Nguy cơ xảy ra 'cuộc chiến' thương mại

Hôm nay, 4.10, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành bỏ phiếu về việc áp thuế lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc; các chuyên gia cho rằng, vẫn còn không gian để EU và Trung Quốc tiếp tục đối thoại, giải quyết những khác biệt bất kể kết quả ra sao, song nguy cơ xảy ra 'cuộc chiến' thương mại ngày càng trở nên rõ nét.

Mức độ phụ thuộc của hai thị trường

Theo quan điểm của châu Âu, phụ thuộc kinh tế sâu sắc giữa Brussels và Bắc Kinh đã dẫn tới những xung đột; thống kê cho thấy, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 17,8% so với năm 2022, song thâm hụt thương mại của châu Âu với Trung Quốc vẫn rất đáng kể và quốc gia này vẫn là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho EU vào năm 2023. Ngoài khối lượng thương mại, sự mất cân bằng này cũng làm nổi bật sự phụ thuộc chiến lược của châu Âu vào Trung Quốc. Trong hơn một thập kỷ, chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã tập trung vào việc thống trị các lĩnh vực toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu.

Một báo cáo năm 2021 của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, EU phụ thuộc rất nhiều vào các tác nhân bên ngoài đối với 137 sản phẩm chiến lược, trong đó 52% có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này đặc biệt rõ ràng trong các lĩnh vực như dược phẩm với 40% đầu vào đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của châu Âu nằm ở các công nghệ xanh, khi Trung Quốc sở hữu khối lượng lớn tài nguyên liệu thô và thành phẩm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc kiểm soát khoảng 60% nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất công nghệ xanh và tinh chế khoảng 90% các nguyên tố này. Sự phụ thuộc này làm phức tạp con đường hướng tới độc lập năng lượng của châu Âu. Chẳng hạn, vào năm 2022, 96% tấm pin mặt trời và 61% tua-bin gió mà EU nhập khẩu đến từ Trung Quốc.

 EU dự kiến sẽ áp thuế quan lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

EU dự kiến sẽ áp thuế quan lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Khi nền kinh tế xanh ngày càng phát triển, sự phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc sẽ tăng lên, đặc biệt là ngành xe điện. Nhập khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất đã tăng vọt từ 1,4 tỷ euro vào năm 2020 lên 11,5 tỷ euro vào năm 2023, chiếm 37% tổng lượng xe điện nhập khẩu vào EU; để tránh lặp lại sự phụ thuộc quá mức như với tấm pin mặt trời và tua-bin gió, EU đã quyết định hành động bằng cách áp dụng mức thuế lên tới 45% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Các quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu về các mức thuế quan này vào ngày hôm nay, 4.10; EU cho rằng, việc áp thuế quan là bước đi cần thiết củng cố tính toàn vẹn của thị trường và ngăn chặn tình trạng bão hòa, tạo điều kiện cho xe điện do EU sản xuất tăng khả năng cạnh tranh. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi rõ ràng trong chiến lược của EU, nhằm hạn chế sự phụ thuộc ngày càng tăng vào công nghệ Trung Quốc và bảo vệ các ngành công nghiệp của chính mình.

Mặt khác, Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào EU; trong thập kỷ qua, EU đã phát triển một loạt các công cụ để điều hướng nền kinh tế thế giới ngày càng phi tập trung được định hình bởi địa chính trị. Giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2023, trong quá trình theo đuổi quyền tự chủ chiến lược, EU đã đưa ra một số công cụ chính như, cơ chế sàng lọc Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), quy định về trợ cấp nước ngoài và công cụ chống áp bức (ACI). Những công cụ được thiết kế để trang bị cho EU khả năng ứng phó với những thách thức trong việc tăng cường cạnh tranh kinh tế với các đối thủ toàn cầu như Trung Quốc.

Các cơ chế này trao cho EC những quyền hạn quan trọng, chẳng hạn như áp đặt thuế quan hoặc các biện pháp thương mại khác. Những sáng kiến này nhằm mục đích bảo vệ các ngành công nghiệp của EU khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Đồng thời, EU đã nỗ lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp của châu Âu trong các lĩnh vực chính, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của mình. Trong bối cảnh có khả năng xảy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc, những nỗ lực này là rất cần thiết, vì chúng cung cấp cho EU nền tảng vững chắc hơn để hợp tác với một nền kinh tế hùng mạnh như Trung Quốc.

Hơn nữa, trong khi thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc từ lâu đã được coi là một mối quan tâm, thì nó cũng nhấn mạnh sự phụ thuộc của Trung Quốc vào việc tiếp cận thị trường châu Âu.

Trung Quốc phụ thuộc gấp đôi vào EU để xuất khẩu so với EU phụ thuộc vào Trung Quốc - 16% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang EU, trong khi chỉ có 9% hàng xuất khẩu của EU sang Trung Quốc. Sự mất cân bằng này mang đến cho châu Âu một cơ hội chiến lược. Hay trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, EU cũng là một trong những thị trường quan trọng nhất của Trung Quốc. Khi Trung Quốc tìm cách quốc tế hóa các sản phẩm xanh của mình, đặc biệt là xe điện, EU đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Theo dữ liệu năm 2023, khoảng 60% trong số gần 14 triệu xe điện được bán trên toàn thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, một phần đáng kể trong sản lượng này nhằm vào thị trường trong nước, với khoảng hai phần ba số xe được bán tại chính Trung Quốc. Để mở rộng ra toàn cầu, Trung Quốc cần tiếp cận EU, thị trường xe điện lớn thứ hai thế giới và là nước đi đầu trong các nỗ lực chuyển đổi xanh.

Quan điểm trái chiều

Theo các quy tắc, EC có thể áp dụng thuế quan trong 5 năm tới trừ khi 15 quốc gia EU đại diện cho 65% dân số, bỏ phiếu chống lại kế hoạch này. Hiện tại, các quốc gia thành viên như Pháp, Italy, Hà Lan và Ba Lan công khai ủng hộ, trong khi đó, Đức và Tây Ban Nha đã bày tỏ lo ngại về việc áp dụng các mức thuế này có thể dẫn đến chiến tranh thương mại. Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của châu Âu, với tổng kim ngạch đạt 739 tỷ euro (825 tỷ USD) trong năm ngoái.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, EU cần duy trì “đối thoại cởi mở” với Trung Quốc về vấn đề ô tô điện. Mặc dù việc bảo vệ nền kinh tế khỏi các hoạt động thương mại không công bằng là rất quan trọng, song cũng không nên có các hành động tự gây hại cho mình. Theo Euractiv, 15 trong số 27 quốc gia thành viên đại diện cho ít nhất 65% dân số của EU dự kiến sẽ bỏ phiếu chống lại đề xuất này của EC.

Trong khi đó, các quan chức châu Âu tự tin rằng khối có đủ số phiếu để thông qua mức thuế mới, nhưng cũng có những động thái thận trọng hơn sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez lên tiếng phản đối các khoản thuế này, trong khi Đức tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận với Trung Quốc.

Hướng tới sự cân bằng tinh tế

Các nước châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh ngay cả khi họ đã bỏ phiếu áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất vào ngày 4.10. EC cho biết, họ sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp thay thế cho công cụ thuế quan và có thể xem xét lại cam kết bao gồm giá nhập khẩu tối thiểu và giới hạn nhập khẩu. Một nguồn tin thân cận cho biết, một số lựa chọn đang được đàm phán bao gồm: xác định mức giá nhập khẩu tối thiểu dựa trên các tiêu chí như phạm vi hoạt động, hiệu suất pin và chiều dài của xe điện, cùng với việc xe đó là xe hai bánh hay bốn bánh. Giải pháp khác là các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cần cam kết đầu tư vào EU.

Trong khuyến nghị mới nhất của EC, thuế nhập khẩu đối với xe điện của hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD sẽ vẫn ở mức 17%, nhưng có một số điều chỉnh giảm nhỏ đối với tất cả các loại xe điện khác của Trung Quốc. Các công ty không hợp tác sẽ phải chịu mức thuế 35,3%, thay đổi từ 36,6%, trong khi mức thuế của Tesla sẽ là 7,8%, giảm từ 9%. Các nhà phân tích cho rằng, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ không gặp vấn đề gì khi chấp nhận mức thuế này, xét đến các khoản trợ cấp lớn của nhà nước mà họ nhận được. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Đức có thể bị ảnh hưởng không cân xứng, do mối quan hệ chặt chẽ của họ với các đối tác Trung Quốc.

Các chuyên gia nhận định rằng, châu Âu và Trung Quốc có mối quan hệ gắn bó sâu sắc, cả hai bên đều có điểm mạnh và điểm yếu. Trong khi phần lớn sự tập trung hiện tại là vào sự phụ thuộc của châu Âu vào hàng hóa Trung Quốc, EU vẫn nắm giữ đòn bẩy chiến lược đáng kể. Bằng cách tận dụng nhu cầu tiếp cận thị trường của Trung Quốc, khu vực này có thể tạo ra ảnh hưởng lớn hơn trong việc quản lý mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này mà không cắt đứt các mối quan hệ kinh tế quan trọng, hay gây ra căng thẳng thương mại.

Khi căng thẳng thương mại leo thang, thách thức của châu Âu là khẳng định mình là đối tác bình đẳng, cân bằng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc với việc bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình. Hành động cân bằng tinh tế này sẽ định hình tương lai của quan hệ EU - Trung Quốc. Liệu Brussels và Bắc Kinh có thể đàm phán để đi đến một thỏa hiệp hay không vẫn còn chưa chắc chắn, nhưng có một điều rõ ràng rằng, trong các cuộc chiến thương mại hay bất kỳ một cuộc chiến nào khác, sẽ không có người chiến thắng thực sự - đặc biệt là giữa hai nền kinh tế có sự phụ thuộc chặt chẽ.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nguy-co-xay-ra-cuoc-chien-thuong-mai-post392201.html