Người thầy đam mê sáng chế

Tôi biết ông Hà Giang (70 tuổi), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Cty CPCKHGPT) từ năm 2007, khi đó ông làm Chủ tịch Hội doanh nghiệp Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Gần 10 năm (từ 2007 đến 2016) tham gia tuyên truyền các hoạt động của Hội doanh nghiệp này, ông Hà Giang không chỉ khiến chúng tôi nể phục, kính trọng bởi sự sâu sắc, nhiệt tình trong công tác điều hành mà còn là người đam mê sáng tạo, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên lĩnh vực cơ khí.

Ông Hà Giang và chiếc máy uốn thép cỡ lớn.

Ông Hà Giang và chiếc máy uốn thép cỡ lớn.

Cha đẻ của máy tuốt lúa

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thủ Đức (TPHCM), sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Hà Giang về Đà Nẵng giảng dạy môn Cơ khí tại Trường Kỹ Thuật Nguyễn Văn Trỗi. Hơn 10 năm giảng dạy tại đây, ông Giang để lại ấn tượng với bao thế hệ sinh viên về khả năng sáng tạo với phương châm, học đi đôi với hành.

Với chiếc máy hàn tự chế và ít đồ nghề thô sơ, ngoài giờ lên lớp, ông Giang rong ruổi khắp các tuyến phố ở Đà Nẵng trên chiếc xe đạp cũ để sửa chữa cổng cửa cho các gia đình có nhu cầu để kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Thời điểm này, phát hiện người nông dân Quảng Nam Đà Nẵng rất vất vả trong việc thu hoạch lúa, một là phải đập bằng tay, hai là dùng sức trâu để đạp, ông Giang bắt tay vào chế tạo chiếc máy tuốt lúa đạp bằng chân. Ưu điểm của chiếc máy này là được khiêng đến tận ruộng và chỉ cần 1 người sử dụng là có thể tuốt được lúa, giảm tải rất nhiều công sức cho người nông dân. Chiếc máy này được nhiều nơi sử dụng đến tận ngày hôm nay, nhất là ở những vùng trung du, miền núi.

Với tố chất năng động và sáng tạo, khi nhìn thấy rất nhiều máy móc hiện đại do Liên Xô tài trợ cho trường học không được trưng dụng, ông Hà Giang đã mạnh dạn đề xuất xin nhận khoán để làm kinh tế. Tại đây, ông đã có những phát kiến có tính đột phá, được các cấp khen thưởng đột xuất. Ông Giang nhớ lại: "Năm 1989, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng xây đập thủy điện An Điềm. Lúc bấy giờ quốc gia Latvia tài trợ tôn làm ống dẫn nước kích thước 2,5m, dày 10 li, 12 li và 14 li. Thời điểm này, tại Quảng Nam Đà Nẵng, các loại máy uốn ống thép nhập từ Liên Xô về chỉ uốn được tôn dài 2m và dày 10 li, vậy nên không có đơn vị nào dám đảm nhận thi công. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nảy ra sáng kiến cải tiến tốc độ vận hành và trọng tâm của máy, từ đó có thể cuốn được các loại tấm tôn có khổ to và dày hơn. Tôi mạnh dạn ký hợp đồng với nhà máy thủy điện An Điềm, trong đó có điều khoản, nếu thi công thất bại, tôi phải đền bù tiền chi phí vận chuyển vật liệu ra Hà Nội để gia công. Nhẩm tính, nếu đền thì tôi phải bán căn nhà đang ở, đưa vợ con vào ký túc xá của trường tá túc. Nhờ nắm chắc kỹ thuật vận hành và có cải tiến nhiều chi tiết quan trọng, tôi đã thành công. Tôi không chỉ chế tạo ra hàng trăm mét đường ống áp lực cho thủy điện An Điềm mà còn tham gia Công trình thủy lợi phục vụ nước bạn Lào với khối lượng hàng ngàn tấn thép, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng...".

Cty CPCKHGPT được trao chứng nhận chế tạo, lắp đặt các sản phẩm cơ khí công trình.

Cty CPCKHGPT được trao chứng nhận chế tạo, lắp đặt các sản phẩm cơ khí công trình.

Những sáng tạo đột phá

Để được tự do, thỏa chí đam mê chế tạo, cũng như đóng góp vào sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam, năm 1988, thầy giáo Hà Giang mở xưởng Cơ khí riêng tại chân núi Phước Tường, khai sinh ra Thương hiệu Cơ khí Hà Giang Phước Tường.

Phương châm của ông Giang là liên tục cải tiến công nghệ, đáp ứng nhu cầu cho khách hàng. Những công trình nào khó, đòi hỏi kỹ thuật cao đều được Hà Giang Phước Tường đảm nhận. Mặc dù tuổi cao nhưng ông Giang vẫn không ngừng sáng tạo, tự cải tiến được 50% các loại máy móc của công ty phục vụ sản xuất. Ấn tượng nhất là năm 2017, ông Giang chế tạo thành công máy uốn thép định hình cỡ lớn, uốn được ống loại phi 400 và uốn nguội sắt Y loại 500. Kể về nghiên cứu này ông cho biết: "Năm 2017, Cty CPCKHGPT đảm nhận thi công công trình Sân bay Đà Nẵng. Trong gói thầu có liên quan đến ống thép định hình loại phi 400. Thời điểm này trong nước chưa có loại máy nào uống được ống thép phi 400 mà chỉ làm được cỡ phi 300. Vậy nên, thiết bị này buộc phải nhập về từ Trung Quốc, vừa mất thời gian vừa tốn kém. Máu tự ái nghề nghiệp trỗi dậy, ông Giang bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo loại máy sản xuất linh kiện này. Sau gần 2 năm nỗ lực sáng tạo, ông Giang đã thành công. Máy được sản xuất với tổng chi phí 2,5 tỷ đồng, rẻ hơn 1/2 so với máy nhập ngoại. Với loại máy này, Cty CPCKHGPT được tín nhiệm, ký hợp đồng thi công gói thầu trị giá 30 tỷ đồng tại Công trình Nam Hội An (Quảng Nam). Và chiếc máy này đã được UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ 650 triệu đồng, Sở KH-CN quốc gia cấp bằng sáng tạo khoa học lĩnh vực chế tạo cơ khí.

Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", ông Hà Giang vẫn đam mê sáng tạo, có những cống hiến quan trọng cho ngành cơ khí nước nhà. Ông tiết lộ, Cty hiện đang chế tạo chiếc máy có công năng sử dụng rất quan trọng, chưa từng có tại Việt Nam và thế giới. Với những nỗ lực, sáng tạo không ngừng, ông Hà Giang đã đưa Cty CPCKHGPT với hơn 130 lao động phát triển vững mạnh, trở thành thương hiệu lớn tại khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Đinh Nga

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_231579_nguoi-thay-dam-me-sang-che.aspx