Người trẻ mới đi làm ngại Tết

Tết ở phiên bản người mới đi làm đồng nghĩa với việc phải góp Tết, mua sắm cho cha mẹ, biếu ông bà, chuẩn bị lì xì cho đàn em và sẵn sàng đối mặt với hàng loạt câu hỏi khó.

 "Chiếc áo" của một người lớn đôi khi sẽ khiến người trẻ dễ rơi vào trạng thái "sợ Tết". Ảnh: Artem Kniaz/Unsplash.

"Chiếc áo" của một người lớn đôi khi sẽ khiến người trẻ dễ rơi vào trạng thái "sợ Tết". Ảnh: Artem Kniaz/Unsplash.

Thật khó để nói rằng những áp lực ngày Tết là do chúng ta tự tạo ra hay bản thân mùa lễ hội đã mang theo đầy những căng thẳng, tính toán và cân nhắc.

Với nhóm người mới đi làm, lễ Tết còn là gánh nặng phải trở thành một người trưởng thành khi cần đầu tư tiền bạc để sắm sửa, quà cáp. Không chỉ vậy, "chiếc áo" của một người lớn đôi khi sẽ khiến người trẻ dễ rơi vào trạng thái "sợ Tết".

Cần chuẩn bị một khoản tiền

Mới đi làm, bạn khó có quá nhiều tiền để vung tay, nhưng cũng không thể ngó lơ đi trách nhiệm của mình trong việc góp Tết với cha mẹ. Tùy vào tình hình tài chính, bạn có thể biếu cha mẹ một khoản để sắm sửa hoặc chủ động nhận một vài hạng mục như mua sắm thực phẩm, cây chơi Tết hay chi phí dọn dẹp nhà cửa.

Không chỉ vậy, bạn cũng nên có một phần tiền nhỏ để biếu ông bà, cha mẹ. Số tiền này có thể không cần quá nhiều, nhưng nên có.

Ngoài ra, đừng bỏ quên chính mình. Hãy mua vài món quần áo mới để mặc Tết. Có thể tự thưởng cho mình món đồ bạn mong muốn từ lâu. Tự tặng quà cho chính mình là hợp lý. Hãy chú ý không tiêu hoang, nhưng vừa đủ và hợp lý.

 Nên có một phần tiền nhỏ để biếu ông bà, cha mẹ, không cần quá nhiều, nhưng nên có. Ảnh: Khoi Tran/Unsplash.

Nên có một phần tiền nhỏ để biếu ông bà, cha mẹ, không cần quá nhiều, nhưng nên có. Ảnh: Khoi Tran/Unsplash.

Chúc Tết sếp, đồng nghiệp

Có nên tặng quà Tết cho sếp, đồng nghiệp? Tặng quà đắt tiền hay vừa phải? Liệu mình có trở thành kẻ nịnh hót nếu tặng sếp món quà đắt tiền? Chỉ nên tặng quà đồng nghiệp thân thiết hay nên tặng cho cả nhóm?

Chắc chắn người mới đi làm nào cũng gặp những câu hỏi như vậy. Câu trả lời đơn giản nhất đó là hãy là chính bạn. Bạn muốn một món quà giá trị để cảm ơn người quản lý đã hướng dẫn, giúp đỡ mình, hãy làm như vậy. Bạn chỉ muốn thể hiện tình cảm với 1-2 người đồng nghiệp chơi thân, hãy cứ thoải mái.

Không dịp nào trong năm phù hợp để tặng quà hơn mùa lễ hội, đầu năm. Bạn có thể chọn một vài món quà mang tính biểu tượng, kỷ niệm, hoặc đơn giản là một món ăn địa phương có thể thưởng thức trong Tết. Nên cân nhắc một chút tới giá trị món quà để người nhận không có gánh nặng phải "đáp lễ".

Hoàn thành công việc cuối năm

Deadline dồn đống vào cuối năm, nhiều sự kiện, công việc hơn trong mùa lễ hội, càng gần Tết càng bận rộn, đó là hiện thực khi trở thành nhân viên văn phòng. Mới đi làm, bạn rất có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì chưa quen công việc.

Tuy vậy, hãy bình tĩnh, lên kế hoạch để hoàn thành từng đầu việc. Trong lúc này, có lẽ nên cân nhắc tới việc nhờ tới sự giúp đỡ của đồng nghiệp và quản lý. Giống như bạn, họ cũng đang "vắt chân lên cổ". Cố gắng ghi chép, lắng nghe kỹ những lời hướng dẫn, yêu cầu được giao để làm tốt nhất.

Dọn dẹp nhà cửa

Đã đi làm bận rộn, nhưng bạn vẫn là "nhân lực" chính trong gia đình khi cần dọn dẹp cuối năm. Cũng như công việc, hãy lên kế hoạch để dọn phòng khách, bếp, phòng ngủ theo thứ tự quan trọng.

Với những món đồ cần mua, hãy cùng cha mẹ lên danh sách để mua sắm dần. Có thể bạn sống tối giản, nhưng gia đình lại không. Người lớn luôn muốn chu toàn mọi thứ để có một cái Tết đủ đầy. Đừng biến những ngày cuối năm thành cuộc tranh cãi ai đúng - ai sai với cha mẹ.

Trong một vài trường hợp bất khả kháng, bạn có thể tìm tới các dịch vụ dọn dẹp chuyên nghiệp. Nhưng chú ý càng những ngày Tết, việc đặt dịch vụ này cũng rất đắt đỏ vì nhu cầu cao, nhân công không nhiều. Tương tự với cỗ bàn, một số món bạn có thể đặt làm, mua sẵn, miễn là bạn và gia đình có sự thống nhất từ trước.

 Người trẻ là "nhân lực" chính trong gia đình khi cần dọn dẹp cuối năm. Ảnh: HyggeLab Concept on Unsplash.

Người trẻ là "nhân lực" chính trong gia đình khi cần dọn dẹp cuối năm. Ảnh: HyggeLab Concept on Unsplash.

Hàng loạt câu hỏi khó

Không chỉ phải đối mặt với những câu hỏi dồn dập về tình trạng yêu đương, lương thưởng, kế hoạch tương lai, đôi khi, bạn còn phải chấp nhận mình sẽ được mai mối, gán ghép ngoài ý muốn.

Dù muốn hay không, chúng ta cũng nên hiểu người lớn, chú bác chỉ mong muốn kết nối với đứa cháu ít gặp mặt. Hoặc đôi khi, họ nghĩ đề tài này có thể giúp mâm tiệc thêm sôi nổi. Hãy cố gắng nghĩ theo hướng tích cực, rằng không ai có ác ý với bạn.

Cách dễ nhất lúc này là trả lời gọn ghẽ, đúng trọng tâm, hoặc hỏi ngược lại một thông tin bạn quan tâm hơn về sức khỏe, công việc, tình hình các thành viên trong gia đình họ.

Đỗ Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-moi-di-lam-ngai-tet-post1382970.html