Người tiên phong trồng atiso đỏ ở vùng đất khô hạn

Ông Lê Văn Thạch ở thôn Phường Hóp, xã Phong An, là nông dân đầu tiên của huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây đậu phộng (lạc) sang atiso đỏ. Mô hình mới này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng El Nino, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến đất đai vùng Phong An, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong Mỹ, thuộc huyện Phong Điền, bị khô hạn nghiêm trọng. Vốn là loại cây trồng chịu được khô hạn nhưng nhiều diện tích trồng đậu phộng của người dân Phong Điền đã khô héo, bị chết do nắng nóng dẫn đến mất mùa, hoặc cho năng suất thấp. Trước thực trạng này, ông Thạch suy nghĩ, tìm kiếm loại cây trồng khác có khả năng chịu được khô hạn để ổn định kinh tế gia đình.

Đầu năm 2018, trong một lần tham quan mô hình phát triển kinh tế tại tỉnh Lào Cai, nhận thấy mô hình trồng cây atiso đỏ lấy hoa của các hộ dân ở vùng núi phía Bắc cho hiệu quả cao, ông Thạch liền lấy giống mang về trồng thử trên 5 sào đất, vốn trước đây dùng để trồng đậu phộng. Sau 3 tháng, nhận thấy cây atiso đỏ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, sinh trưởng tốt và cho hoa rất đều.

Từ hoa atiso đỏ, ông Thạch (góc trái) tạo ra nhiều sản phẩm khác để cung ứng cho thị trường.

Đặc biệt hơn là với thời tiết nắng nóng thì cây atiso đỏ lại phát triển càng mạnh nên không sợ bị khô héo, hoặc chết như các cây trồng khác. Và, sau 6 tháng trồng thử nghiệm vụ đầu tiên, những gốc atiso đỏ của gia đình ông Thạch cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng, hiệu quả cao gấp 7 lần so với trồng cây đậu phộng khiến ông và gia đình phấn khởi.

Nhận thấy việc trồng cây atiso lấy hoa là hướng phát triển kinh tế bền vững nên đầu năm 2019, ông Thạch tiếp tục mở rộng diện tích trồng atiso lên 1ha. Ngoài ra, ông còn hợp đồng với 10 hộ dân khác ở trên địa bàn xã trồng thêm 1ha để thu mua hoa, nâng tổng diện tích atiso lên 2ha/vụ và 4ha/năm.

“So với các loại cây trồng khác thì atiso trồng khá đơn giản, tuy nhiên mình phải đảm bảo đúng các quy trình kỹ thuật chăm sóc để cây sinh trưởng tốt và cho hoa đạt chất lượng cao. Cây atiso đỏ chịu được khô hạn, không cần tưới nước nhiều, chỉ cần bón phân hữu cơ và không phải phun thuốc trừ sâu nên sẽ giảm được bớt chi phí đầu tư”, ông Thạch chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong An, vào mùa thu hoạch atiso đỏ, hộ ông Thạch đã giải quyết công ăn việc làm thời vụ cho nhiều người dân địa phương. Hiện gia đình ông Thạch cung cấp hoa atiso tươi và khô, tùy theo đơn đặt hàng của khách, với mức giá trung bình từ 10-15 ngàn đồng/kg hoa tươi; 350-400 ngàn đồng/kg hoa khô. Ngoài ra, từ hoa atiso đỏ, gia đình ông còn chế biến ra các sản phẩm như mứt atiso, nước cốt atiso… để phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Hiện các sản phẩm làm từ hoa atiso đỏ của gia đình ông Thạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp nhãn hiệu độc quyền. Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân Phong Điền, cho rằng, với quyết tâm và nỗ lực trong lao động sản xuất, hộ ông Thạch bước đầu đã thành công với mô hình trồng cây atiso đỏ.

Loài cây dược liệu này rất thích hợp với đất đai, khí hậu địa phương nên thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tuyên truyền về mô hình này để người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng cho năng suất thấp sang trồng atiso đỏ. Đồng thời có giải pháp tìm đầu ra, mở rộng thị trường đối với những sản phẩm làm từ hoa atiso đỏ để người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng atiso, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương...

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nguoi-tien-phong-trong-atiso-do-o-vung-dat-kho-han-548990/