Nguy cơ tiềm tàng tới các căn cứ quân sự ở nước ngoài của Mỹ

Mỹ hiện là quốc gia duy trì số lượng căn cứ quân sự và binh sĩ đồn trú tại nước ngoài lớn nhất thế giới. Dù chúng có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ tại các địa điểm đóng quân, nhưng nhiều căn cứ hiện nằm trong tầm hỏa lực của các đối thủ tiềm tàng. Đây có thể coi là một vấn đề đang làm đau đầu giới chức quân sự Mỹ ở thời điểm hiện tại

“Lò lửa” Trung Đông

Trung Đông vốn được coi là điểm nóng của thế giới với hàng loạt cuộc xung đột từ trước tới nay. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của “rốn dầu” thế giới này đã khiến Mỹ phải triển khai hàng loạt căn cứ quân sự trong khu vực. Tới giữa thế kỷ 20, Mỹ cơ bản đã thay thế Anh giữ vai trò kiểm soát nền an ninh và chính trị tại khu vực này. Hiện tại, Mỹ đang duy trì sự hiện diện quân sự tại Bahrain, Qatar, Kuwait, UAE, Oman và Saudi Arabia. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng duy trì căn cứ không quân quan trọng Incirlik với vai trò kiểm chế và đảm bảo khả năng răn đe chiến lược nhằm vào Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Ngoài ra, Mỹ cũng có sự hiện diện quân sự tại Afghanistan.

 Lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Iraq.

Lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Iraq.

Một điểm đáng chú ý là toàn bộ các căn cứ quân sự Mỹ tại Trung Đông đều nằm dưới tầm hỏa lực của Iran. Điều này đã được chứng minh qua vụ tấn công trả đũa bằng tên của Tehran nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq sau vụ không kích làm lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Hồi giáo, tướng Qasem Soleimani thiệt mạng. Dù không ghi nhận bất kỳ binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng, nhưng vụ tấn công chính là lời cảnh báo của Iran rằng, trong trường hợp chiến tranh xảy ra, tất cả các căn cứ quân sự Mỹ tại Trung Đông sẽ không còn được an toàn.

Mới đây, chuyên gia quân sự Abdollah Ebadi thuộc hãng thông tấn Iran FARS đã nêu đích danh 8 căn cứ quân sự Mỹ tại Cận Đông nằm trong khả năng tấn công của Iran. Ngoài các căn căn cứ quân sự trên, các đơn vị quân sự Mỹ thường trực tại Iraq và Afghanistan cũng nằm trong tầm ngắm. Không chỉ sử dụng các đòn tấn công trực tiếp, Iran có thể phát động các đợt tấn công do các đơn vị Hồi giáo thân hữu có mặt tại khắp khu vực Cận Đông nhằm vào lực lượng quân sự Mỹ. Điều này chính là cơ ác mộng đối với các nhà hoạch định chiến lược ở Ngũ giác đài.

 Căn cứ quân sự Mỹ tan hoang sau vụ tấn công trả đũa bằng tên lửa từ Iran.

Căn cứ quân sự Mỹ tan hoang sau vụ tấn công trả đũa bằng tên lửa từ Iran.

Đông Á

Tại khu vực Đông Á, Mỹ đang duy trì lực lượng quân sự đồn trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại hai quốc gia Đông Á này, lực lượng quân sự đồng trù có đủ các quân, binh chủng hải-lục-không quân. Đây cũng là khu vực ghi nhận sự hiện diện đông đảo của Hải quân Mỹ sau tuyên bố xoay trục sang châu Á từ thời Tổng thống Barack Obama.

Điều đáng quan ngại là toàn bộ căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực Đông Á đều nằm trong tầm tấn công bằng tên lửa các quốc gia có quan hệ không mấy thân thiện với Washington là Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Nếu chiến tranh xảy ra, khả năng các căn cứ quân sự Mỹ tại Đông Á bị tấn công phủ đầu, thậm chí là bị san bằng là hoàn toàn có thể xảy ra.

 Với chiến lược xoay trục sang châu Á, lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Đông Á có sự tăng cường đáng kể về lượng và chất.

Với chiến lược xoay trục sang châu Á, lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Đông Á có sự tăng cường đáng kể về lượng và chất.

Đông Âu

Đây chính là khu vực có truyền thống từ thời chiến tranh Lạnh với sự hiện diện quân sự của Mỹ. Washington đã cắm chốt nhiều căn cứ quân sự tại khu vực Trung và Đông Âu. Cùng với các căn cứ quân sự đã hiện diện từ lâu tại Đức và Na uy, đáng chú ý nhất là các căn cứ phòng thủ tên lửa mới triển khai tại Romania và Ba Lan, được Nga coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Toàn bộ các căn cứ này đều nằm trong tầm hỏa lực của Quân đội Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Sự tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực giáp biên giới Nga tại Baltic như Riga, Tallinn và Vilnius cũng có thể khiến các khu vực này nằm trong tầm ngắm của tên lửa Nga. Với năng lực quân sự hiện có, Nga có đủ khả năng biến các căn cứ quân sự Mỹ tại châu Âu thành bình địa, nếu chiến tranh xảy ra.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, việc căn cứ quân sự Mỹ bị tấn công khó có thể xảy ra do hành động này có thể dẫn tới đòn trả đũa hạt nhân từ Washington. Tuy nhiên, nguy cơ này không hẳn là không tồn tại. Khi đã bị dồn tới miệng hố chiến tranh, mọi kịch bản đều có thể xảy ra.

Sự hiện diện của nhiều căn cứ quân sự tại nước ngoài hiện không đảm bảo 100% ảnh hưởng của Mỹ tới khu vực đó, nhất là trong bối cảnh thế giới đa cực như hiện tại. Trái lại, mạng lưới căn cứ quân sự rộng lớn tại nước ngoài sẽ chính là gánh nặng đối với Lầu Năm góc, khi mọi sai lầm về chính sách và chiến lược đều có nguy cơ biến căn cứ quân sự thành điểm bị trả đũa trước tiên.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/nguy-co-tiem-tang-toi-cac-can-cu-quan-su-o-nuoc-ngoai-cua-my-611439