Trong lịch sử, từ phương Đông sang phương Tây, số 9 đã được nhiều nền văn hóa coi là một con số đặc biệt, biểu tượng cho những sức mạnh huyền bí, siêu nhiên.
Ở nền văn minh Ai Cập cổ đại, có Bộ chín vĩ đại của Heliopolis gồm 9 vị thần cao nhất trong hệ thống thần linh Ai Cập, bao gồm các thần Ra, Geb, Nut, Shu, Tefnut, Osiris, Isis, Seth và Nephythys.
Theo thần thoại của người Hy Lạp, sông Styx là một dòng sông tạo nên ranh giới giữa trần gian và âm phủ - thế giới thuộc quyền cai trị của thần Hades. Con sông này bao quanh âm phủ 9 vòng.
Trong đạo Thiên chúa, số 9 tương trưng cho hoa trái của Đức Chúa trời, sự trung tín, nhạy cảm, tốt lành, niềm vui, sự tử tế, khổ đau, tình yêu, hòa bình và tự chủ. Đồng thời, đây cũng là số tầng của địa ngục.
Số 9 được tôn kính trong Ấn Độ giáo và được coi là một con số thần thánh vì nó tượng trưng cho sự kết thúc của một chu kỳ trong hệ thập phân.
Người Trung Hoa cổ coi số 9 như một biểu trưng của quyền uy và sức mạnh, tượng trưng cho sự yên ổn, thái bình đến muôn đời, là con số mang tính vĩnh cửu.
Con số này còn xuất hiện trong nhiều thần thoại Trung Quốc, như “Long sinh cửu tử” (chín người con của rồng) hay “Cửu vĩ hồ ly như” (Cáo chín đuôi). Nơi cư trú của người đã khuất được gọi là “chín suối”. Có “chín tầng trời” trong tam giới…
Ở Việt Nam, số 9 là một biểu tượng của các triều đại phong kiến. Ở Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ bộ Cửu Đỉnh (Chín chiếc đỉnh đồng) và Cửu vị thần công (Chín khẩu thần công), là những bảo vật truyền đời của triều Nguyễn...
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
T.B (tổng hợp)