồng và các anh trong gia đình nhà chồng cho gia đình chị miễn làm cỗ. Số tiền làm cỗ ấy chị dành để làm từ thiện cho các bệnh nhân ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị. Một phần để hỗ trợ người ta, một phần cũng để mong tích đức cho ông siêu thoát nơi cõi Phật. Những tưởng sẽ gặp phải sự phản đối của mọi người, ai ngờ tất cả mọi người đều đồng tình và động viên chị hành động.

6 tạ gạo ngày hôm ấy gia đình chị mang đến xóm chạy thận không chỉ đơn giản là chuyện giúp đỡ những bệnh nhân đang khó khăn, mà trên hết đó là sự sẻ chia. Chị Hưng tâm sự, chị sống gần xóm chạy thận, hàng ngày chị gặp những gương mặt xanh tái, mệt mỏi lê lết từ phòng trọ nhỏ hẹp đến bệnh viện Bạch Mai để chạy chữa, chị thương lắm. Cuộc sống hối hả, đến như chị đủ sức khỏe nhiều lúc còn thấy quá mệt mỏi, vất vả huống hồ những người bệnh gắn với cái giường bệnh đến hết đời.

“Đâu phải chỉ là tiền thuốc, tiền thang, mà nó còn là tiền phòng trọ, tiền điện nước, tiền ăn, tiền uống… Cũng đâu chỉ phải một hai bữa, mà nó là hàng năm, hàng chục năm, vài chục năm. Ở cái xóm đó 100% lại là những người nghèo khổ, tiền gia đình cày cục kiếm để gửi lên chẳng thể đủ để cho họ duy trì cuộc sống, thế nên 6 tạ gạo, hoặc bao nhiêu tiền khi đem đến giúp đỡ họ cũng chỉ là như muối bỏ bể mà thôi. Thế nên, ngoài việc giúp họ được vài bữa không phải lo cơm ăn, tôi còn mong họ cảm nhận được sự sẻ chia, cảm nhận được sự ấm áp của cuộc sống”-chị Hưng nói.

Không chỉ có vợ chồng anh chị có mặt hôm ấy mà còn có sự góp mặt của em gái chị và các cháu trong gia đình. Việc để các cháu tham gia công việc trao tặng ấy, chị Hưng quan điểm là để các cháu được va chạm, được hiểu về cuộc sống. Mong qua những gì các cháu cảm nhận, nhìn thấy, tụi trẻ sẽ có cái nhìn về cuộc sống sâu sắc, cũng để chúng học cách sẻ chia.

Đấy không phải lần đầu tiên chị Hưng làm công việc từ thiện ở xóm chạy thận, mà từ trước đó, những ngày lễ, ngày Tết chị cố gắng dành thời gian, bớt tiền chi tiêu trong gia đình để mua quà cáp, bánh trái tặng bà con xóm chạy thận. Như ngày rằm Trung thu thì có hộp bánh nướng, bánh dẻo, ngày Tết thì có cặp bánh chưng, ít dưa hành…

“Ngẫm từ nhà mình thì sẽ ra cuộc sống họ khó khăn thế nào. Ăn thì bao nhiêu cũng hết, nhưng có những người đến 1 đồng tiền ăn cũng phải đắn đo, cân nhắc. Bữa hôm nay no, bữa mai không biết thế nào, có còn sống không để mà tiếp tục trăn trở…” đó là cuộc sống của những người chạy thận, chị Hưng nghĩ.

Cuối câu chuyện, chị cũng “bật mí” cho tôi biết, chị vốn là Tổ trưởng Tổ phụ nữ tổ 3A, phường Đồng Tâm, phụ trách về việc khuyến học. Có lẽ vì thế mà trước đó, chị đã có những buổi cùng cô em gái ruột quyên góp, xây dựng những tủ sách cho các em học sinh. Chị tâm sự, chị cũng không còn nhớ chị đã đi, đã đến và đã làm cụ thể ở những đâu, đó là một trường ở vùng quê tỉnh Hưng Yên, đó là một mái trường thiểu số tận Kon Tum xa xôi… Chỉ nhớ rằng, khi có những thư viện, tủ sách ấy, các em học sinh đều vui lắm. Nhớ cái lần chị và cô em gái mang sách về mái trường ấy, còn mời cả một họa sỹ đến để hướng dẫn các em biến những bức tường trường thành những bức tranh họa bích. Niềm vui của con trẻ, niềm vui của sự sẻ chia khiến chị hạnh phúc.

Chị vốn theo Phật giáo, thế nên với chị, làm từ thiện là đi đúng câu răn “Phụng sự chúng sinh là cúng dàng chư Phật”!

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-phu-nu-thuong-nguoi-nhu-the-thuong-than-187028.html