Nguy cơ hiện hữu...

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, thời gian qua, hành lang pháp lý nhằm kiến tạo phát triển trên không gian số và giải quyết các vấn đề phát sinh, các 'điểm nghẽn' trong thực tiễn ngày càng hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số phát triển.

Điều này thể hiện qua việc Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Nhiều nghị định, chỉ thị, công điện, nghị quyết, thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành. Có 388/1.146 thủ tục hành chính được rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa, đạt 34%. 63/63 địa phương hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện. Cơ sở dữ liệu đất đai cũng đang triển khai xây dựng, trong đó có 219/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng.

Các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế việc di chuyển, thời gian chờ đợi. Đồng thời tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng "tham nhũng vặt".

Về nền tảng số, tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động trong 6 tháng đầu năm vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tiếp tục được thực hiện. Đặc biệt, theo ước tính sơ bộ, tỷ trọng GDP kinh tế số trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 14,96%, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 21% so với cùng kỳ năm 2022...

Như vậy, về cơ bản, việc chuyển đổi số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu theo các chỉ tiêu năm 2023 mà Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đề ra vẫn còn rất "khiêm tốn". Cụ thể, phải có 100% bộ, ngành, địa phương ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục. 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở bao gồm danh mục dữ liệu mở, công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch; cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Cũng bởi vậy mà mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải có Công văn đôn đốc triển khai Năm dữ liệu số quốc gia bởi qua tổng hợp hiện trạng triển khai, Bộ nhận thấy kết quả triển khai của các bộ, ngành, địa phương còn rất thấp so với mục tiêu đặt ra. Nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra trong Quyết định 17 ngày 4.4.2023 của Ủy ban đang hiện hữu...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh rằng, năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Vậy nên để đạt được các mục tiêu đã đề ra, vấn đề mấu chốt là phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung bởi chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nguy-co-hien-huu-i341117/