Nguy cơ lãng phí cơ sở vật chất sau sáp nhập trường học
Một trong những vấn đề được quan tâm là sau sáp nhập, các trường học có cơ sở vật chất (CSVC) dư thừa sẽ sử dụng thế nào để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí.
Có thể thừa cả một trường
Thời gian qua, các đơn vị hành chính cấp xã không phải sắp xếp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sáp nhập 72 trường cùng cấp và liên cấp thành 36trường. Vì sáp nhập, nhiều trường học đã dư thừa CSVC, nhất là các phòng chức năng.
Cô giáo Cao Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hồng Phong (Nam Sách) cho biết: "Sau sáp nhập, do gộp toàn bộ CSVC của trường tiểu học và THCS lại nên thừa các phòng họp hội đồng, hội trường, thư viện, Đoàn-Đội, công đoàn... Đây cũng là chuyện bình thường vì các phòng phục vụ giảng dạy của 2trường trước đây giờ chỉ còn một".
Thời gian tới, khi sáp nhập những đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các trường ở những nơi này cũng phải sáp nhập theo. Theo kế hoạch, tỉnh ta sẽ sáp nhập 53 đơn vị hành chính cấp xã thành 24 đơn vị mới. Một số huyện sáp nhập 3 đơn vị thành 1 đơn vị. Thời gian qua, gắn với xây dựng nông thôn mới, phần lớn các trường xây dựng, sửa chữa, nâng cấp CSVC. Việc sáp nhập trường học ở những địa phương trên sẽ dẫn đến dư thừa. Thậm chí, có nơi có thể thừa cả một trường học.
Nếu sáp nhập xã Cẩm Sơn với xã Cẩm Định (Cẩm Giàng), trường mầm non, tiểu học của xã Cẩm Sơn có thể được giữ nguyên nhưng trường THCS nhiều khả năng dồn về một điểm trường ở xã Cẩm Định vì trường này chỉ có 5 lớp với hơn 160 học sinh. Như vậy, toàn bộ CSVC hiện nay của Trường THCS Cẩm Sơn có thể bỏ không. Trường THCS Cẩm Sơn rộng hơn 5.000 m2 với 2 dãy nhà kiên cố cao tầng đầy đủ phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn, trường lại vừa được đầu tư xây dựng nhà đa năng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Thầy giáo Nguyễn Đình Cửu, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Sơn chia sẻ: "Nếu sau khi sáp nhập xã, toàn bộ học sinh của trường chuyển về điểm trường Cẩm Định thì CSVC hiện nay khó sử dụng vào mục đích khác".
Không dễ bố trí
Sau sáp nhập, các địa phương cũng như nhà trường đều quan tâm khai thác, sử dụng CSVC phù hợp, tránh lãng phí, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Huyện Ninh Giang có nhiều đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập nhất tỉnh. Theo đó, các cấp trường ở đây cũng phải sáp nhập theo. "Với những phòng chức năng thừa, chúng tôi sẽ hướng dẫn các trường bố trí cho các tổ, nhóm chuyên môn. Đồng thời, thành lập những câu lạc bộ năng khiếu như tiếng Anh, toán, ngữ văn, văn nghệ, thể dục, thể thao hoặc những hoạt động giáo dục khác", ông Lê Tiến Đạt, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang cho biết.
Để chuyển đổi công năng các phòng không đơn giản. Các phòng này không thiết kế dành riêng cho những hoạt động trên, thường gần khu vực làm việc của Ban giám hiệu nên chất lượng hoạt động sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, đội ngũ giáo viên hiện còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu những người có khả năng tổ chức, hướng dẫn, điều hành tốt hoạt động khác.
Đối với trường học sáp nhập ở những đơn vị hành chính cấp xã không phải sắp xếp, sáp nhập thì việc khai thác, sử dụng CSVC dư thừa không quá khó. Thực tế hiện nay, phần lớn các trường còn có nhu cầu lớn về CSVC. Nhiều trường học đã linh động sắp xếp, sử dụng phòng dư thừa để tạo hiệu quả hơn trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động dạy học. Nhờ đó, nhiều nơi đã khắc phục được tình trạng thiếu phòng học, phòng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn.
Sau sáp nhập, để tạo không gian rộng rãi và thuận tiện cho quản lý học sinh, lãnh đạo Trường Tiểu học và THCS Thái Học (TP Chí Linh) đã phá bỏ tường bao ngăn cách 2 trường trước đây; sắp xếp lại một số phòng làm việc của Ban giám hiệu, tổ, nhóm chuyên môn, Đoàn - Đội. Đơn vị bố trí các phòng làm việc Ban giám hiệu ở địa điểm trường THCS cũ, chuyển phòng Đoàn - Đội từ tầng 2 trường THCS xuống tầng1 của dãy nhà tiểu học cũ để thuận tiện cho hoạt động.
Tương tự, các phòng dư thừa sau sáp nhập của Trường Tiểu học và THCS Hồng Phong (Nam Sách) cũng được sử dụng khá hợp lý. Phòng họp hội đồng, phòng truyền thống được cải tạo thành phòng học giúp học sinh không còn phải học tạm. Hội trường trường tiểu học được sửa sang lại thành nơi tổ chức cho học sinh tập aerobic, cờ vua. Các phòng còn lại như y tế, công đoàn, Đoàn - Đội... trường sẽ dùng làm phòng họp của các tổ, nhóm chuyên môn. Điều này sẽ giúp giáo viên có không gian riêng, thường xuyên trao đổi, thảo luận mà trước đây chưa có điều kiện.
Nhiều trường học đã và sẽ sáp nhập mong muốn các cấp, các ngành, nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn khai thác, sử dụng CSVC dư thừa. Địa phương có CSVC trường học thừa nhiều cần có cách sử dụng hợp lý, tránh lãng phí. Các trường cũng cần linh hoạt, sáng tạo xây dựng các mô hình, câu lạc bộ hoạt động phù hợp với tâm sinh lý, năng lực, sở trường của học sinh.