Người từ chối tiêm chủng ở Áo sẽ bị phạt 4.000 USD

Những công dân Áo từ chối tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 sẽ bị phạt tới 4.000 USD khi yêu cầu bắt buộc tiêm chủng được kích hoạt từ tháng 2 năm sau.

Áo là quốc gia tây Âu đầu tiên bắt buộc người dân tiêm phòng COVID-19. Ảnh: Reuters

Áo là quốc gia tây Âu đầu tiên bắt buộc người dân tiêm phòng COVID-19. Ảnh: Reuters

Theo trang Bloomberg, hình phạt này là một phần của động thái cứng rắn do Chính phủ Áo áp đặt, nhằm thúc đẩy người dân đi tiêm phòng khi nước này đang phải vật lộn với sự gia tăng các ca COVID-19, buộc đất nước phải tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ hôm 22/11.

Theo kế hoạch, trước tiên, nhà chức trách sẽ đưa ra một cuộc hẹn cho những người chưa tiêm mũi vaccine nào đi tiêm chủng. Nếu từ chối lời đề nghị, họ sẽ phải nhận mức phạt lên tới 4.000 USD. Kế hoạch dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Trước đó, chính phủ cũng cho biết nếu không nộp phạt hành chính, những người từ chối tiêm chủng thậm chí có thể phải nhận án tù.

Áo đã trở thành quốc gia đầu tiên ở tây Âu bắt buộc người dân tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19. Là một trong những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng ở mức thấp nhất châu Âu, chỉ khoảng 66% dân số được tiêm đủ 2 mũi vaccine, Áo đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng dịch mới nhất.

Theo Bộ trưởng Hiến pháp Karoline Edtstadler, Áo cũng sẽ đưa ra mức phạt lên tới 1.700 USD đối với những người được đề nghị tiêm mũi vaccine tăng cường nhưng từ chối tiêm chủng. “Kế hoạch này không chỉ nhằm vào những người chưa tiêm mũi vaccine nào, mà còn nhằm mục đích hướng tới việc tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người dân”, bà Edtstadler nói.

Sau khi những hạn chế mới được áp đặt, đã có những cuộc biểu tình phản đối các biện pháp cứng rắn này. Cuối tuần trước, đã có khoảng 40.000 người tụ tập tại Vienna để biểu tình phản đối các hạn chế chống COVID-19 mới và kế hoạch bắt buộc tiêm vaccine của chính phủ.

Việc tiêm phòng bắt buộc không phải là điều chưa từng có tiền lệ ở Áo. Năm 1948, chính phủ nước này đã bắt buộc người dân phải tiêm phòng bệnh đậu mùa theo luật. Đến năm 1980, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa là căn bệnh đầu tiên bị đánh bại nhờ tiêm chủng.

Ngày 22/11, Áo bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc thứ 4 với việc tạm dừng các hoạt động công cộng, trở thành quốc gia tây Âu đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa trong mùa thu này do tình trạng gia tăng đáng báo động trở lại các ca nhiễm mới COVID-19. Chính phủ Áo cho biết đợt phong tỏa lần này tương tự như những lần trước, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi các chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh được triển khai rộng rãi.

Bộ trưởng Y tế Áo Wolfgang Mückstein khẳng định: “Không ai muốn áp đặt phong tỏa, vì đó là một công cụ không mong muốn, nhưng nó là công cụ hiệu quả nhất mà chúng tôi có sẵn hiện nay”.

Theo quy định mới, hầu hết các đia điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán cà phê, quầy bar, rạp hát, cửa hàng không thiết yếu và tiệm làm tóc phải đóng cửa trong 10 ngày đầu và có thể kéo dài lên đến 20 ngày. Các chợ Giáng sinh, nơi thu hút lượng lớn khách du lịch, phải đóng cửa ngay khi vừa mới mở vửa, trong khi khách sạn sẽ không đón tiếp những khách du lịch từ nơi khác tới. Tuy nhiên, dịch vụ thang máy lên núi trượt tuyết vẫn phục vụ cho những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ.

Người dân có thể ra khỏi nhà với một số lý do như đi làm hoặc mua những sản phẩm thiết yếu. Người dân cũng được phép đi bộ mà không hạn chế thời gian hoặc khu vực đi lại. Mỗi gia đình chỉ được phép đại diện một người khi tiếp xúc với người ngoài. Nơi làm việc và trường học vẫn mở cửa, nhưng chính phủ khuyến khích các phụ huynh nên cho trẻ em ở nhà.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-tu-choi-tiem-chung-o-ao-se-bi-phat-4000-usd-20211123155046883.htm