Người xưa chống tham nhũng

Thời phong kiến, cha ông ta từng có nhiều bài học kinh nghiệm quý trong phòng chống tham nhũng.

Tranh dân gian "Đám cưới chuột" truyền tải thông điệp về nạn tham nhũng của con người

Tranh dân gian "Đám cưới chuột" truyền tải thông điệp về nạn tham nhũng của con người

Kiên quyết xử tội

Thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng (1791-1841) nổi tiếng bởi thái độ nghiêm khắc với hành vi tham nhũng của quan lại. Huỳnh Công Lý (chưa rõ năm sinh, mất năm 1821) là một võ quan cao cấp, lập được nhiều công trạng, từng làm đến chức Phó Tổng trấn Gia Định. Ông có con làm phi tần của vua Minh Mạng (Huệ phi). Tuy nhiên, do tham nhũng quá nhiều nên bị cáo giác. Sau khi nghe luận tội của đình thần, vua gạt tình riêng, đồng ý cho xử tội chết. Số tài sản tham nhũng được trả lại cho binh lính và dân thường bị tước đoạt. Huệ phi bị phế truất làm dân thường.

Sách "Đại Nam thực lục" có ghi lại vụ xử tham nhũng với tên Lý Hữu Diệm, là viên lại Phủ Nội vụ. Lý Hữu Diệm bị phát hiện lấy trộm hơn 1 lạng vàng. Lẽ ra tội này phải bị chém đầu song Bộ Hình đề nghị đi đày ở nơi xa vì xét thấy Lý Hữu Diệm cũng lập được một số công trạng. Tuy nhiên, vua Minh Mạng yêu cầu chém đầu trước chợ Đông Ba để cảnh tỉnh mọi người.

Một vị vua khác thời Nguyễn là Tự Đức (1829-1883) cũng thẳng tay trừng trị tội tham nhũng. Năm 1854, triều đình nhận được đơn tố giác nhiều quan lại ăn hối lộ của thuyền buôn nước ngoài. Vua sai đoàn thanh tra, phát hiện việc có thật. Theo luật định, 17 người bị xử giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị lưu đày, 12 người làm lao dịch và 8 người bị cách chức, phạt đánh gậy.

Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị vua anh minh, tài giỏi thời hậu Lê. Sử chép rằng có kẻ tham nhũng, bị buộc tội chết song một số người đứng ra xin với vua được nộp tiền chuộc để miễn chết. Vua Lê Thánh Tông phán rằng: "Xin cho người mắc tội được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội lỗi, thế là làm trái cả phép tắc của tổ tông". Sau đó, vua lệnh cho xét xử, trị tội theo quy định.

Chống lợi ích nhóm

Không chỉ xử nghiêm các vụ án tham nhũng để làm gương mà các triều đại phong kiến nước ta còn coi trọng công tác phòng ngừa tham nhũng.

Nhiều triều đại áp dụng các quy định nghiêm khắc để trừng phạt những người ăn hối lộ, nhũng nhiễu. Thời Lý, khi thu thuế có quy định ngoài 10phần đóng vào kho nhà nước thì được thu riêng 1 phần gọi là "hoành đầu". Ai thu quá số này sẽ bị quy vào tội ăn trộm. Thời hậu Lê, trong Bộ luật Hồng Đức có gần 30 điều khoản quy định chế tài với hành vi tham nhũng, những quan tham nhũng có thể bị cách chức, bắt làm các công việc khó nhọc, bị đày đi xa, tử hình. Quốc triều Hình luật của thời hậu Lê còn quy định về xử lý tài sản tham nhũng theo nguyên tắc người tham nhũng phải bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng và sung công nếu là của công. Còn Bộ luật Gia Long (thời nhà Nguyễn) có 17 quyển quy định riêng về luật hình với tội nhận hối lộ.

Một số triều đại đặt ra quy định viên quan đứng đầu ở một địa hạt không được nhậm chức ở quê hương mình, không được phép có đất đai ở địa hạt mình cai quản, không được có cấp phó là đồng hương.

Nhắc đến phòng ngừa tham nhũng thời phong kiến phải nói tới Luật Hồi tỵ (luật về sự tránh né) ở triều Nguyễn. Luật này nhằm mục đích ngăn chặn sự hình thành các nhóm lợi ích có quan hệ gần gũi với nhau (như trong gia đình, đồng hương, đồng tộc...) dễ tạo điều kiện để phát sinh hành vi tham nhũng.

Trong tuyển chọn, đề bạt quan lại, một số triều đại rất coi trọng tiêu chuẩn "thanh liêm", bên cạnh tiêu chuẩn về năng lực.

Thời Nguyễn, triều đình từng dành riêng một khoản tiền gọi là tiền dưỡng liêm để khuyến khích, nuôi dưỡng tính liêm khiết của quan lại.

Công tác giám sát, kiểm soát để phòng ngừa tham nhũng cũng được nhà nước phong kiến quan tâm. Trong tổ chức bộ máy có bộ phận giám sát, phát hiện, xử lý hành vi tiêu cực của quan lại, trong đó có tham nhũng.

Nhiều kinh nghiệm trong phòng chống tham nhũng của ông cha đã được Đảng, Nhà nước ta tham khảo, áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế. Một số quy định khác dù chưa phù hợp với thực tế hiện nay hoặc đã lạc hậu cũng đáng để mỗi người suy ngẫm.

MINH ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/nguoi-xua-chong-tham-nhung-158765