Người thắng, kẻ thua từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1

Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý một thỏa thuận thương mại một phần hôm 13/12, tạm dừng cuộc chiến thương mại kéo dài 21 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vậy chính xác, ai được - mất gì sau quyết định 'đình chiến' quan trọng này?

Người chiến thắng

1. Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ít nhất về mặt chính trị, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 này chắc chắn mang lại lợi thế cho ông chủ Nhà Trắng, đặc biệt là vào thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần.

Thỏa thuận Trung Quốc, cùng với thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada đã thỏa thuận gần đây, thúc đẩy tăng trưởng dự báo của nền kinh tế Mỹ trong năm tới ở mức 2% trở lên, tránh nguy cơ suy thoái kinh tế.

Mặc dù thỏa thuận giai đoạn 1 này chưa thể hoàn thành mọi mục tiêu của chính quyền Trump nhằm định hình lại mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng đã xoa dịu phần nào ngành công nghiệp sản xuất Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại.

Tin tức về thỏa thuận này còn trở thành tiêu đề nổi bật của truyền thông Mỹ và khắp thế giới, làm lu mờ diễn biến điều tra luận tội ông Trump đang sôi sục tại Hạ viện Dân chủ.

2. Nông dân Mỹ

Theo nội dung thỏa thuận, Bắc Kinh cam kết mua một lượng sản phẩm nông nghiệp lớn chưa từng có của Mỹ - 32 tỷ USD - vượt qua kỷ lục trước đó khoảng 26 tỷ USD vào năm 2012. Ông Trump thậm chí nói rằng Trung Quốc có thể sẽ mua tới 50 tỷ USD, trong khi phía Bắc Kinh từ chối công bố con số chính xác.

Đây sẽ là một khoản tiền rất cần thiết đối với nông dân Mỹ, những người đã chịu dồn ép bởi thuế quan trả đũa của Trung Quốc, mặc dù Washington đã có những thiết lập để bù lỗ cho họ. Theo Cục Nông nghiệp Mỹ, số lượng các trang trại phá sản của nước này đã tăng 24% so với năm ngoái và nợ nông nghiệp đang ở mức cao kỷ lục.

3. Apple và các công ty công nghệ khác

Chứng khoán Apple đã tăng vọt vào hôm thứ 6, ngay cả khi thị trường chung không thay đổi. Các công ty công nghệ như Apple là một trong số những người hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận giai đoạn 1 này vì họ được miễn hoàn toàn thuế quan.

Tổng thống Trump đã lên kế hoạch áp thuế quan vào ngày hôm nay (15/12) đối với điện thoại di động, máy tính xách tay và các sản phẩm công nghệ phổ biến khác được sản xuất tại Trung Quốc và vận chuyển đến Mỹ. Và nay thỏa thuận này đã loại bỏ hoàn toàn các kế hoạch đó.

4. Các nhà bán lẻ của Mỹ

Cùng với thỏa thuận thương mại mới nhất, chính quyền Trump thời gian qua đã cho thấy nhiều nỗ lực giảm hoặc miễn thuế đối với các mặt hàng phổ biến nhất mà người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng - một cứu cánh lớn cho các hãng bán lẻ nước này, bao gồm cả "ông lớn" Walmart, khi không phải lo ngại việc tăng giá.

Mức thuế dự kiến ngày 15/12 đối với đồ chơi và sản phẩm công nghệ hiện đã được tạm khóa, trong khi mức thuế được ban hành hồi tháng 9 đối với nhiều sản phẩm quần áo, giày dép đã được giảm từ 15% xuống còn 7,5%. Nhiều nhà bán lẻ Mỹ vì vậy có thể giữ giá ổn định trong mùa lễ cuối năm này vì một số lô hàng đã đến trước khi thuế quan có hiệu lực.

5. Nhà đầu tư phố Wall

Chỉ số S&P 500 đang thẳng tiến tới tổng lợi nhuận khoảng 29% trong năm nay, đánh dấu một năm tốt nhất cho cổ phiếu kể từ hồi 2013, thậm chí là một trong những năm tốt nhất mọi thời đại. Cổ phiếu đã giảm mạnh vào cuối năm ngoái, nhưng phần lớn nỗi đau đó đã bị lãng quên sau khi hồi phục. Điều này cõ thể gia tăng đánh giá tốt nơi cử tri với Tổng thống Trump, khi mà khoảng một nửa số người Mỹ đang sở hữu tài sản nơi thị trường chứng khoán.

6. Chính phủ Trung Quốc

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Bắc Kinh đã không phải nhượng bộ quá nhiều trong thỏa thuận thương mại mới nhất. Thậm chí các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho đã khéo "chơi đùa" Tổng thống Trump khi từ chối xác nhận có một thỏa thuận trong nhiều giờ sau khi thông tin bị rò rỉ từ Nhà Trắng.

Trung Quốc đồng ý mua thêm khoảng 200 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp, năng lượng... của Mỹ, nhưng Bắc Kinh vốn dĩ đã lên kế hoạch cho điều này. Nước này thậm chí đã đưa ra mức giá mua vào giữa năm 2018. Vì vậy, sự nhượng bộ lớn nhất mà Bắc Kinh đưa ra trong thỏa thuận này chính là đồng ý với các hình phạt nếu Trung Quốc không giữ lời.

Người thua cuộc

1. Chương trình nghị sự thương mại của ông Trump

Thỏa thuận với bTrung Quốc có thể là một chiến thắng về mặt chính trị với Tổng thống Trump, nhưng mục tiêu của ông là buộc Bắc Kinh phải đại tu các chính sách kinh tế, đã không xảy ra.

Thỏa thuận giai đoạn 1 đã không làm thay đổi căn bản các tham vọng của Trung Quốc trong kế hoạch "Made in China 2025" - điều đã thúc đẩy ông Trump yêu cầu các cố vấn thương mại như ông Navarro, thúc đẩy Trung Quốc thực hiện một cam kết không còn trợ cấp bất công cho các ngành công nghiệp chính và đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Một thỏa thuận khiêm tốn dường như buộc ông Trump phải nhanh chóng hứa hẹn sẽ có một thỏa thuận giai đoạn thứ 2, sau cuộc bầu cử 2020, trong khi nhiều người lo ngại điều này sẽ khó thành sự thật.

2. Đảng Dân chủ Mỹ

Thỏa thuận Mỹ - Trung Quốc là một phần của một chuỗi các tin tức tích cực đang thúc đẩy sự gia tăng trên thị trường và triển vọng kinh tế cho năm 2020. Một cuộc suy thoái dường như không thể xảy ra, trong khi thương mại là mối quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ, nên sẽ khó hơn với những phe muốn chống lại Tổng thống Trump.

3. Huawei

"Gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc là nạn nhân chịu nhiều thưuong tổn nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chính phủ Mỹ cáo buộc Huawei gián điệp thông qua điện thoại và các sản phẩm công nghệ của DN này tại Mỹ, buộc phải chịu nhiều hạn chế hoạt động. Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng can thiệp nhiều lần, nhưng Washington vẫn giữ vững quan điểm, bất kể ông Trump đã đôi lần "làm dịu". Thỏa thuận giai đoạn 1 không giải quyết tình trạng của Huawei.

4. Kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc đã phải đối mặt với một nền kinh tế chậm lại trước cả khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Thuế quan của ông Trump làm trầm trọng thêm "vết thương" này. Mặc dù Bắc Kinh hiện có thể tạm an tâm rằng Washington sẽ không tăng thuế như dự kiến vào ngày 15/12, nhưng mức thuế đối với gần 370 tỷ USD hàng nhập khẩu nứo cnày vẫn còn đó.

Quan trọng hơn, nhiều dấu hiệu cho thấy một số công ty đã chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc để sang các nước khác, dường như không có khả năng quay trở lại cả khi thương chiến kết thúc hoàn toàn.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguoi-thang-ke-thua-tu-thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-giai-doan-1-360151.html