Người Việt đón Tết tại các nước

Dù không có được bầu không khí đón Tết nhộn nhịp như ở quê nhà nhưng người Việt ở Pháp đều dành thời gian, chuẩn bị cho gia đình bữa cơm tất niên, sắm mâm ngũ quả, bánh chưng... để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và gìn giữ văn hóa truyền thống Việt Nam.

Cùng nhau gửi lời chúc mừng năm mới đến gia đình và bạn bè ở trong nước.

Cùng nhau gửi lời chúc mừng năm mới đến gia đình và bạn bè ở trong nước.

Để tìm hiểu về không khí mua sắm chuẩn bị cho bữa cơm tất niên và đón năm mới của người Việt ở các tỉnh, thành phố của Pháp, từ Paris, chúng tôi vượt gần 400km đường cao tốc với hai bên là những "cánh đồng tuyết trắng xóa" đến siêu thị châu Á có tên Indochine nằm ngay khu đi bộ của trung tâm thành phố Nantes, phía Tây nước Pháp.

Tại siêu thị Indochine, chúng tôi gặp vợ chồng chị Nhung và anh Philberg Corbrejaud cùng những người bạn của vợ chồng anh chị như anh Sơn, chị Quỳnh, anh Quân, chị Hoài, chị Liên đã tới siêu thị châu Á này để mua sắm hàng Tết và mua thực phẩm để hôm nay tập trung tại nhà vợ chồng chị Nhung cùng nhau nấu nướng, tổ chức bữa tiệc tất niên.

Vợ chồng chị Nhung cùng các bạn đi sắm Tết.

Vợ chồng chị Nhung cùng các bạn đi sắm Tết.

Là tỉnh lẻ của Pháp nên siêu thị tại đây không có nhiều hàng hóa Tết phong phú như trên Paris, nhưng siêu thị Indochine cũng có đủ các mặt hàng thiết yếu đến từ Việt Nam, Lào, Thái-lan, Campuchia... để bà con mua sắm trong dịp Tết như: mứt, bánh tét, bưởi, chuối, thanh long, cam, xoài, dừa, gạo nếp...

Sau khi tính toán cần phải mua gì chuẩn bị cho bữa cơm tất niên, vợ chồng chị Nhung và anh Philberg Corbrejaud cùng những người bạn nhanh chóng sắm đầy một xe kéo như: bưởi, thanh long, bún khô... sau đó anh chị dẫn chúng tôi ra chợ hải sản để mua sò Saint-Jacques ngon nổi tiếng của địa phương. Sau đó anh Philberg Corbrejaud phụ giúp vợ kéo mua hàng về nhà để chuẩn bị bữa tất niên.

Trong căn hộ chung cư rất đẹp, gọn gàng, bài trí rất Việt Nam, ở ngay trung tâm thành phố Nantes, vợ chồng chị Nhung niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Các bạn của vợ chồng chị Nhung cũng đã có mặt đông đủ, tiếng cười tiếng nói rôm rả, người vào bếp nấu nướng, người sắp đồ, bày mâm ngũ quả... Riêng Philberg Corbrejaud giành phần đong gạo, vo gạo và cắm cơm. Sau đó anh trổ tài chế biến món sò Saint-Jacques nổi tiếng tại đây với mỡ hành ta theo cách kết hợp Pháp - Việt vô cùng hấp dẫn.

Anh Philberg Corbrejaud rất giỏi nấu các món ăn Việt.

Anh Philberg Corbrejaud rất giỏi nấu các món ăn Việt.

Trong câu chuyện, hai vợ chồng chị Nhung xưng hô gọi nhau bằng tiếng Việt "chồng ơi" và ông Tây giọng ồm ồm gọi "vợ ơi" nghe rất vui tai. Chị Nhung còn khoe với chúng tôi rằng anh Philberg Corbrejaud nấu cơm còn ngon hơn tôi.

Philberg Corbrejaud nói rằng anh rất thích các món ăn Việt Nam, như nem, phở, canh măng, bánh chưng... Công việc trong bếp hòm hòm, anh liên tục hỏi chúng tôi thích uống gì, sau đó anh còn mang gói chè Thái Nguyên ra khoe rằng, anh rất thích uống trà này.

Chị Nhung quê ở Việt Trì (Phú Thọ), hiện là Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Hội Hữu nghị Việt Nam Loire-Atlantique và cũng là Phó Chủ tịch Hội sinh viên tại thành phố Nantes. Chị Nhung sang Pháp học sau đó đã quyết định lập gia đình với anh Philberg Corbrejaud "theo tiếng gọi tình yêu" được hơn một năm nay, tuy nhiên trước đó, hai người đã quen biết, hẹn hò và tìm hiểu được gần 5 năm.

Chị Nhung chuẩn bị mâm ngũ quả.

Chị Nhung chuẩn bị mâm ngũ quả.

Chị Nhung kể rằng, hôm qua vừa tổ chức thành công chương trình biểu diễn nghệ thuật “Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên” nằm trong chương trình "Trái tim Việt Nam" do Hội Hữu nghị Việt Nam Loire-Atlantique và Hội sinh viên Việt Nam tại TP Nantes phối hợp tổ chức từ ngày 31-1 đến 18-2nhằm giới thiệu về đất nước, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam với bạn bè Pháp. Những điệu múa, những bài hát truyền thống của Việt Nam do 30 "nghệ sĩ không chuyên" của nhóm múa FrançAsie và nhóm võ thuật Việt võ đạo do chị làm tổng đạo diễn được khán giả khen ngợi hết lời.

Đến nay anh chị đã có công ty riêng hoạt động trong các lĩnh vực hợp tác Pháp-Việt, hợp tác giữa các trường Pháp và Việt Nam, tuyển dụng, thực tập, hội thảo.... nhóm múa FrancAsie cũng do chị thành lập.

Chẳng mấy chốc, bữa cơm tất niên thịnh soạn đã xong với đầy đủ các món như bánh chưng, nem, giò, nộm tai lợn, canh dưa chua,... vô cùng hấp dẫn. Vợ chồng chị Nhung mời chúng tôi vào bàn để cùng nhau thưởng thức bữa cơm tất niên vui vẻ, ấm cúng, nhưng cũng đều có chung tâm trạng là bồi hồi nhớ quê hương, nhớ gia đình và bạn bè.

Bên mâm cơm tất niên vui vẻ và ấm cúng.

Bên mâm cơm tất niên vui vẻ và ấm cúng.

Bên mâm cơm tất niên, mọi người còn chia sẻ những vui buồn, những thành thành công và những khó khăn trong năm qua và mong muốn năm mới 2018 sẽ cùng nhau phấn đấu để đạt được tốt quả tốt hơn và luôn gìn giữ văn hóa truyền thống, hướng về quê hương đất nước.

Tết đầm ấm ở LB Nga

Tối 14-2, hòa chung trong không khí mừng xuân của cả nước, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã tổ chức đón Tết cổ truyền Mậu Tuất 2018. Tham dự lễ đón xuân tại Đại sứ quán có đông đảo bà con kiều bào, du học sinh, các cán bộ nhân viên Đại sứ quán và gia đình cùng các cán bộ thuộc bộ phận bên cạnh Đại sứ quán.

Trong không khí đầm ấm của buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp bà con kiều bào tới dự lễ đón xuân tại Đại sứ quán. Đại sứ nhấn mạnh trong thời gian qua, cộng đồng kiều bào tại LB Nga đã có sự phát triển hết sức đáng khích lệ, đoàn kết và luôn hướng về đất nước.

Đại sứ cho biết, dù mới sang nước Nga nhận nhiệm vụ nhưng Đại sứ luôn cảm nhận được tình cảm ấm áp của tất cả mọi người. Thay mặt tất cả cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Đại sứ Ngô Đức Mạnh gửi tới tất cả bà con lời chúc sức khỏe, chúc bà con một năm mới đạt nhiều thành công.

Có mặt tại buổi tiệc, bà con kiều bào và các em du học sinh rất phấn khởi vì dù xa quê hương nhưng vẫn được đón một cái Tết trong khung cảnh đầm ấm, vui tươi, tràn đầy tình cảm quê hương.

Em Võ Đại Hoàng Phúc, sinh viên dự bị trường Đại học Giao thông Đường bộ Moskva.

Em Võ Đại Hoàng Phúc, sinh viên dự bị trường Đại học Giao thông Đường bộ Moskva.

Em Nguyễn Như Quỳnh, sinh viên tại Viện tiếng Nga mang tên Pushkincho biết đây là lần đầu tiên em ăn Tết xa nhà nhưng em rất vui khi được đến đón Tết ở Đại sứ quán cùng bà con kiều bào, bạn bè. Cũng là lần đầu tiên ăn Tết xa nhà giống Quỳnh, bạn Võ Đại Hoàng Phúc, sinh viên dự bị trường Đại học Giao thông Đường bộ Moskva, chia sẻ, mặc dù ngày Tết rất nhớ nhà, nhưng nhờ tình cảm ấm áp của cộng đồng người Việt ở Moscow cũng phần nào giúp em được hưởng không khí đón Tết giống ở quê nhà.

Còn cô Lê Thị Phượng, sinh sống ở Nga 26 năm nay nhưng hôm nay mới là lần đầu tiên tới đón Tết ở Đại sứ quán. Đã sống xa quê hương lâu năm, nên mỗi dịp xuân về cô lại nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ Việt Nam da diết. Bởi vậy, cô rất vui khi được mời tới Đại sứ quán cùng đón xuân với tất cả mọi người, được gặp gỡ bà con, cùng hưởng không khí xuân ấm áp, đậm đà hương vị quê hương.

Chương trình đón Tết Cổ truyền còn trở nên sống động hơn với các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các du học sinh từ các trường đại học ở Nga biểu diễn. Kết thúc buổi lễ, tất cả mọi người cùng nâng ly chúc mừng một năm mới an khang, thịnh vượng và cùng thưởng thức những món ăn dân tộc đậm đà hương vị Tết.

Các món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam.

Các món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam.

Tiết mục văn nghệ của các bạn sinh viên Việt Nam tại Nga.

Tiết mục văn nghệ của các bạn sinh viên Việt Nam tại Nga.

Không khí đón Tết Việt tại Australia

Cộng đồng người Việt Nam tại Australia đang rộn ràng đón Xuân mới Mậu Tuất với nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức trên khắp các tiểu bang. Dù là người mới xa quê hương Tết lần đầu tiên hay những người đã nhiều năm đón giao thừa tại xứ sở kangaroo, bà con luôn hướng về quê hương, đất nước với nhiều tình cảm và kỷ niệm sâu nặng.

Góc Việt Nam trong ngày Tết Cộng đồng tại thủ đô Canberra.

Góc Việt Nam trong ngày Tết Cộng đồng tại thủ đô Canberra.

Đã thành thông lệ, hằng năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tổ chức Tết Cộng đồng vào những ngày cuối năm âm lịch để bà con có dịp sum họp trong không khí đầm ấm, cùng nhìn lại một năm đã qua và hướng tới năm mới với nhiều hy vọng, thành công. Năm nay, Tết Cộng đồng được tổ chức trang trọng tại Triển lãm Mỹ thuật Quốc gia Australia với chủ đề “Hương sắc mùa xuân - Ấm tình quê hương”. Bà con hết sức phấn khởi khi nghe Đại sứ Ngô Hướng Nam điểm lại những thành tựu của đất nước trong năm vừa qua và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 45 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia trong thời gian sắp tới.

Giáo sư Carl Thayer (trái), một người rất yêu mến Việt Nam, thích thú và ấn tượng với chương trình đón Xuân Mậu Tuất của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia.

Giáo sư Carl Thayer (trái), một người rất yêu mến Việt Nam, thích thú và ấn tượng với chương trình đón Xuân Mậu Tuất của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia.

Bà con và bạn bè quốc tế hết sức yêu thích và ấn tượng với Góc Việt Nam được trang trí hình ảnh lũy tre làng, những nhạc cụ dân tộc, hoa mai, hoa đào khoe sắc bên mâm ngũ quả ngày Tết. Sự có mặt của nghệ nhân Tò he Lê Xuân Tùng từ Việt Nam sang thu hút sự chú ý đặc biệt của những người tham dự buổi họp mặt. Trong không khí sum họp đầm ấm và hạnh phúc, bà con đã cùng thưởng thức những món ăn truyền thống Việt Nam và tham gia trò chơi múa sạp.

Góc của nghệ nhân tò he Lê Xuân Tùng thu hút nhiều sự quan tâm, đặc biệt là các vị khách nhí.

Góc của nghệ nhân tò he Lê Xuân Tùng thu hút nhiều sự quan tâm, đặc biệt là các vị khách nhí.

Có mặt tại buổi họp mặt của Đại sứ quán, ông Nguyễn Điền bồi hồi kể lại lần đầu ông trở về quê hương ăn Tết vào mùa xuân năm 1976, đó là một cái Tết vô cùng vui và ý nghĩa với ông khi đất nước đã được hòa bình, thống nhất. Ông nhớ hương vị và không khí Tết náo nức ở Hà Nội trong tiết trời giá rét nhưng luôn ấm áp tình thân bên gia đình và bạn bè. “Tết có một ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt Nam dù mình xa đất nước bao nhiêu năm, là dịp để tưởng nhớ tổ tiên”, ông Điền nói. Tuy xa quê hương mấy chục năm qua, ông vẫn giữ gìn tục thờ cúng tổ tiên và mỗi lần Tết đến Xuân về, trên ban thờ nhà ông bao giờ cũng đầy đủ mâm ngũ quả và bánh chưng.

Múa sạp trong ngày Tết Cộng đồng.

Múa sạp trong ngày Tết Cộng đồng.

Tại Sydney, những sản phẩm phục vụ Tết như bánh mứt kẹo các loại, cây cảnh, hoa mai, hoa cúc, … được bày bán rất nhiều tại các khu chợ nổi tiếng của người Việt như Bankstown, Cabramatta những ngày cuối tháng Chạp. Các gia đình Việt Nam ăn Tết xa quê hương cũng tổ chức nhiều chương trình họp mặt, gói bánh chưng, bánh tét để giáo dục truyền thống cho các con em của mình.

Nhiều gia đình trẻ tại Sydney tổ chức gói bánh chưng để giúp các con luôn nhớ ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Nhiều gia đình trẻ tại Sydney tổ chức gói bánh chưng để giúp các con luôn nhớ ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Trong suốt hai tháng đầu năm 2018, nhiều lễ hội được tổ chức tại Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia, với các chương trình biểu diễn nghệ thuật tôn vinh văn hóa Việt, các gian hàng ẩm thực và nhiều hoạt động lễ hội truyền thống như múa lân, đốt pháo,...

Chị Trân, một Việt kiều tại Melbourne cho biết, tuy xa quê hương nhưng gia đình chị vẫn tất bật những ngày giáp Tết vì vừa phải đi làm, vừa chuẩn bị các đồ ăn, bánh, mứt truyền thống. Đêm giao thừa (theo giờ Australia), gia đình chị vẫn giữ nếp cúng giao thừa rồi đi lễ chùa. Những ngày đầu năm mới, bà con, bạn bè của chị vẫn tới chúc Tết nhau và có những bữa cơm sum họp rất vui và đầm ấm.

Một nhóm các gia đình tại Adelaide cùng quây quầy bên nồi bánh chưng đón Tết.

Một nhóm các gia đình tại Adelaide cùng quây quầy bên nồi bánh chưng đón Tết.

Đêm giao thừa đón xuân Mậu Tuất sẽ rất đặc biệt đối với các gia đình trẻ tại Adelaide, thủ phủ của bang Nam Australia, vì hơn 100 gia đình đã đăng ký họp mặt theo sáng kiến của Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Flinders.

Việt kiều Campuchia tổ chức đón giao thừa

Hòa trong không khí phấn khởi chào đón năm mới của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới, tối 30 Tết, Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ để bà con Việt kiều gặp mặt cùng chung vui đón giao thừa tại trụ sở Tổng hội ở thủ đô Phnom Penh.

Đúng hẹn, nhiều bà con có mặt từ 9 giờ tối, cùng sửa soạn và ăn bữa cơm tất niên với những món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, dưa góp...

Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam Châu Văn Chi cho biết, Tổng Hội tổ chức đón giao thừa để bà con ở xa quê cha đất Tổ cùng nhau sống trong không khí đầm ấm, vui tươi, đoàn kết trước thời khắc thiêng liêng bước sang năm mới, cũng là để bà con vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.

Bà con Việt kiều Campuchia thắp hương cúng giao thừa.

Bà con Việt kiều Campuchia thắp hương cúng giao thừa.

Trong khung cảnh ấm cúng của buổi gặp mặt cuối năm, Việt kiều Nguyễn Kim Phú bày tỏ: “Đã hơn 30 năm nay, tôi không được về quê đón giao thừa, tôi cảm thấy rất nhớ những ngày Tết tại quê nhà, đêm nay được tới đây chung vui, gặp mặt những người thân quen, cùng thưởng thức các món ăn truyền thống ngày Tết, tôi rất vui và cảm động”.

Thời khắc giao thừa đã tới, bà con thắp hương tại bàn thờ bày mâm ngũ quả và đặt di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cầu mong sang năm mới được an khang, thịnh vượng, đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.

Kiều bào Lào đón Tết Mậu Tuất 2018

Hàng chục nghìn Kiều bào sinh sống tại Lào đang trong không khí Xuân Mậu Tuất 2018 đầm ấm và hướng về quê hương đất nước. Việt Nam và Lào đón giao thừa cùng một thời điểm, vì vậy nhiều Kiều bào tại Lào vừa xem bắn pháo hoa tại Việt Nam qua ti-vi, vừa trực tiếp xem bắn pháo hoa tại Vientiane. Phóng viên Báo Nhân Dân tại Lào đã ghi lại những hình ảnh Kiều bào tại Lào đón Tết Mậu Tuất 2018.

Đêm 30 Tết, Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Lào tổ chức đón Xuân. Các tiết mục văn nghệ ca ngợi tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, mừng Tết Việt Nam do các ca sĩ Lào đóng góp biểu diễn đã làm đêm giao thừa tại Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Lào thêm ấm cúng. Tham dự đêm giao thừa còn có Thượng tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath, các đồng chí Thứ trưởng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Lào và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào.

Ông Đào Minh Châu, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Thủ đô Vientiane cho biết, càng gần giao thừa, ông càng cảm thấy nhớ Việt Nam. Đã ăn hàng chục cái Tết tại Lào, nhưng đêm giao thừa năm nay, ông rất vui vì được cùng đón Tết với rất nhiều các bạn Lào.

Thủ đô Vientiane ngày 30 Tết, nhiều Kiều bào mua sắm bánh mứt kẹo, bánh chưng tại dãy hàng trước cửa chùa Phật tích. Các mặt hàng phục vụ Tết một phần được mang từ Việt Nam sang bán nhưng đa số là do chính bà con Kiều bào sinh sống tại đây tự làm và phục vụ cộng đồng.

Thủ đô Vientiane ngày 30 Tết, nhiều Kiều bào mua sắm bánh mứt kẹo, bánh chưng tại dãy hàng trước cửa chùa Phật tích. Các mặt hàng phục vụ Tết một phần được mang từ Việt Nam sang bán nhưng đa số là do chính bà con Kiều bào sinh sống tại đây tự làm và phục vụ cộng đồng.

Trong những ngày gần Tết, cứ đi qua nhà nào đang rửa lá dong là biết đó là người Việt Nam. Phần lớn Kiều bào tại Lào gói bánh chưng theo từng nhóm cho tiết kiệm thời gian và với mong muốn giữ lại phong tục gói bánh chưng. Lá dong có rất nhiều ở Lào, dịp Tết được người dân bán rất nhiều dọc các tuyến chợ có người Việt Nam làm ăn kinh doanh.

Trong những ngày gần Tết, cứ đi qua nhà nào đang rửa lá dong là biết đó là người Việt Nam. Phần lớn Kiều bào tại Lào gói bánh chưng theo từng nhóm cho tiết kiệm thời gian và với mong muốn giữ lại phong tục gói bánh chưng. Lá dong có rất nhiều ở Lào, dịp Tết được người dân bán rất nhiều dọc các tuyến chợ có người Việt Nam làm ăn kinh doanh.

Ngày gói bánh chưng tại nhà chị Vũ Hoa Thắm đông như có hội. Nhiều bạn Lào không biết gói thì đến giúp các công việc khác như lau lá dong, đong đỗ, đong gạo và sắp xếp bánh chưng để nấu. Năm nay nhà chị Thắm gói được hơn 200 cái bánh chưng, phần để ăn ở nhà nhưng phần lớn làm quà Tết tặng các bạn Lào và Việt Nam.

Ngày gói bánh chưng tại nhà chị Vũ Hoa Thắm đông như có hội. Nhiều bạn Lào không biết gói thì đến giúp các công việc khác như lau lá dong, đong đỗ, đong gạo và sắp xếp bánh chưng để nấu. Năm nay nhà chị Thắm gói được hơn 200 cái bánh chưng, phần để ăn ở nhà nhưng phần lớn làm quà Tết tặng các bạn Lào và Việt Nam.

Gói bánh chưng ngày Tết cũng là dịp có thu nhập cao. Mặc dù hằng ngày có cửa hàng ăn mặt đường, tuy nhiên chị Thu Phương nhà ở 433/05, phố Sisangvone quyết định dành 10 ngày gói và nấu bánh chưng để phục vụ nhu cầu bà con Kiều bào. Chị còn thuê thêm người để rửa và nấu bánh để đáp ứng những đơn đặt hàng ngày càng tăng dịp cận Tết.

Gói bánh chưng ngày Tết cũng là dịp có thu nhập cao. Mặc dù hằng ngày có cửa hàng ăn mặt đường, tuy nhiên chị Thu Phương nhà ở 433/05, phố Sisangvone quyết định dành 10 ngày gói và nấu bánh chưng để phục vụ nhu cầu bà con Kiều bào. Chị còn thuê thêm người để rửa và nấu bánh để đáp ứng những đơn đặt hàng ngày càng tăng dịp cận Tết.

Sau giao thừa, chị Thu Phương, nhà ở 433/05, phố Sisangvone vẫn bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng để kịp giao cho khách vào sáng mùng 1 Tết. Hơn 2.000 cái bánh chưng vẫn không đáp ứng được các đơn đặt hàng của khách. Chị Phương cho biết, mặc dù muốn dừng không nấu nhưng vẫn quyết định gói mẻ bánh chưng cuối cùng để chiều lòng khách do nhiều người Lào cũng muốn ăn bánh chưng dịp Tết này.

Sau giao thừa, chị Thu Phương, nhà ở 433/05, phố Sisangvone vẫn bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng để kịp giao cho khách vào sáng mùng 1 Tết. Hơn 2.000 cái bánh chưng vẫn không đáp ứng được các đơn đặt hàng của khách. Chị Phương cho biết, mặc dù muốn dừng không nấu nhưng vẫn quyết định gói mẻ bánh chưng cuối cùng để chiều lòng khách do nhiều người Lào cũng muốn ăn bánh chưng dịp Tết này.

ĐÌNH TUẤN; NAM ĐÔNG – QUẾ ANH; HẰNG TRẦN; TRƯỜNG SƠN - SƠN XINH - XUÂN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35581802-nguoi-viet-don-tet-tai-cac-nuoc.html