Nguy cơ sạt lở, ngập sâu trong đợt triều cường đỉnh cao nhất trong năm

Để ứng phó với đợt triều cường cuối tháng 10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã gửi công văn 'khẩn' đến các quận huyện, đặc biệt chú ý đến các quận 7, 8, 12 và các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn yêu cầu chủ động đối phó với đợt triều cường mới.

Mức triều đạt đỉnh 1,70m sẽ khiến nhiều đoạn bờ sông yếu có nguy cơ sạt lở cao gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Nhìn lại đợt triều cường hồi cuối tháng 9, mực nước triều dâng cao khiến đoạn bờ kè đang thi công tại khu vực cầu Kênh Ngang số 3 (quận 8) bị phá vỡ một đoạn hơn 30m khiến nước từ kênh Lò Gốm tràn vào làm hơn 200 hộ dân tại đây bị thiệt hại do triều cường.

Để ứng phó với đợt triều cường cuối tháng 10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã gửi công văn “khẩn” đến các quận huyện, đặc biệt chú ý đến các quận 7, 8, 12 và các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn yêu cầu chủ động đối phó với đợt triều cường mới.

Công văn yêu cầu các địa phương chủ động kiểm tra rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều, chuẩn bị vật tư để kịp thời ứng phó với tình huống cấp thiết, cơi nới, tu sửa, gia cố, xử lý các vị trí có bờ bao thấp.

Người dân bị ảnh hưởng bởi đợt triều cường hồi cuối tháng 9 do bờ kè bị phá hỏng, sạt lở.

Người dân bị ảnh hưởng bởi đợt triều cường hồi cuối tháng 9 do bờ kè bị phá hỏng, sạt lở.

Yêu cầu Công an TP Hồ Chí Minh chủ động phối hợp, nhất là lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ bố trí trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu tại các vị trí ngập. Ngoài ra công văn còn yêu cầu chủ đầu tư các dự án giao thông, thủy lợi chủ động kiểm tra các vị trí dễ bị sạt lở gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tính mạng và tài sản của người dân.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, trên địa bàn thành phố vẫn còn hiện hữu 37 vị trí có nguy cơ sạt lở cao, có nhiều điểm sạt lở kéo dài nhiều năm qua, có dự án để khắc phục sạt lở nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành như khu vực bờ trái cầu Phước Lộc, kênh Cây Khô, bờ phải thượng lưu ngã ba Kinh Lộ - Tắc Mương lớn, bờ phải phía cầu Long Kiểng (Nhà Bè), bờ trái tuyến Tắc Nghĩa An (Cần Giờ), rạch Xóm Củi (Bình Chánh). kênh Tàu Hủ - Lò Gốm (quận 8), đoạn trước kho 227-289 Bến Bình Đông, kè cũ sạt lở hơn 4 năm qua vẫn chưa được khắc phục do vướng đường dây điện.

Khu vực các quận 2, quận 8 và Bình Thạnh cũng có nhiều vị trí sạt lở tồn tại cả chục năm nay. Tại 37 vị trí sạt lở với chiều dài hơn 23.500m vừa được công bố thì có đến 35 điểm đã có dự án chống sạt lở, tuy nhiên có một số dự án chưa khởi động, một số dự án làm… cầm chừng.

Có 19 vị trí sạt lở nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm, bên trên là nhà dân, bên dưới là hàm ếch đánh sâu vào trong bờ khiến người dân sống tại khu vực này luôn nơm nớp lo lắng nhà cửa, tài sản, ruộng vườn bị “hà bá” nuốt chửng. 14/19 vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng này nằm ở các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Thủ Đức… đã được giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. 1

6/18 vị trí sạt lở còn lại một phần được giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư, còn lại thuộc về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy lợi TP, năm 2018, mới có 4 vị trí sạt lở được đầu tư xây dựng chống sạt lở hoàn thành tại khu vực Rạch Đỉa - Rạch Dơi - sông Phú Xuân (quận 7), khu vực ngã ba sông Bến Lức - Kênh Xáng Lý Văn Mạnh (huyện Bình Chánh), bờ phải cầu Rạch Tôm (huyện Nhà Bè), khu dân cư An Hòa (huyện Cần Giờ). Trong năm 2019, các vị trí xây dựng kè chống sạt lở vẫn còn đang triển khai.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ thành phố cho hay, các vị trí sạt lở có dự án chống sạt lở được triển khai tuy nhiên thi công còn chậm, chủ đầu tư khi khảo sát chưa đánh giá được hết địa hình, địa chất, thủy văn nên khi thực hiện phương án xây dựng kè không đảm bảo an toàn nên phải điều chỉnh dự án.

Một số dự án hoàn thành, đã đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao cho đơn vị quản lý khiến các hạng mục này không được chăm sóc dẫn đến hư hỏng, xuống cấp.

Ngoài việc do tác động của mưa lũ, triều cường thì một số nguyên nhân khác như khai thác cát trái phép cũng khiến các bờ sông bị sạt lở, mỗi năm lại xuất hiện một vài vị trí sạt lở mới. Như trên sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi, sông Đồng Nai, khu vực quận 9, sông Lòng Tàu, Soài Rạp cà các vị trí ven biển Cần Giờ bị sạt lở do khai thác trái phép cát trái phép. Ngoài ra, một số vị trí người dân xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ bờ kè khiến các vị trí này bị sạt lở với diện tích rộng.

Đợt triều cường cuối tháng 10 với đỉnh triều cao, không chỉ lo việc các tuyến đường, các khu dân cư bị ảnh hưởng do ngập nước mà người dân còn nơm nóp lo sợ bị sạt lở bờ sông khiến tài sản cũng như tính mạng của họ đe dọa. Người dân mong muốn các dự án kè được triển khai nhanh tại các trí sạt lở để người dân yên tâm mà không lo “hà bá” nuốt đất, nuốt nhà.

Nghinh Phong

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nguy-co-sat-lo-ngap-sau-trong-dot-trieu-cuong-dinh-cao-nhat-trong-nam-567222/