Người Việt dùng hàng Việt: Tạo chỗ đứng cho hàng Việt trên thị trường
Với sự chung tay của các cơ quan quản lí, doanh nghiệp và người dân, chương trình 'Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt', đã được triển khai rộng khắp, từ đó hàng Việt đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong người tiêu dùng Việt Nam.
Xây dựng vị trí mới trong lòng người dân
Năm 2020, nền kinh tế phải chịu tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên quy mô toàn cầu. Tuy cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã giáng những đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới, song đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế. Thị trường trong nước phải vươn lên trở thành trụ đỡ quan trọng trong bối cảnh các hoạt động giao thương kinh tế quốc tế bị gián đoạn.
Hàng Việt Nam đã từng bước xây dựng được vị trí mới vững chắc trong lòng người dân. Nếu như trước đây, từ khởi đầu kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên và ủng hộ hàng Việt thì đến nay nhiều thương hiệu của Việt Nam đã trở thành mặt hàng tiêu dùng được lựa chọn hàng đầu trong tâm trí người tiêu dùng khi mua sắm.
Cùng với đó, với những hoạt động tích cực trong việc giới thiệu quảng bá đã đẩy mạnh được đưa thông tin tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ vậy, đã tạo ra không khí hết sức tích cực, giúp người tiêu dùng ưu tiên tìm kiếm, mua sắm hàng hóa Việt.
Cuộc vận động đã tạo nên làn sóng dùng hàng nội, thay đổi xu hướng lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng, người dân đã ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng theo hướng ưu tiên hàng nội địa.
Bà Nguyễn Thúy Ngọc (quận Cầu Giấy) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi hay mua hoa quả nhập khẩu với giá cả hết sức đắt đỏ. Nhưng sau khi được tiếp cận với những trái cây Việt Nam đạt tiêu chuẩn VietGAP thì tôi nhận thấy rằng hàng Việt rất tốt, không kém cạnh so với hàng nhập khẩu mà giá cả lại phải chăng. Không chỉ tin dùng hoa quả Việt Nam mà gia đình tôi còn tin dùng nhiều mặt hàng ‘Made in Việt Nam’ khác như sữa, đồ gia dụng, thực phẩm,…”
Sức ảnh hưởng tích cực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản xuất trong nước. Từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, lòng tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.
Kết nối người tiêu dùng với hàng Việt
Ông Phùng Khánh Tài – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nhận định: “Những chương trình cụ thể và ý nghĩa như chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên ‘Tự hào hàng Việt Nam’ thực sự truyền cảm hứng cổ vũ và kết nối hàng chục triệu người Việt đến với hàng Việt”.
Đến nay không chỉ các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại của Việt Nam phát triển mạnh mẽ bên cạnh các hệ thống đến từ nước ngoài mà hàng Việt còn thể hiện vị trí áp đảo trong các quầy kệ của các siêu thị trong và ngoài nước. “ Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao, từ 80% - 95%, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiến tỷ lệ từ 60% trở lên. Tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước” – ông Phùng Khánh Tài thông tin thêm.
Các hoạt động trong việc triển khai Cuộc vận động đã đi đến từng thôn, bản, các vùng miền núi, biên cương hải đảo xa xôi thông qua các phiên chợ hàng Việt đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Những hoạt động đó đã góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và đảm bảo bình ổn giá đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân…Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút người dân trên địa bàn đến tham quan mua sắm mà còn thu hút người tiêu dùng các nước Lào, Campuchia...
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa. Từ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài ra, các chương trình tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; quảng bá, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng đã được tổ chức thường xuyên, liên tục qua đó tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người dân.