Nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã vận động được nhiều khoản viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với một địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt thì đây là nguồn lực đầu tư quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng.

 Cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người nghèo được các tổ chức phi chính phủ nước ngoài quan tâm hỗ trợ thực hiện tại Quảng Trị. Ảnh: HN

Cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người nghèo được các tổ chức phi chính phủ nước ngoài quan tâm hỗ trợ thực hiện tại Quảng Trị. Ảnh: HN

Trong giai đoạn 2006 - 2015, tỉnh đã vận động viện trợ từ các tổ chức PCPNN tổng kinh phí cam kết lên tới 105 triệu USD, tương đương khoảng 2.310 tỉ đồng, nguồn vốn này gần bằng 4% tổng vốn đầu tư xã hội và xấp xỉ bằng 12% vốn ngân sách nhà nước cho cả giai đoạn. Đây là “cú hích” mạnh mẽ để hồi sinh nhiều vùng đất bị ô nhiễm bom mìn bằng các dự án rà phá bom mìn quy mô lớn; là nguồn lực đầu tư quan trọng để phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, đầu tư cho hạ tầng, phương pháp làm việc, kinh nghiệm quản lí tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Đồng thời góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nhất là các xã nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết một số vấn đề xã hội mà ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn khác không thể đáp ứng đầy đủ như dịch bệnh, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, biến đổi khí hậu, HIV/ AIDS, buôn bán trẻ em, phụ nữ...

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã vận động được 33 khoản viện trợ từ các tổ chức PCPNN với tổng kinh phí cam kết 5,73 triệu USD. Kết thúc năm 2019 có 31 khoản viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiếp nhận, thực hiện với tổng vốn cam kết 4,8 triệu USD. Trong đó, có 2 khoản viện trợ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vốn tài trợ với trị giá 1,77 triệu USD; 20 khoản do UBND tỉnh trực tiếp phê duyệt tiếp nhận với tổng số vốn cam kết 2,75 triệu USD, 9 khoản còn lại do các cơ quan trung ương phê duyệt, các cơ quan đầu mối địa phương tiếp nhận. Các khoản viện trợ trong năm 2019 tập trung vào các lĩnh vực như rà phá bom mìn; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người nghèo; giáo dục phòng tránh bom mìn trong cộng đồng và trường học; hỗ trợ nạn nhân khuyết tật, nạn nhân bom mìn; đầu tư xây dựng hạ tầng; thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy công khai minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lí ngân sách nhà nước… Các tổ chức PCPNN có mức tài trợ lớn là Project VietNam Foundation, DOVE Fund, Peace Trees VietNam (Hoa Kỳ); Cơ quan viện trợ phát triển Ai Len; Passerelles Numeriques (Pháp)…

Tính chung trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 68 khoản viện trợ, chương trình, dự án do các tổ chức PCPNN tài trợ được triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư trên 16,4 triệu USD, kết thúc năm giá trị giải ngân đạt 100%. Năm 2020, tỉnh ưu tiên vận động viện trợ từ các tổ chức PCPNN đầu tư vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; phát triển, cải thiện điều kiện về y tế; phát triển giáo dục và đào tạo, dạy nghề; bảo vệ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em; khắc phục hậu quả chiến tranh…Trong năm trên địa bàn tỉnh sẽ có 48 khoản viện trợ của các tổ chức PCPNN chuyển tiếp thực hiện với tổng vốn dự kiến trên 17,7 triệu USD và các cơ quan chức năng sẽ hoàn tất thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện 2 khoản viện trợ đã thỏa thuận trong năm 2019 với tổng mức vốn gần 1 triệu USD.

Đạt được kết quả trên là nhờ lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức PCPNN, các chương trình, dự án của tổ chức PCPNN triển khai trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là UBND tỉnh đã kiện toàn khung pháp lí bằng các văn bản pháp quy cho công tác vận động, tiếp nhận và quản lí viện trợ PCPNN; ban hành chương trình xúc tiến, vận động viện trợ PCPNN của tỉnh trong từng giai đoạn; tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhân dân mở rộng hợp tác quốc tế. UBND tỉnh đã dành một nguồn lực nhất định cho công tác xúc tiến, vận động viện trợ; lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo và tham gia các hoạt động vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, các khoản viện trợ, chương trình, dự án của các tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh về cơ bản được triển khai đúng mục đích, có hiệu quả đã làm hài lòng người dân, những đối tượng trực tiếp hưởng lợi, qua đó tạo hiệu ứng tốt, sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng các tổ chức PCPNN để từ đó các tổ chức này ủng hộ và quyết định tài trợ nhiều hơn, quy mô hơn. Bên cạnh đó, việc mở rộng quan hệ với các tổ chức PCPNN đã góp phần giúp tỉnh thực hiện hiệu quả hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại. Qua đó, không chỉ làm cho bạn bè quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn lịch sử, văn hóa và chính sách phát triển của tỉnh Quảng Trị mà còn trở thành một đối tác tin cậy để hợp tác cùng phát triển.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145897