Người phục dựng cốt 'Ông Nam Hải'

Tại Viện Hải dương học Nha Trang, việc phục chế xương cá voi khổng lồ bắt đầu từ cuối năm 1994, khi nông dân xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong lúc đào mương thủy lợi đã phát hiện bộ xương cá voi lưng gù khổng lồ bị vùi dưới lòng đất khoảng 200 năm có giá trị rất lớn về khảo cổ học và nghiên cứu khoa học.

Để phục dựng bộ xương khổng lồ nặng khoảng 10 tấn này, Viện Hải dương học đã tìm đến họa sĩ Lê Vũ.

Họa sĩ Lê Vũ cho biết khi đó ở Việt Nam chưa có nơi nào chế tác, phục dựng xương mà lại là xương của loài cá khổng lồ, nên gặp không ít thử thách, nhiều đoạn mục gãy phải phục dựng bằng phương án nào, xương rất nặng phải sử dụng công nghệ nào để chống đỡ, sắp xếp thứ tự các xương như thế nào để chính xác trong khi các chuyên gia của Viện Hải dương học chỉ đưa ra một cấu trúc xương cá voi.

Tuy nhiên, dựa vào đó, họa sĩ Lê Vũ bắt đầu làm một mô hình bằng thạch cao. Sau đó, đánh số thứ tự, sắp xếp các xương lên giàn giáo lớn. Tiếp đó, ông lắp khung bằng inox đỡ phía dưới. Tất cả đều hết sức kỹ lưỡng. Chỉ một sơ suất, một đốt xương bị lệch thì cả bộ khung xương sẽ đổ, gãy vụn, xem như công trình đổ vỡ. Sau khi hoàn thành khung thì tháo giàn giáo để treo bộ xương dài 18 m như cá đang nằm.

Họa sĩ Lê Vũ cùng bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á tại dinh Vạn Thủy Tú, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Họa sĩ Lê Vũ cùng bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á tại dinh Vạn Thủy Tú, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Đặt dấu ấn từ công trình thành công này, năm 2003, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận mời ê-kíp cán bộ Viện Hải dương học và họa sĩ Lê Vũ phục dựng bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết. Đây là bộ xương cá voi khổng lồ với chiều dài 22 m, lớn nhất Đông Nam Á. Riêng xương ngà đã dài 4,2 m, xương sườn dài gần 3 m và rất nặng. "Để phục dựng riêng phần đầu cá voi, chúng tôi cần mười mấy người để đưa lên giàn giáo. Với ý thức tâm linh nên chúng tôi ăn ngủ, làm việc ngay tại dinh Vạn Thủy Tú hơn 3 tháng liền không ra ngoài" - họa sĩ Lê Vũ kể.

Năm 2011, nhóm họa sĩ Lê Vũ tiếp tục được mời phục dựng 6 bộ xương cá voi ở Vạn An Thạnh (xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận), trong đó có bộ xương cá voi dài 17 m. Hiện nay, ê-kíp đang nhận được lời đề nghị phục dựng "Ông Nam Hải" tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và tỉnh Bến Tre.

"Người dân xứ biển không gọi là xương cá voi mà gọi là cốt "Ông Nam Hải" với tín ngưỡng, niềm tin đặc biệt rằng "Ông Nam Hải" giúp các thế hệ ngư dân giữ biển, đem lại an lành cho ngư dân. Vì vậy, mỗi lần hoàn thành phục dựng, tôi đều rất vui vì đã góp phần nhỏ bé trong việc giữ gìn văn hóa biển của dân tộc" - họa sĩ Lê Vũ cho biết.

Bài và ảnh: Kỳ Nam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-phuc-dung-cot-ong-nam-hai-20220309211942468.htm