Người thầy giáo Khmer nhiệt huyết với nghề 'gieo mầm chữ viết dân tộc'

Rời khỏi đường phố tấp nập xe cộ ồn ào, bước chân qua cổng, vào thư viện Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, tôi như bước sang một không gian khác. Khoảnh sân rộng, tràn ngập ánh nắng, hàng cây thốt nốt trầm mặc, rợp tán uy nghi, bên dưới là hàng xe đỗ dọc ngang. Nơi ngôi trường này, tôi đã gặp và biết về thầy giáo Khmer Danh Mến - người thầy nhiệt huyết 'gieo mầm chữ viết dân tộc'.

Thầy Thạch Rích – Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Thầy Danh Mến là Phó trưởng Phòng Giáo vụ, Tổ trưởng Tổ Khmer - Pali, giảng viên phụ trách tiếng Khmer của trường. Không chỉ riêng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Ban Giám hiệu nhà trường mà phần lớn các tăng sinh đều nhận thấy, thầy Mến có kiến thức sâu về môn dịch thuật Khmer, am hiểu văn hóa, chữ Khmer phổ thông lẫn địa phương. Mặc dù kiêm rất nhiều việc nhưng thầy Mến luôn chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, đặc biệt trong đó có bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Biên soạn chương trình đào tạo giáo viên sư phạm tiếng Khmer trình độ cao đẳng tỉnh Sóc Trăng”.

Thầy Danh Mến (bìa phải) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vì có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ biên soạn chương trình đào tạo giáo viên sư phạm tiếng Khmer trình độ cao đẳng. Ảnh: NGỌC NHÂN

Thầy Danh Mến (bìa phải) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vì có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ biên soạn chương trình đào tạo giáo viên sư phạm tiếng Khmer trình độ cao đẳng. Ảnh: NGỌC NHÂN

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở vùng quê ngoại ô thị trấn Kế Sách, ngay từ nhỏ cậu bé Mến đã ý thức được hoàn cảnh gia đình mình, lấy việc học, tiếp thu tri thức là hướng đi phía trước. Sau khi học xong chương trình cao đẳng, thầy Mến tiếp tục học lên đại học chuyên ngành giáo dục chính trị, rồi thạc sĩ chuyên ngành văn hóa. Thầy bảo, chính trị là nhân học, văn hóa học, đạo đức học, am hiểu chính trị mới có thể định hướng, đánh thức được khát vọng tốt đẹp nơi con người, giúp xã hội văn minh phát triển. Nhờ thành tích học tập vượt trội, thầy trở thành giáo viên cơ hữu duy nhất được trường chọn đi tu học 2 năm theo chương trình đào tạo hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam - Campuchia và lấy chứng chỉ C tiếng Khmer tại vương quốc Campuchia.

Hiện tại, không chỉ giảng dạy, thầy Mến còn hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp; tham gia tập huấn chương trình tiếng Khmer hè; tham gia hội đồng chấm thi giáo viên giỏi cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở; làm thành viên hội đồng thẩm định sách, nghiên cứu ứng dụng bộ gõ và font chữ Khmer trong quy trình sản xuất báo in và báo điện tử; soạn thảo các loại tài liệu tiếng Khmer phục vụ việc dạy học cho các trường, cho Ban Đề án đào tạo tiếng Khmer của Tỉnh ủy; hợp đồng dịch thuật với công ty chế xuất sách giáo khoa tiếng dân tộc.

Thầy Mến bộc bạch: “Nhờ Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để tôi được tiếp cận con chữ. Nhờ ơn cưu mang giúp đỡ của các thầy, mọi người chung quanh lúc tôi gặp khó khăn nhất. Tôi đã được hưởng những quả ngọt mà người đi trước gieo trồng, nay tôi cần phải tưới nước cho nó, dùng con chữ để giúp đồng bào mình. Cho dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, tôi vẫn luôn nhiệt huyết với nghề “trồng người”, mong muốn ngày càng có nhiều con em đồng bào Khmer thông thạo ngôn ngữ, chữ viết, cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, có kiến thức xã hội và lòng yêu nước cũng như trách nhiệm công dân”.

Giờ đây cây tri thức của thầy Danh Mến tiếp tục phát triển, nở hoa, trở thành lý tưởng sống của nhiều thanh niên Khmer. Nhắc đến thầy Mến, là người ta nhắc đến một thầy giáo nhiệt huyết, chuyên gia phiên dịch tiếng Khmer, đóng góp nhiều bài báo cáo tham luận, phân tích, chuyên đề khoa học cấp tỉnh và Trung ương, một thạc sĩ am hiểu tường tận văn hóa dân tộc, nổi tiếng ở Nam bộ với nhiều bài báo, thơ, nhạc thiếu nhi phóng tác bằng ngôn ngữ Khmer rất hay, được đăng phát trên đài, báo, tạp chí địa phương, Trung ương.

NGỌC NHÂN

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/nguoi-thay-giao-khmer-nhiet-huyet-voi-nghe-gieo-mam-chu-viet-dan-toc-49530.html