Nguồn cung hàng hóa đầy đủ, người tiêu dùng yên tâm mua sắm

Nguồn cung từ các đầu mối lớn bị gián đoạn, giá cả nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống đang tăng mạnh

Chợ truyền thống: Giá tăng cao đột biến

Theo khảo sát, giá các mặt hàng đặc biệt là rau củ quả ở các chợ truyền thống trên địa bàn đều tăng rất cao so với tuần trước. Cụ thể, tại chợ Thủ Dầu Một, dưa leo, cải xanh, cải ngọt, bí xanh, bí đỏ, khổ qua, cà chua Đà Lạt giá dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg; trứng gà công nghiệp, trứng vịt ở mức 40.000 - 50.000 đồng/chục, tùy loại, tăng lên khoảng 21.000 - 26.000 đồng/chục. Tại chợ Bình Điềm, phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), một số tiểu thương bán giá tăng mạnh hơn. Cụ thể, xà lách búp 50.000 - 60.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg; bông cải trắng 50.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng/ kg; rau thơm hỗn hợp 60.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/ kg… Nhiều loại rau củ quả khác ghi nhận mức tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Theo nhiều tiểu thương tại chợ hàng bông Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), nguyên nhân khiến giá rau củ quả tăng mạnh là do ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội ở một số tỉnh, thành khác để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, từ ngày 6-7 chợ đầu mối Bình Điền (TP.Hồ Chí Minh) đóng cửa hoàn toàn. Do đó, việc vận chuyển và cung ứng hàng hóa của thương lái gặp nhiều khó khăn hơn, trong khi mặt hàng rau xanh đòi hỏi phải cung cấp hàng ngày, khiến giá cả bị đội lên cao. Chị Châu, một tiểu thương tại chợ Bình Điềm, cho biết: “Mấy hôm nay hàng về không nhiều, đầu mối họ tăng giá thì tôi cũng phải tăng theo, không phải muốn bán quá giá”.

Chị Oanh, tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một dự báo thực tế trên dẫn đến tình trạng giá tăng chóng mặt nhưng lượng hàng về vẫn không đủ bán cho khách. Nếu tiếp tục đóng cửa các chợ đầu mối lớn ở các tỉnh, thành khác, nguồn cung bị hạn chế, giá sẽ tiếp tục tăng thêm nữa trong những ngày tới. Không chỉ có rau củ quả, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, bò, gà, thủy hải sản cũng tăng vọt. Cụ thể, ba rọi rút sườn, sườn non giá 220.000 - 230.000 đồng/ kg, tăng 20.000 đồng/kg; gà tam hoàng làm sẵn nguyên con giá 78.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; phi lê bò 290.000 - 350.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá thủy hải sản tăng rất mạnh. Tại chợ Thủ Dầu Một, giá cá diêu hồng lên mức 80.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng; cá lăng 150.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; tôm sống loại 50 con/kg giá lên 220.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg… Nhiều người đến chợ phản ánh rằng họ cảm thấy “sốc” vì giá nhiều mặt hàng nhất là rau xanh tăng quá cao.

Siêu thị: Cam kết đủ nguồn cung, giá ổn định

Trái ngược với tình trạng giá tăng cao tại chợ truyền thống, giá thực phẩm, rau củ quả tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh rất ổn định, thấp hơn ở chợ truyền thống, bảo đảm nguồn cung dồi dào. Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương II, cho biết dự đoán được tình hình thị trường, siêu thị đã tăng lượng dự trữ nhằm bảo đảm sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn. Mặt khác, bên cạnh bán hàng trực tiếp, siêu thị còn tăng cường bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các app công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood để đồng loạt giao hàng cho khách. Siêu thị còn bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân. “Tất cả mặt hàng đều được tăng trữ lượng rất nhiều, không bao giờ thiếu hụt và siêu thị hoạt động xuyên suốt. Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa nếu có giãn cách”, bà Khanh khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Siêu thị Big C, Lotte Mart cho biết các nhu cầu mua sắm tại siêu thị cũng tăng rất cao trong 2 ngày trở lại đây, trong đó tăng cao nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô. Ông Phạm Phú Hiển, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Bình Dương, cho biết đơn vị đã tăng dự trữ và cung ứng kịp thời đối với các sản phẩm thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng. Đối với các sản phẩm thực phẩm tươi sống (rau củ quả, thịt cá) dự trữ tăng 5 lần, đặc biệt, bổ sung tăng gấp 7 lần đối với nhóm thực phẩm đông lạnh. Tương tự, ông Thái Thành Nhân, Trưởng ngành hàng thực phẩm tươi sống Siêu thị Big C Bình Dương, cho biết do diễn biến dịch bệnh, các hoạt động giao thông - vận tải, vận chuyển hàng hóa phần nào ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng của nhà cung cấp. Tuy nhiên, Big C cũng tăng cường nhiều chương trình phục vụ người dân. Trong đó, Big C đã tăng mạnh nguồn cung thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Về phương thức bán hàng, ngoài việc mở cửa siêu thị cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, GO Big C còn tăng cường kênh bán hàng online, tăng thời gian, tăng nhân lực phục vụ khách hàng.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục Quản lý thị trường đã triển khai đến các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ... Đồng thời, ngành kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý, không niêm yết công khai giá bán hoặc bán cao hơn giá niêm yết.

THANH HỒNG

Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/nguon-cung-hang-hoa-day-du-nguoi-tieu-dung-yen-tam-mua-sam-a250979.html