Người trẻ dám gánh nợ

'An cư, lạc nghiệp', quan điểm của người xưa đúc kết, đã một thời là tiêu chí của hầu hết mọi người.

Ở xã hội hiện đại, nhất là với giới trẻ, quan niệm ấy phần nào bị nhạt nhòa bởi họ còn có nhiều nhu cầu khác hơn là một chỗ ở ổn định. Song, vẫn có một bộ phận giới trẻ dám gánh nợ, dám gạt bỏ nhiều nhu cầu thông thường chỉ để có một nơi gọi là nhà.

Giấc mơ an cư

Từ tỉnh lẻ vào TPHCM học tập, anh Phạm Huy Đức, 30 tuổi (hiện ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) bắt đầu làm quen với cuộc sống ở trọ. 4 năm đại học, Đức chuyển tới 6 nhà trọ, nơi thì không hợp với bạn cùng phòng, nơi thì dãy trọ tập trung nhiều người ưa nhậu nhẹt, nơi thì chủ nhà trọ quá khắt khe… Bởi vậy mà vừa tốt nghiệp ra trường, ngoài việc tìm được công việc ổn định thì mục tiêu lớn mà Đức ấp ủ là mua được một căn nhà cho có nơi đi chốn về.

Nhiều gia đình trẻ chọn an cư trước những nhu cầu khác của cuộc sống. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều gia đình trẻ chọn an cư trước những nhu cầu khác của cuộc sống. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Huy Đức chia sẻ: “Ở trọ có cái thuận lợi là làm ở đâu thì thuê nhà ở đấy, thích thì ở, không thì quẩy ba lô đi tìm nơi khác. Nhẹ nhàng nhất là hàng tháng bỏ đôi ba triệu thuê nhà, còn lại luôn túi rủng rỉnh tiền, nhưng lại có cảm giác vất vưởng và tạm bợ. Cá tính của tôi thích sự ổn định nên ngay từ khi đi làm, tôi đã tự nhủ hãy tìm một căn nhà rồi mới yên tâm phát triển sự nghiệp”.

Vợ chồng Nguyễn Thị Huyền, 32 tuổi (hiện ngụ quận 9, TPHCM) cũng từ tỉnh lên TPHCM học tập và lập nghiệp. Dù đã xây dựng gia đình hơn 3 năm nay nhưng vì ở trọ nên căn phòng ấy với Huyền chưa hẳn là tổ ấm. “Chúng tôi hạn chế tối đa đồ đạc vì thực sự đó không phải nhà mình, mua sắm nhiều rồi sau này chuyển đi rất vất vả, lại chưa hẳn đã sử dụng được ở nhà mới”, chị Huyền cho biết. Nhà trọ của gia đình chị Huyền đúng nghĩa là nơi ở tạm, sáng vợ chồng đi làm, tối về ưng thì nấu, không thì ra ngoài ăn đại gì đó rồi khuya chỉ về ngủ. Suốt 3 năm, cuộc sống như vậy cứ lặp đi lặp lại, vợ chồng Huyền không có hứng thú để vun vén cho tổ ấm. Chị Huyền tâm sự thêm: “Hồi đó, tôi thèm tự tay sắp đặt mọi vật dụng trong gia đình, suy nghĩ vị trí này treo bức tranh nào thì hợp lý, hay góc kia đặt bình hoa màu gì… nhưng ở nhà trọ thì đành chịu. Nó ức chế cả về cuộc sống và tinh thần”.

Bởi vậy, nên khi tiết kiệm được khoản tiền nho nhỏ, vợ chồng chị Huyền lập tức tìm mua nhà. Chọn được một căn chung cư nhỏ ở tuốt quận 9, chấp nhận đi làm xa và xác định nhiều năm phải “thắt lưng buộc bụng” để trả nợ nhưng cứ nhìn vào tổ ấm của mình, vào nơi dù đi đâu vợ chồng chị Huyền cũng muốn nhanh chóng trở về thì lại có động lực để vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống.

Tôi nợ nhưng tôi có nhà!

Quan niệm phải có một căn nhà như Huy Đức và vợ chồng chị Huyền vấp phải không ít sự can ngăn của bạn bè. Những lời khuyên kiểu “ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu”, “có nhà mà ra ngoài túi rỗng không thì thiên hạ cũng chẳng coi trọng”, “còn trẻ mà cứ nghĩ như ông bà già, tuổi trẻ là phải xê dịch, phải trải nghiệm, khi nào có tuổi rồi tính” hay “sung sướng gì ôm một cục nợ”… chẳng hiếm. Nhưng có lẽ, chỉ những người mong muốn sự an cư mới hiểu, căn nhà cũng là cột mốc đánh dấu phần nào sự trưởng thành của mỗi con người, nó còn là niềm tự hào của các ông bố, bà mẹ lam lũ ở quê nhà khi thấy những năm tháng nỗ lực học tập và làm việc của con mình có thành quả.

Dĩ nhiên, với anh Đức, vợ chồng chị Huyền hay hàng ngàn người trẻ ở tỉnh muốn bám trụ lại thành phố, trong khi gia đình không có điều kiện giúp về kinh tế thì việc có được căn nhà không những phải có ước mơ đủ lớn mà cả sự liều lĩnh và đánh đổi. Đánh đổi bởi nếu bạn bè cùng trang lứa vẫn thường xuyên tụ tập nhà hàng, cà phê cà pháo hay một đôi tháng lại tung tăng khám phá những vùng đất mới thì những người trẻ khát vọng mua nhà sớm đành lùi lại. Họ đánh đổi những thú vui của tuổi trẻ, gác lại những sở thích thông thường để thực hiện ước mơ của riêng mình. Liều lĩnh bởi mỗi tháng họ chấp nhận chi hơn nửa tháng lương để trả nợ, như vậy đồng nghĩa với không có tích lũy tiền mặt và vô vàn rủi ro, cuộc sống gần như chỉ có công việc, còn hưởng thụ trở nên xa xỉ.

Nhưng cái họ nhận được cũng không nhỏ. Anh Huy Đức chia sẻ: “Tôi nợ nhưng tôi có nhà và tôi biết hướng về gia đình - những giá trị bền vững nhất trong cuộc sống của mỗi con người. Tôi có kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn, biết tiết kiệm những khoản chi không cần thiết - điều mà rồi ai cũng phải học, chỉ là sớm hay muộn mà thôi và tôi chọn học sớm”. Còn với vợ chồng chị Huyền, niềm hạnh phúc rạng lên trong ánh mắt, hiện diện trong lời nói mỗi khi nhắc đến nhà, đến tổ ấm mà anh chị đang vun vén. Chúng tôi cảm nhận, tiếng “nhà” không chỉ là một liều doping cho chính người chủ trẻ có động lực cố gắng, tự hào mà còn tạo sự tin tưởng với những người xung quanh.

Áp lực bởi nợ nần là điều không tránh khỏi, nhưng như đã nói, nếu ước mơ đủ lớn, dám liều lĩnh và đánh đổi thì sự ngọt ngào mang tên “nhà” cũng sẽ mang lại cho chủ nhân của nó nhiều điều ấm áp!

Anh Nguyễn Hoàng Vinh (28 tuổi) - quản lý một sàn giao dịch bất động sản trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM cho hay: “Hiện nay, có nhiều dự án hỗ trợ mua nhà, nhất là các dự án nhà ở giá rẻ. Nhưng người mua cũng phải cân nhắc tài chính, ví như một căn chung cư ngoại ô có giá khoảng 600 triệu đồng, trả trước 20% là 120 triệu đồng, còn lại trả chậm trong vòng 24 tháng, thì mỗi tháng phải góp 20 triệu đồng, đó không phải là con số dễ dàng với nhiều người trẻ mới đi làm. Có dự án cũng được liên kết với các ngân hàng, hỗ trợ vay và trả góp, tuy nhiên thủ tục xét duyệt nhiều và tối đa cũng chỉ được 70%”.
THIÊN THANH

THANH LY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nguoi-tre-dam-ganh-no-613831.html