Nguy cơ đàm phán Mỹ-Triều kết thúc thất bại trong năm nay?

Trong cuộc gặp với đại diện ngoại giao Mỹ ngày 9-11, đặc phái viên Hàn Quốc Lee Do-hoon chia sẻ quan ngại về việc các bên không thể hoàn tất Mỹ-Triều đàm phán trước hạn định mà Bình Nhưỡng đưa ra là cuối năm nay.

Ngày 9-11, lãnh đạo phái đoàn phụ trách vấn đề hạt nhân của Hàn Quốc, ông Lee Do-hoon, đã chia sẻ quan ngại với đặc phái viên của tổng thống Mỹ về vấn đề Triều Tiên, Mark Lambert, về nguy cơ không đạt được thỏa thuận Mỹ-Triều vào cuối năm nay.

Đây là lần đầu tiên hai nhà ngoại giao này gặp nhau sau cuộc đối thoại không thành công giữa các đại diện Mỹ và Triều Tiên ở Stockholm, Thụy Điển hồi tháng trước.

Ông Jo Chol-su tham gia Hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân Moscow 2019. Ảnh: YONHAP

Ông Jo Chol-su tham gia Hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân Moscow 2019. Ảnh: YONHAP

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh Triều Tiên đã từng bước gia tăng áp lực đối với Mỹ và tuyên bố mong muốn hai bên có thể hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay. Bình Nhưỡng đặt ra thời hạn này để Washington thống nhất một đề xuất về các biện pháp phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đồng thời với việc dỡ bỏ cấm vận.

Ngày 8-11, ông Jo Chol-su - người đứng đầu Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên - hối thúc Mỹ nhanh chóng đưa ra quyết định trong năm nay.

"Chúng tôi đã dành cho Mỹ nhiều thời gian và chúng tôi sẽ chờ đợi một kết quả nào đó cho đến cuối năm nay" - ông Jo trả lời phóng viên trong một phiên họp báo tại Hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Moscow.

"Mặc dù chúng tôi kỳ vọng mọi chuyện sẽ diễn biến theo hướng tích cực, tôi muốn nhắc nhở rằng cánh cửa đàm phán đang dần hẹp đi theo thời gian" - ông nói thêm.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết cũng trong ngày 8-11, đặc phái viên Hàn Quốc Lee Do-hoon cũng có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và chia sẻ quan điểm rằng cả Mỹ và Triều Tiên nên tiếp tục duy trì động lực đối thoại.

Tại hội nghị, hai nhà ngoại giao Mỹ và Hàn Quốc cũng đã chào hỏi ngắn gọn với ông Jo Chol-su.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng có cuộc gặp riêng với ông Jo. Trước đó, trong buổi khai mạc hội nghị hôm 7-11, ông Jo và ông Lambert đã có cuộc nói chuyện ngắn trong khoảng 5 phút. Tuy nhiên, hiện tại Triều Tiên vẫn chưa công bố nội dung hai cuộc trò chuyện trên.

Cuộc gặp Mỹ-Triều ở Stockholm là lần đầu tiên hai bên nối lại đối thoại chính thức sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận vì bất đồng quan điểm trong cách thức phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và việc Washington dỡ bỏ cấm vận đối với Bình Nhưỡng.

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/nguy-co-dam-phan-mytrieu-ket-thuc-that-bai-trong-nam-nay-869319.html