Người tiêu dùng Việt ngày càng thắt chặt chi tiêu, thách thức của ngành F&B

Theo báo cáo thị trường của Decision Lab, người tiêu dùng Việt ngày càng thắt chặt chi tiêu và thận trọng hơn với hoạt động ăn ngoài, tạo nên thách thức cho các doanh nghiệp F&B.

Decision Lab, đơn vị chuyên đánh giá và tối ưu hóa marketing số vừa công bố báo cáo về thị trường F&B tại Việt Nam. Trong đó, 84% người được khảo sát đang thắt chặt chi tiêu của bản thân. Đây có thể sẽ là thách thức với ngành F&B trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Decision Lab, người Việt Nam đang ngày càng thận trọng hơn trong quản lý tài chính cá nhân và chi tiêu hoạt động ăn uống ngoài. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với suy thoái, chi phí sinh hoạt tăng cao.

 Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thận trọng hơn trong hoạt động ăn ngoài. Điều này sẽ gây nên thách thức cho các doanh nghiệp F&B (Ảnh TL)

Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thận trọng hơn trong hoạt động ăn ngoài. Điều này sẽ gây nên thách thức cho các doanh nghiệp F&B (Ảnh TL)

Trong khảo sát của Decision Lab, có đến 84% người tham gia đặt giới hạn chi tiêu cho bản thân. Trong đó, nhóm Gen Z (người trẻ sinh năm từ 1997-2012) đang dẫn đầu với 49% người tham gia khảo sát cho biết đang kiểm soát chặt chi tiêu cho các hoạt động ăn uống bên ngoài, cao hơn hẳn các nhóm tuổi khác.

Bên cạnh đó, 42% người được khảo sát cho biết tình hình tài chính của họ đã có sự cải thiện. 63% người tiêu dùng kỳ vọng tình hình tài chính của họ sẽ có sự cải thiện trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, sự cải thiện tài chính này sẽ không được họ sử dụng cho các chi tiêu không thiết yếu, bao gồm cả hoạt động ăn ngoài.

Về hoạt động ăn uống ngoài của người dân Việt Nam, Decision Lab cho biết 57% người tiêu dùng thích uống nước tại các quán cà phê và trà sữa. Đây cũng là hoạt động chiếm vị trí cao trong top 10 hoạt động xã hội bên ngoài phổ biến nhất của người dân.

Theo sau đó là hoạt động ăn uống tại các quán vỉa hè, quán ăn nhỏ trong hẻm và nhà hàng với tỷ lệ tương ứng 48%, 48% và 43%. Các quán ăn địa phương thường là sự lựa chọn hàng đầu của người dân khiến thách thức của những thương hiệu F&B mới nổi càng trở nên rõ ràng hơn.

Những yếu tố được người dùng đánh giá cao trong lĩnh vực F&B có thể kể đến như: 52% người khảo sát lựa chọn chất lượng món ăn; 47% lựa chọn chất lượng phục vụ và sự chuyên nghiệp của nhân viên; 44% lựa chọn thương hiệu.

Sự quan tâm trong lĩnh vực F&B cũng phân hóa theo từng độ tuổi. Với thế hệ millennials (1981-1996) thì quan tâm đến chất lượng món ăn và không khí tại cửa hàng. Trong khi thế hệ Gen Z (1997-2012) quan tâm nhiều đến giá cả.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-tieu-dung-viet-ngay-cang-that-chat-chi-tieu-thach-thuc-cua-nganh-fb-post316343.html