Nguồn nhân lực - yếu tố tiên quyết mở 'cánh cửa' kho bạc số

Kho bạc số là kho bạc mà ở đó mọi tác nhân đều có thể tương tác trên nền tảng số, do đó, nhân lực được nhận định là yếu tố chủ chốt để chuyển đổi số thành công. Hiểu rõ yêu cầu này, ngoài việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước rất chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Hàng năm, KBNN đều cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu các nghiệp kho bạc. Ảnh tư liệu

Hàng năm, KBNN đều cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu các nghiệp kho bạc. Ảnh tư liệu

Phát triển nguồn nhân lực, kiện toàn tổ chức bộ máy

Trong suốt nhiều năm qua, cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức được KBNN thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo phương thức quản lý nguồn nhân lực hiện đại dựa trên năng lực.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công việc, KBNN chú trọng phát triển đội ngũ công chức KBNN đầy đủ cả về chất và lượng. Hiện, đội ngũ công chức, viên chức tại KBNN đều có phẩm chất đạo đức tốt, có lập trường tư tưởng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản, có trình độ tin học, ngoại ngữ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, có kiến thức pháp luật. Hàng năm, KBNN đều cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu các nghiệp kho bạc. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, KBNN đã cử gần 3.686 lượt công chức trong toàn hệ thống tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về các nghiệp vụ (báo cáo tài chính nhà nước, xử phạt vi phạm hành chính, kế toán trưởng đơn vị sự nghiệp…).

Không chỉ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng trong nước, KBNN còn tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo chuyên sâu cán bộ tại các nước tiên tiến, xây dựng các chương trình, dự án hợp tác với các nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng; mời chuyên gia nước ngoài về KBNN tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về các nội dung quản lý tài chính cho các công chức, viên chức trẻ có năng lực.

Đặc biệt, KBNN đẩy mạnh hợp tác với một số nước và các tổ chức quốc tế như IMF, OTA, WB, tham dự Hội nghị Mạng lưới quản lý Chi tiêu công châu Á (PEMNA); Hội nghị thường niên Hiệp hội Kho bạc Quốc tế (AIST); triển khai các hoạt động hợp tác song phương với Kho bạc Lào, Cuba, Hungary, Indonesia… Thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện để công chức KBNN học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế chính sách đồng thời củng cố, mở rộng uy tín, vị thế của KBNN, Bộ Tài chính nói riêng, của Việt Nam nói chung trong khu vực và trên trường quốc tế.

Sẵn sàng nguồn nhân lực từ trung ương đến địa phương

Việc phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cũng được tất cả các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống “vào cuộc” quyết liệt.

Ông Phan Quảng Thống - Giám đốc KBNN Đà Nẵng cho biết, chuẩn bị cho việc tiến tới kho bạc số, đơn vị tập trung nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức đáp ứng được với các yêu cầu mới. KBNN Đà Nẵng cử nhiều lượt công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số do KBNN tổ chức. “Sau mỗi đợt tập huấn, đào tạo, công chức được trang bị kiến thức tổng quan về chuyển đổi số; định hướng chuyển đổi số trong ngành Tài chính; kỹ năng khai thác, xử lý thông tin, dữ liệu trên môi trường số” - ông Thống nhấn mạnh.

Tiến tới mô hình kho bạc nhà nước 2 cấp

KBNN sẽ nghiên cứu thí điểm từng bước sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp (tại trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện) theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với lộ trình phù hợp, đảm bảo hoạt động của KBNN và việc giao dịch của các tổ chức, cá nhân với KBNN được thuận lợi.

KBNN Đà Nẵng đã cử 1 lãnh đạo tham gia lớp “Đào tạo tổng quan về chuyển đổi số - Xây dựng một tổ chức có tính sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Lớp học trang bị kiến thức cơ bản về cách mạng công nghiệp 4.0; công nghệ 4.0 phân tích dữ liệu thông minh và tùy biến; công nghệ 4.0 tự động hóa, liên kết và đảm bảo an toàn; phương pháp và lộ trình chuyển đổi số sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, KBNN Đà Nẵng cử nhiều công chức tin học và nghiệp vụ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phần mềm tin học, quản trị công nghệ thông tin…

Theo Giám đốc KBNN Đà Nẵng, đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, lại được đào tạo về chuyển đổi số sẽ là lực lượng nòng cốt để đưa KBNN Đà Nẵng tiệm cận ngày càng gần tới kho bạc số, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Còn tại KBNN Cà Mau, với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc lĩnh vực đặc thù theo quy định); liên thông dữ liệu của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát rủi ro.

Theo đó, KBNN Cà Mau tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các công nghệ số như điện toán đám mây (cloud vomputing), dữ liệu lớn (big data), di động (mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain),… để tối ưu hóa các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ.

Đặc biệt, theo ông Dương Hữu Tảng - Giám đốc KBNN Cà Mau, cũng như các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống, KBNN Cà Mau đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp bố trí cán bộ đúng năng lực sở trường, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để cán bộ, công chức tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của hệ thống KBNN.

Để nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, KBNN Lào Cai cũng có cách làm riêng, hiệu quả. Theo ông Vũ Trọng Cường - Giám đốc KBNN Lào Cai, kể từ năm 2015 đến nay, đều đặn hàng năm, KBNN Lào Cai đều tổ chức thi nghiệp vụ cho cán bộ công chức công tác tại Phòng Kiểm soát chi, Phòng Kế toán và Phòng Thanh tra kiểm tra. “Cuộc thi là dịp để cán bộ, công chức nâng cao ý thức học tập, nghiên cứu, trao đổi, tích lũy kinh nghiệm, củng cố thêm kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu về quy trình, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ. Thông qua cuộc thi cũng là dịp để đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ”, ông Cường chia sẻ.

Đặc biệt, để tiến tới kho bạc số, trên nền tảng chất lượng đội ngũ công chức sẵn có, KBNN Lào Cai đã thường xuyên cử cán bộ theo học các lớp nghiệp vụ và các lớp về chuyển đổi số, cũng như luôn yêu cầu từng cán bộ, công chức trau dồi các kỹ năng và kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Chú trọng các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong hệ thống KBNN được thực hiện đảm bảo đúng kế hoạch của Bộ Tài chính và KBNN. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên mô, nghiệp vụ để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức trong toàn hệ thống. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, KBNN đã cử gần 3.686 lượt công chức trong toàn hệ thống tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về các nghiệp vụ (báo cáo tài chính nhà nước, xử phạt vi phạm hành chính, kế toán trưởng đơn vị sự nghiệp…).

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nguon-nhan-luc-yeu-to-tien-quyet-mo-canh-cua-kho-bac-so-157065-157065.html