Người thiếu nữ Hà Thành làm công tác điệp báo

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, nước ta vừa giành được độc lập, nền kinh tế đang kiệt quệ, giặc đói, giặc dốt đang hoành hành khắp nơi thì đã phải đối phó với mối đe dọa thù trong giặc ngoài hòng đè bẹp chính quyền còn non trẻ. Trước tình hình đó, Đảng rất cần những thanh niên có lòng trung thành tuyệt đối, mưu trí, gan dạ làm công tác điệp báo chuyên đi thu thập, điều tra tin tức và tình hình của địch để có kế hoạch đối phó lại những âm mưu đen tối của chúng. Qua câu chuyện kể của gia đình bà Hào Kim Oanh một thiếu nữ Hà thành (người sau này là vợ của Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Thế Thiện) đã từng làm công tác điệp báo như thế.

Nhận nhiệm vụ đặc biệt

Bà Hào Kim Oanh (1928 – 2008) tức Trần Lệ Trinh với bí danh Lan, Mai, Hương; sinh tại Hà Nội trong một gia đình công chức yêu nước. Cuối năm 1944, khi còn là cô nữ sinh 16 tuổi – lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời – bà đã sớm được giác ngộ cách mạng và tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu do đồng chí Vũ Quang (sau này là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Trưởng ban Tôn giáo Trung ương) phụ trách.

Vợ chồng ông bà Hoàng Thế Thiện – Hào Kim Oanh tại Vĩnh Yên, tháng 10/1947. (Ảnh gia đình cung cấp)

Vợ chồng ông bà Hoàng Thế Thiện – Hào Kim Oanh tại Vĩnh Yên, tháng 10/1947. (Ảnh gia đình cung cấp)

Lúc đó bà lấy bí danh là Lan. Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bà được chuyển sang công tác ở Hội Phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Lúc đó, do yêu cầu công tác, bà thường lui tới trụ sở Xứ ủy Bắc Kỳ ở số 51 phố Hàng Bồ (đồng thời là tòa soạn báo Lao động). Tại đây, bà đã gặp gỡ các đồng chí trong Xứ ủy như đồng chí Trần Danh Tuyên - Xứ ủy viên, đồng chí Nguyễn Văn Trân - Thường vụ Xứ ủy phụ trách Sở Liêm phóng Bắc Bộ.

Vào một buổi sáng, đồng chí Trần Danh Tuyên gọi bà lên và muốn bà đảm nhiệm công tác đặc biệt. Bà Hào Kim Oanh ngạc nhiên hỏi đồng chí Trần Danh Tuyên: “Công tác gì mà đặc biệt vậy, anh?”. Đồng chí Tuyên nhìn thẳng vào bà và chậm rãi nói: “Đó là công tác điệp báo – chuyên đi thu thập, điều tra tin tức và tình hình của địch để chúng ta có kế hoạch đối phó lại những âm mưu đen tối của chúng. Xét thấy cô có đủ điều kiện làm công tác này nên tôi có ý định giới thiệu cô vào Ban Trinh sát đặc biệt thuộc Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ do anh Nguyễn Văn Trân phụ trách. Cô thấy thế nào?”.

Nghe đồng chí Tuyên hỏi, bà còn đang phân vân chưa biết trả lời ra sao thì đồng chí Tuyên đã nói tiếp: “Bây giờ cô chưa cần phải trả lời ngay. Cô về suy nghĩ kỹ rồi sáng mai cho tôi biết câu trả lời”. Tối hôm đó, bà Hào Kim Oanh trằn trọc không ngủ được, tâm trạng vừa mừng vừa lo lẫn lộn. Mừng vì được tổ chức tin cậy giao cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Lo vì mình còn quá trẻ, kinh nghiệm công tác chưa bao nhiêu lại nhận lãnh một nhiệm vụ đặc biệt như vậy sẽ khó hoàn thành. Càng suy nghĩ thì nhiệt huyết tuổi trẻ và ý thức cách mạng lại càng bùng lên mạnh mẽ, thôi thúc bà quyết định sẽ nhận nhiệm vụ đặc biệt này.

Tháng 9/1945, bà làm nhân viên của Ban Trinh sát đặc biệt thuộc Kỳ bộ Việt Minh Bắc kỳ. Với bí danh là Mai, bà được giao nhiệm vụ kết thân với tên Nha, bí thư của lãnh đạo Đảng Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội Nguyễn Hải Thần để khai thác thông tin. Chúng là những tên Việt gian bán nước cầu vinh nhưng lại nấp dưới danh nghĩa những nhà yêu nước theo chủ nghĩa quốc gia.

Bọn chúng lập ra những tổ chức phản động hàng ngày tiến hành các vụ gây rối, tống tiền, ám sát, bắt cóc cán bộ của ta với mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Người cùng làm nhiệm vụ này với bà là đồng chí Hoàng Diệu Tiếp (sau này là Đại tá Lê Song Toàn, vợ đồng chí Trần Quốc Hoàn – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an).

Mưu trí, gan dạ, hết lòng vì nhiệm vụ

Có vỏ bọc gốc Hoa, lại xinh đẹp, sắc sảo nên bà Hào Kim Oanh dễ dàng tiếp cận tên Nha, làm hắn say mê. Bà vờ có tình cảm với hắn, thường xuyên ra vào trụ sở đảng Việt cách để thu thập thông tin. Khi cấp trên giao nhiệm vụ bắt cóc tên Nha, bà dụ hắn đến nhà để tổ chức đánh thuốc mê bắt cóc hắn. Bà từng kể: “Tôi còn nhớ hôm ấy là một ngày cuối năm 1945. Bầu trời Hà Nội trở nên ảm đạm vì giá rét. Tôi phải tìm cách lừa ba mẹ tôi vào Hà Đông chơi để ở nhà chúng tôi tiện hành động.

Chúng tôi mời tên Nha đến nhà chơi. Như thường lệ, hắn đi xe đạp tới một mình. Sau khi dựng xe dưới chân cầu thang, hắn theo tôi và chị Tiếp lên gác. Chúng tôi chủ động mời hắn ngồi quay lưng lại gian buồng có 3 trinh sát đang ẩn nấp. Tôi và chị Tiếp ngồi hai bên hắn.

Trong khi nói chuyện, chị Tiếp kiếm cớ xuống dưới nhà chọc thủng lốp xe đạp của hắn và chốt cửa chặt chẽ rồi quay lên nói chuyện tiếp. Tôi kiếm chuyện hỏi tên Nha: “Khi nào anh Nha đưa em về Huế chơi? Chắc Huế đẹp lắm? Em đã nghe nói nhiều về Huế nhưng chưa được đi. Đường vào Huế chắc là xa lắm phải không anh?…”. Tên Nha nghe vậy liền hứng chí lấy giấy bút ra vẽ đường đi Huế cho chúng tôi xem.

Hắn còn huyên thuyên miêu tả nhiều cảnh đẹp Huế như sông Hương, núi Ngự, cố đô… Thấy hắn sơ hở, mất cảnh giác, bà ra ám hiệu cho các đồng chí trinh sát hành động. Ngay lập tức, tổ trinh sát lao ra, cùng lúc bà xô ghế đứng dậy. Đồng chí Hồng tay cầm khăn tẩm thuốc mê áp vào mặt hắn trong khi hai đồng chí trinh sát kia giữ chặt hai tay hắn bẻ quặt ra sau lưng.

Tưởng rằng mọi chuyện xong xuôi nhưng không ngờ do thuốc mê kém hiệu quả, tên Nha lại có sức khỏe tốt nên hắn không mê man ngay mà còn vùng vẫy mạnh và ú ớ kêu lên vài tiếng: “Cứu tôi với! Việt Minh bắt cóc tôi!”. Hắn nhìn bà và đồng chí Tiếp nghiến răng nói: “Thì ra chúng mày là hai con Việt Minh”.

Thấy vậy, đồng chí Hồng liền lấy dùi cui đập liên tiếp vào đầu hắn cho đến khi hắn ngất đi. Vừa cho hắn vào bao tải thì bất ngờ có một toán lính Tưởng kéo đến bao vây nhà bà với súng ống lăm lăm trong tay. Thì ra một tên Quốc dân đảng người Hoa trẻ tuổi ở ngay bên cạnh nhà đã báo tin. Ngày thường hắn ít khi có nhà, nhưng không may hắn lại ở nhà hôm đó và nghe thấy tên Nha kêu cứu nên đi báo cho lính Tưởng đến giải cứu.

Thật quá bất ngờ, không có đường thoát, xe ô-tô lại để ở đầu đường, bà Hào Kim Oanh nhanh trí gom tất cả súng của mọi người lại rồi vứt lên nóc tủ cao, nơi này bọn lính Tưởng ít để ý tới. Sau đó bà kéo đồng chí Tiếp đứng bên cửa sổ, giả vờ như đang run sợ vì bị Việt Minh uy hiếp để đánh lừa chúng. Sau khi bọn chúng bỏ đi, bà vội nhìn xuống đường xem chúng đưa 3 đồng chí trinh sát đi về hướng nào để kịp thời báo với tổ chức cho người đến giải cứu vì nếu không biết đích xác nơi chúng giam người của ta, bọn chúng sẽ chối và không chịu thả. Sau đó, bà vội vàng cho tất cả súng vào một cái làn nhỏ, bên trên ngụy trang vài bộ quần áo rồi cùng đồng chí Tiếp thoát ngay ra khỏi nhà vì biết rằng khi tên Nha tỉnh lại sẽ cho người đến bắt bà.

Sau khi báo cáo cấp trên và lo lắng vì không làm tròn nhiệm vụ thì thật ngạc nhiên là đồng chí Nguyễn Văn Trân đã không tỏ vẻ bực tức mà còn nhẹ nhàng an ủi: “Các cô đừng nên lo lắng quá như vậy! Các cô không có lỗi trong chuyện này. Nguyên nhân thất bại do thuốc mê kém hiệu quả. Các cô làm việc khá lắm, đã cố gắng hết sức mình rồi!

Tuy chưa bắt được tên Nha nhưng những tài liệu mà Lan và Tiếp thu thập được từ hắn rất quan trọng và có giá trị”. Thấy bà và đồng chí Tiếp đi cùng vẫn chưa hết áy náy, đồng chí Nguyễn Văn Trân cười động viên: “Đúng là hai cô tiểu thư Hà Nội đi làm điệp báo có khác. Mới thất bại lầu đầu mà đã quá lo lắng như vậy. Thôi, hai cô uống chén trà cho ấm người rồi ở lại đây một thời gian chờ nhận công tác mới. Các cô tuyệt đối không được về nhà. Bây giờ mà về là bị bọn chúng bắt ngay!”.

Bị địch truy bắt, bà Hào Kim Oanh và bà Hoàng Diệu Tiếp được cấp trên điều lên Thái Nguyên công tác vào cuối năm 1945. Tại đây, bà được tổ chức phân công làm công tác Phụ nữ thị xã nên thường xuyên gặp gỡ đồng chí Hoàng Thế Thiện (khi đó là Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên) để nhận nhiệm vụ.

Từ mối quan hệ công tác, bà và đồng chí Thiện đã nảy sinh tình cảm với nhau rồi yêu nhau lúc nào không hay. Được sự tác thành của tổ chức, ông bà đã cưới nhau vào ngày 7/4/1947 tại Vĩnh Yên bằng một đám cưới giản dị, thắm tình đồng chí.

Trên bước đường hoạt cách mạng, dù giữ bất cứ cương vị nào được Đảng tin cậy giao phó, bà Hào Kim Oanh vẫn luôn vinh dự và tự hào về thời gian làm công tác điệp báo của của một thiếu nữ Hà thành, góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ngay sau ngày lập quốc./.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-thieu-nu-ha-thanh-lam-cong-tac-diep-bao-112398.html