Người phụ nữ vượt lên số phận nhờ vay vốn Tài chính vi mô Thanh Hóa
Chị Nguyễn Thị Huy sinh ra và lớn lên tại thôn Mỹ Phong, xã Yên Mỹ (Nông Cống). Năm 23 tuổi, chị lấy chồng cùng huyện. Gia đình nhà chồng là hộ nghèo, không có ruộng, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Hai vợ chồng bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhờ thuận vợ thuận chồng và có học được nghề may, nên gia đình chị mở hiệu may nhỏ để sinh sống.
Nhờ vay vốn Tài chính vi mô Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Huy, xã Yên Mỹ (Nông Cống) đã mở xưởng may, đem lại thu nhập ổn định cho mình và nhiều chị em khác.
Cuộc sống cứ thế trôi qua êm đềm, anh chị sinh được 2 con kháu khỉnh, dành dụm và vay mượn thêm để mua được một mảnh đất. Thế nhưng bi kịch bỗng đâu ập xuống khi căn bệnh ung thư não quái ác đã cướp đi chồng chị, trong khi các con chị, đứa lớn còn chưa hiểu được nỗi đau mất cha, còn đứa nhỏ vừa tròn 7 tháng tuổi. Năm ấy chị mới 29 tuổi, suy sụp và kiệt quệ về tinh thần và vật chất. Nợ mua đất chưa trả được, lại thêm nợ tiền thuốc men chạy chữa cho chồng.
Nhờ thời gian và sự động viên của người thân, 2 năm sau chị đã dần vực dậy tinh thần, quyết định đi lao động ở Đài Loan để kiếm một số vốn trả nợ và tiếp tục lập nghiệp với nghề may mà chị đam mê theo đuổi. Sau 6 năm đi lao động trở về, chị có trong tay 300 triệu đồng, đủ để trả nợ, sửa sang lại nhà cửa và mở một cửa hàng may nho nhỏ. Vừa làm việc, vừa dạy nghề cho các chị em khác. Tuy nhiên, công việc khá bấp bênh do thiếu vốn, nhu cầu thị trường thấp.
Năm 2015, chị may mắn được vay vốn tại Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa (TCVM TH) với số tiền là 10 triệu đồng, vay trong 18 tháng. Tuy số tiền vay ban đầu không lớn nhưng đã giúp chị đầu tư thêm nhiều nguồn hàng phong phú, đặc biệt nhờ được sự tư vấn tận tình của cán bộ TCVM, được tham gia sinh hoạt cùng với các chị em vay vốn, chị đã được mở mang thêm nhiều kiến thức kinh doanh.
Từ đó, năm 2016 chị đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng may gia công túi đựng đồ trong siêu thị, một sản phẩm rất thiết thực cho cuộc sống và giúp cải thiện môi trường, thay thế túi nilon. Sau khi trả hết vốn vay chu kỳ 1, chị tiếp tục được vay 30 triệu đồng tại TCVM TH để đầu tư thêm vào mua máy móc trang thiết bị cho xưởng may của mình. Nhờ đó, xưởng may hoạt động rất tốt, liên tục phát triển. Đến nay đã tạo công ăn việc làm cho 70 công nhân với thu nhập 350 triệu đồng/năm. Nhân công của chị đều là chị em phụ nữ sinh sống trên địa bàn xã. Chị luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn như: hộ nghèo, hộ đơn thân, nhà đông con,... Đặc biệt có 3 chị hiện đang điều trị bệnh ung thư cũng được nhận công việc nhẹ nhàng như cắt chỉ, xếp túi, để kiếm thêm thu nhập nuôi sống bản thân và chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.
Nhớ lại quá trình khởi nghiệp, chị Huy cho biết: Khi quyết định chuyển sang may túi, chị đã tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân trong xã, huyện. Hầu hết mọi người đều muốn dùng sản phẩm này vì có lợi cho môi trường và dùng đi dùng lại được nhiều lần. Tuy nhiên rào cản lớn nhất là giá thành cao hơn túi nilon nhiều lần. Chính vì vậy chị đã quyết định nhập hàng cho công ty trước. Sau đó khi có cơ hội, khi đời sống người dân đã khá hơn và ý thức bảo vệ môi trường cao hơn, chị sẽ bán rộng rãi sản phẩm này cho người dân địa phương. Khách hàng chính của chị là công ty Casablanca, chuyên nhập túi may sẵn để xuất khẩu. Để thuận tiện cho khách hàng, chị luôn đảm bảo giao hàng đúng tiến độ hai bên đã thỏa thuận, vận chuyển đến tận nơi. Khách hàng luôn hài lòng với chất lượng và mẫu mã sản phẩm mà chị cung cấp.
Bên cạnh đó, chị cũng tìm hiểu về phương thức giao hàng và giao thông đi lại. Để việc giao nhận hàng thuận tiện, nhanh chóng, chị đã bán mảnh đất cũ để đầu tư vào địa điểm mới thuận tiện hơn, đồng thời tạo mặt bằng rộng rãi, nơi làm việc thoáng đãng, tốt cho sức khỏe và tinh thần công nhân.
Khi quyết định mở xưởng, chị thiếu kỹ năng quản lý nhân sự, khi cùng lúc nhận về mấy chục công nhân làm việc. Bằng sự tận tâm với công việc và tự học hỏi, chị đã vượt qua thời gian đầu khó khăn để đưa toàn thể chị em trong xưởng trở thành một tập thể đoàn kết, sống cùng nhau như chị em trong gia đình và luôn hỗ trợ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. Khi mở xưởng, số tiền tích lũy cũng chưa được bao nhiêu. Khó khăn về vốn là một trong những vấn đề lớn nhất. Chị đã may mắn vay được từ TCVM TH và vay thêm một ít từ anh em, họ hàng.
Sau khi phát triển xưởng may túi, chị mở thêm xưởng mây tre đan, là mặt hàng thủ công mỹ nghệ được ưa chuộng trên thị trường Việt Nam và thế giới. Tiếp tục giải quyết thêm việc làm cho 14 lao động và giúp đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh cho chính mình. Chị Nguyễn Thị Huy là tấm gương sáng về vượt lên số phận nhờ vay vốn TCVM TH để phát triển kinh tế, làm giàu cho chính mình và đóng góp cho xã hội.