Người tâm huyết với công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Mường

Từng tham gia viết báo, viết văn và gần đây dành phần lớn thời gian, tâm sức sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng ở xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) khiến nhiều người nể phục bởi tâm huyết và những đóng góp đối với văn hóa Mường.

Từng tham gia viết báo, viết văn và gần đây dành phần lớn thời gian, tâm sức sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng ở xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) khiến nhiều người nể phục bởi tâm huyết và những đóng góp đối với văn hóa Mường.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng chia sẻ hành trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Mường.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng chia sẻ hành trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Mường.

Nghệ nhân Bùi Huy Vọng tâm sự: Sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Mường và đưa các giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông trở lại đời sống là một hành trình vất vả. Song được sự ủng hộ của chính quyền từ huyện đến cơ sở và của các nghệ nhân nắm giữ di sản, tôi đã đạt được thành quả nhất định. Cụ thể, tôi đã góp công sức, trí tuệ phục dựng một số lễ hội truyền thống như: đình Khênh – xã Văn Sơn, đình Băng - xã Ngọc Sơn, đình Khói – xã Ân Nghĩa… Bản thân tôi viết và xuất bản gần 20 đầu sách, khoảng 10 bài báo có tính khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành và hàng trăm bài báo, truyện ngắn, bài nghiên cứu văn hóa đăng trên các báo, đài của trung ương và địa phương.

Nhớ về thời kỳ khó khăn và sự dày công trong sưu tầm, phục dựng các đình và lễ hội ở địa phương, ông Vọng chia sẻ: phải ngót 10 năm (2001 – 2010), đình Băng mới phục dựng được nhà đình, đến năm 2016, nghĩa là phải tới 6 năm sau mới phục dựng xong lễ Chay Đất – Chay Mường trong lễ hội đình Băng. Hay như đình Khênh và lễ hội đình Khênh cũng phải trải qua 15 năm ròng rã (2023- 2018) mới phục dựng xong nhà đình và lễ hội. Đối với các lễ hội về sau như đình Trường Khạ và lễ hội đình Trường Kha, lễ hội đình Khói có phần thuận lợi hơn…

Là vùng lõi của văn hóa Mường, phong trào hát Mường được huyện quan tâm phục dựng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống của người dân trên địa bàn từ khoảng 10 năm trở lại đây. Toàn huyện thành lập được 5 câu lạc bộ hát thường rang, bộ mẹng… thu hút hơn 200 nghệ nhân tham gia. Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị thực tế di sản mo Mường cũng được làm tốt. Bên cạnh vai trò là nghệ nhân, nhà sưu tầm, nghiên cứu, ông Vọng còn là một trong những người đầu tiên đưa các clip hát Mường đăng trên các trang Youtube thu hút hàng triệu lượt người xem.

Điều mà nghệ nhân Bùi Huy Vọng còn tâm tư là trên địa bàn có nhiều di sản văn hóa mang giá trị to lớn như Mái đá làng Vành, Hang xóm Trại, mo Mường, chiêng Mường, phong tục tập quán, dân ca Mường. Trong đó, mo Mường và một số di sản khác với giá trị bảo vệ, sàng lọc văn hóa nên mặc dù trải qua hàng trăm năm bị thực dân đô hộ, các loại đạo ngoại lai vẫn khó xâm nhập. Ngày nay cũng vậy, mất mo Mường, mất bản sắc Mường sẽ vô cùng nguy hiểm, văn hóa Mường sẽ không còn khả năng phòng vệ trước văn hóa ngoại lai.

Trên địa bàn huyện cũng mới cơ bản thực hiện khôi phục các lễ hội dân gian truyền thống, sử dụng không gian làng Mường, nhà sàn Mường, ẩm thực Mường… gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Nghệ nhân Bùi Huy Vọng bày tỏ nguyện vọng cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ tổ chức chương trình gặp mặt các nghệ nhân, nhà sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác và thực hành công tác bảo tồn văn hóa truyền thống; mỗi năm ít nhất 1 lần tổ chức cuộc thi hát thường rang, bộ mẹng và hát đúm giao duyên quy mô cấp huyện. Trong các sự kiện lớn, lễ hội dân gian cần tạo điều kiện về không gian thực hành để các nghệ nhân hát Mường trong huyện, trong và ngoài tỉnh có nơi quy tụ, giao lưu. Quan tâm hơn nữa việc quảng bá, thu hút khách du lịch tới các điểm như: bãi Bùi, thác Mu, ruộng bậc thang Miền Đồi… và khi đó đội ngũ truyền thông cộng đồng, các nghệ nhân hát Mường được phát huy, tham gia tích cực.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/194194/nguoi-tam-huyet-voi-cong-tac-suu-tam,-nghien-cuu-van-hoa-muong.htm