Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Rời quê lúa vào vùng “đất khát”

Trong ngôi nhà vách đất được dựng từ hơn 30 năm trước, hướng mặt về phía sông Ba, ông bà Nguyễn Văn Để-Nguyễn Thị Mây (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) vẫn giữ nếp sống giản dị, đặc trưng của người đồng bằng Bắc Bộ. Xung quanh nhà, ông bà trồng những khóm hoa, giàn mướp. Nếu không nhìn ra cảnh sắc núi non hùng vĩ ôm lấy dòng sông Ba trước nhà sẽ cảm thấy như đang ở một góc quê nhà thân thuộc nơi quê lúa Thái Bình.

Ngôi nhà được làm từ 30 năm trước của gia đình ông Nguyễn Văn Để. Ảnh: H.N

Đi qua 85 mùa xuân, mái tóc của bà Mây vẫn đen nhánh làm nổi bật chiếc kẹp ba lá quen thuộc của phụ nữ miền Bắc một thời. Còn ông Để trí nhớ vẫn rất minh mẫn qua những chi tiết nhỏ nhặt trong câu chuyện cách đây nhiều chục năm. Ông bồi hồi kể: “Năm 1984, vừa ăn Tết xong, tôi đưa gia đình rời quê hương vào vùng đất ven sông Ba này sinh sống. Từ Thái Bình vào đây mất đúng 5 ngày. Khi ấy, 5 đứa con còn nhỏ dại, đứa lớn nhất mới 17 tuổi, đứa nhỏ nhất 5 tuổi. Không ai lường trước cuộc sống lại khó khăn như vậy. Có những năm, 30 Tết rồi mà tôi vẫn phải đi chặt nứa bán mới có tiền đong gạo. Hồi đó, các hộ dân người Thái Bình vào đây đều ở nhà tạm làm từ tre nứa. Chỗ ngủ của gia đình 7 người là tấm liếp tre được cố định trên 4 chân cột. Mùa lạnh, gió lùa thông thốc qua phên tre vào tận chỗ nằm. Nước uống, nước sinh hoạt, bà nhà tôi phải đi gánh từ sông Ba lên. Đường sá gập ghềnh, gánh được nước về đến nhà chỉ còn non nửa thùng”.

Khoảng năm 1995, ông bà dựng được ngôi nhà đất hướng mặt về phía sông Ba. Đây cũng được xem là ngôi nhà kiên cố của một trong những hộ có điều kiện nhất lúc ấy. Đó là kiểu nhà 3 gian truyền thống đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. “Theo kinh nghiệm của người xưa, tôi đào đất ụ mối ở bên bờ sông Ba ủ với gốc rạ chặt khúc như gang tay mấy ngày cho hỗn hợp nhũn ra để đắp vách. Vậy mà, ngôi nhà vững chãi qua bao mưa nắng, bão táp bên bờ sông này”-ông Để chia sẻ.

Mỗi chiều nhìn đàn cò trắng bay về trên dòng sông Ba, ông bà Nguyễn Văn Để-Nguyễn Thị Mây luôn bâng khuâng nhớ về quê nhà Thái Bình. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Nguyễn Ngọc Giang (68 tuổi) cũng là một trong những hộ đầu tiên vào vùng đất Krông Pa theo diện di dân. Gia đình ông cùng 130 hộ dân ở huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) đặt chân đến thôn Quỳnh 2 (nay là buôn Đoàn Kết). Ông hồi tưởng: “Lúc đó, nơi này rừng thiêng nước độc, khí hậu khắc nghiệt lại thêm bệnh sốt rét. Nhiều người đã qua đời khi còn chưa kịp quen với đất mới. Cùng đi năm đó với gia đình tôi là 130 hộ, nhưng sau một thời gian chỉ trụ lại 60 hộ. Một số gia đình muốn nhưng không thể trở về quê vì không có tiền, còn số khác thì phiêu bạt tứ xứ theo người thân quen. Người Thái Bình quê tôi nói riêng và người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung rất cần cù, chịu khó, chỉ cần có đất sản xuất là như cá gặp nước. Nhưng nhiều người không thể trụ lại đủ hiểu vùng đất này khắc nghiệt đến thế nào”.

Ông Giang từng là bộ đội tham gia chiến đấu ở các chiến trường Việt Nam-Lào-Campuchia. Đứng trước tình cảnh đó, ông tự nhủ, chiến tranh gian khổ như vậy còn vượt qua được lẽ nào đến được đây, đất đai rộng lớn như vậy lại đầu hàng? Có thời kỳ, ông Giang bị sốt rét nặng tưởng không qua khỏi, 2 tay chống 2 gậy đứng cũng không nổi. Em trai ở quê đánh điện vào thuyết phục ông trở về quê, cho đất để ông làm nhà. Nhưng ông vẫn cứng cỏi trả lời có chết cũng sẽ chết ở đất này. “Đó là quyết định đúng đắn. Nếu không, gia đình tôi sẽ không có được cuộc sống đủ đầy như hôm nay và tôi cũng sẽ không được chứng kiến kỳ tích của những người con Thái Bình tạo dựng trên quê hương thứ hai này. Sau 40 năm, những người trụ lại được đều có cuộc sống khấm khá, nhất là các hộ trồng mì và thuốc lá. Từ đói ăn, nay có hộ làm 1 vụ đủ ăn 1-2 năm. Năm vừa rồi, nhiều hộ thu 1-3 tỷ đồng từ trồng thuốc lá. Nhiều hộ xây nhà lầu, sắm xe hơi”-ông Giang phấn khởi cho biết.

Hạnh phúc hiện hình từ trong gian khổ

Người Thái Bình sinh sống dọc quốc lộ 25, đoạn qua xã Chư Rcăm. Cứ nhìn những biệt thự mini, nhà Thái đồ sộ, sân nhà có ô tô cũng đủ hình dung phần nào đời sống của người dân. Trung tâm tiệc cưới Đại Thành là cơ ngơi của ông bà Nguyễn Văn Thành-Nguyễn Thị Tiền, một trong những hộ người Thái Bình rất thành công trên quê hương thứ hai. Trung tâm tiệc cưới được ông bà đầu tư xây dựng năm 2020 trên diện tích 9.000 m2 với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Trước đó, ông bà là hộ đầu tiên mở cây xăng (năm 1994) ở Chư Rcăm và nhiều dịch vụ khác.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay phải kể đến sự kiên cường của người phụ nữ nhỏ bé Nguyễn Thị Tiền. Ở tuổi U70, bà vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, tháo vát với giọng nói trẻ trung. Bà kể, chưa có công việc gì ông bà chưa từng làm qua. Những ngày chân ướt chân ráo vào vùng đất mới, ông đi bẫy chuột đem vào làng đổi lấy củ mì. Còn bà đi khắp làng trên xóm dưới mua vải thô, tối về dưới ngọn đèn dầu tù mù ngồi cắt, khâu thành quần áo trẻ con đến tận khuya. Sáng sớm hôm sau, bà đạp xe hàng chục cây số đường đất vào tận những làng xa xôi nhất của xã Đất Bằng đổi quần áo lấy thóc, mì. Đến khi có chút vốn, ông bà thu mua nông sản, gia súc để bán kiếm lời. Thời kỳ chưa có điện, ông bà mua máy phát điện cho cả thôn, chiếu phim cho bà con xem và họ trả bằng trái bắp, củ mì. Đến khi khấm khá hơn, ông bà mua mấy chục ha đất trồng mì, trồng thuốc lá.

Bà Tiền hồi tưởng: “Có thời kỳ, tôi vừa nuôi chồng sốt rét, vừa nuôi 6 đứa con nhỏ. Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi bôn ba không thiếu một bãi vàng nào để kiếm tiền chữa bệnh cho ông ấy. Hay có những ngày, tôi một thân một mình đạp xe vào làng, qua những con suối mà người dân tránh như hủi vì một lời đồn đại nào đó, cảm thấy mình nhỏ bé và cô đơn vô cùng”. Nhưng chính những ngày tháng gian truân ấy như một phép thử của không riêng bà Tiền mà của cả cộng đồng người Thái Bình ở đây. Sự kiên cường, chịu khó như những hạt giống gieo xuống miền đất lành, bám rễ sâu vào vùng đất mới để cho ra những quả ngọt.

Gia đình bà Bùi Thị Chiến hiến hàng ngàn m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: H.N

Gắn bó với vùng đất Krông Pa, nhiều người sẵn sàng góp sức để xây dựng quê hương thứ hai. Mới đây, ông bà Nguyễn Huy Canh-Bùi Thị Chiến (thôn Sông Ba) đã hiến 1.000 m2 để làm đường giao thông nông thôn. Trước đó, gia đình ông bà cựu chiến binh này còn hiến hơn 2 sào đất ở khu vực làm rẫy sát với xã lân cận để mở rộng đường giao thông. Ở tuổi ngoài 80 và không ít bệnh tật tuổi già, nhưng bà Chiến vẫn giữ sự lạc quan, vui vẻ. Giới thiệu với chúng tôi con đường bê tông thẳng tắp vừa hoàn thiện có phần lớn đất ông bà hiến tặng, bà móm mém cười vui: “Nhà nước hỗ trợ cho dân rất nhiều nên mình cũng nêu cao tinh thần đóng góp, xây dựng. Đất đai cũng là tài sản lớn, nhưng mình hy sinh chút lợi ích cá nhân để được việc lớn cho mọi người”.

Nói về sự đóng góp của cộng đồng người Thái Bình ở đây, ông Giang tự hào: “Không chỉ ở Chư Rcăm mà ở nhiều xã khác có người Thái Bình sinh sống, hầu như ở đâu cũng có người tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Trong số các đảng viên lão thành của huyện Krông Pa từ năm 1979 đến nay có rất nhiều người quê Thái Bình. Đó cũng là niềm tự hào để chúng tôi và các thế hệ sau tiếp tục cố gắng. Như ông Để là người đầu tiên của xã khởi xướng xây dựng làng thanh niên và các phong trào khác ở đây. Từ đó mới có phong trào làm công giúp nhau, tương trợ lẫn nhau để cùng vượt qua những năm tháng gian khổ nhất để làm nên cộng đồng người Thái Bình giàu mạnh như hôm nay ở vùng đất ven sông Ba này”.

“Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Không hiểu sao, những câu văn của Nguyễn Khải viết trong tác phẩm “Mùa lạc” cứ bám níu lấy chúng tôi khi rời ngôi nhà vách đất 3 gian ven sông Ba của vợ chồng già người Thái Bình.

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguoi-thai-binh-ben-dong-song-ba-post298291.html